Được ví von như như một cô gái đẹp nhưng mãi chưa chịu lấy chồng, trong khi tuổi xuân thì có hạn, liệu Sabeco có sớm được "lên xe hoa" trong thời gian tới?

Sabeco có chọn được đối tác trong thời gian tới?

"Cô gái đẹp" đến tuổi "lấy chồng"
Theo số liệu của Brath - Hass Group, thương hiệu Sabeco định vị ở vị trí 21 trong số các tập đoàn sản xuất bia lớn nhất trên toàn thế giới và thứ 3 khu vực ASEAN.
Sabeco cũng được đánh giá là một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, làm chủ kỹ thuật và đang chiếm ưu thế về thị trường nội địa. Hiện Sabeco đang chiếm lĩnh khoảng 46% thị trường bia Việt Nam với nhiều thương hiệu như bia 333 hay bia Sài Sòn.

Năm 2014, Sabeco thu về 30.110 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh, sản lượng tiêu thụ năm 2014 đạt 1.394 triệu lít bia, và hơn 35 triệu lít nước giải khát, lãi ròng đạt 3.049 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2013.

Năm 2015, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu tăng 3% lên 31.721 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 2%, đạt 3.108 tỷ đồng.

Tuy đạt được khá nhiều thành tựu, nhưng doanh nghiệp này lại ngày càng lộ rõ nhiều bất cập, trong đó có vấn đề liên quan đến quản trị. Do vậy, việc mau chóng tìm một đối tác chiến lược có kinh nghiệm quản trị là điều cần thiết.

Tuy vậy, 7 năm sau IPO, Sabeco vẫn cứ "ngoảnh mặt làm ngơ", mặc dù số lượng đối tác "xếp hàng xin cầu hôn" không phải là ít.
Mới đây, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco cho biết, Bộ Công Thương đang lên phương án bán 53% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước tại đơn vị này để trình Chính phủ xem xét. Theo đó, sở hữu Nhà nước tại Sabeco sẽ giảm từ 89% xuống còn 36%.

Cũng theo ông Tuất, toàn bộ số cổ phần sẽ được đấu giá công khai và để trở thành đối tác chiến lược của Sabeco, các đơn vị tham gia phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà Bộ trình Chính Phủ.
Những tiêu chí khắt khe

Có vẻ như sau bao lần trì hoãn, Bộ Công Thương lần này đã hạ quyết tâm thoái dần vốn khỏi Sabeco.

Hiện tại, đã có 9 ứng viên xin "kết hôn" với Sabeco, trong đó hầu hết là những tập đoàn lớn trên thế giới như Heineken (Hà Lan), ThaiBev (Thái Lan) và SAB Miller (Mỹ) hay Ashahi (Nhật Bản). Bên cạnh đó, còn xuất hiện một số doanh nghiệp lớn trong nước như CTCP chứng khoán Sài Gòn (SSI), CTCP Tư vấn Ánh Dương,...

Cuối năm ngoái, tập đoàn Thai Beverage của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã đề xuất về việc mua lại 40% cổ phần của Sabeco với giá 80.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, Sabeco được định giá khoảng 2,4 tỷ USD, và Thai Beverage sẽ phải chi ra khoảng gần 1 tỷ USD cho thương vụ này.

Một doanh nghiệp khác từ Thái Lan cũng có ý định mua cổ phần của Sabeco là Shingha Corp, tuy vậy, rất ít thông tin được tiết lộ liên quan đến thương vụ cũng như ứng viên "bí ẩn" này.

Ngoài nhà đầu tư Thái, một tên tuổi lớn trong làng bia thế giới khác cũng muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco là Heineken. Hiện Heineken đang nắm giữ khoảng 5% cổ phần Sabeco.

Mặc dù rất mong muốn, nhưng việc trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco sẽ không hề dễ dàng với các doanh nghiệp này. Theo đó, đối tác chiến lược sẽ phải đáp ứng được các điều kiện khắt khe của Bộ như không tạo ra những xung đột lợi ích giữa Sabeco và nhà đầu tư, không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Sabeco, đáp ứng được mục tiêu “nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu và nước giải khát” tại Sabeco.

Với các tiêu chí này, một điều dễ nhận thấy là những ứng viên tên tuổi trong làng bia thế giới sẽ không đạt điểm cao vì họ đều đang sản xuất, kinh doanh bia cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của Sabeco.

Trong khi đó, ông Phan Đăng Tuất cũng cho rằng, "chơi" với các công ty tiềm lực tài chính lớn phải hết sức cẩn thận, không đơn giản. Hợp tác cùng ngành có lợi nhưng cũng có hại như việc chẳng mấy chốc sẽ mất thương hiệu. Bởi chủ nghĩa thôn tính còn nguyên trong quan điểm kinh doanh của các "ông lớn".

Mới đây, khi trao đổi với báo giới, ông Lê Hồng Xanh - Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Sabeco cho biết, chi tiết và quyết định về đối tác chiến lược phải do cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương quyết định. Tuy vậy, ông Xanh cũng nhấn mạnh, tiêu chuẩn đối với đối tác chiến lược hiện nay Bộ Công Thương sẽ ưu tiên các tổ chức doanh nghiệp trong nước, có năng lực tài chính và quản trị tốt.

Mặc dù vậy, các nhà đầu tư nội địa không vì thế mà được ưu ái quá nhiều khi phải đạt được một số điều kiện, như chứng minh được nguồn tiền, không có nợ xấu, có khả năng hỗ trợ cho hệ thống kinh doanh của Sabeco.
Trần Thúy (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.