Nhìn Nón Sơn nằm hờ hững toàn ở nơi đắc địa giữa trung tâm TP.HCM, người ta bán tin bán nghi, đặt ra nhiều câu hỏi.

Cảnh tượng vắng vẻ thường thấy ở cửa hàng Nón Sơn

Nón Sơn – một thương hiệu nón nổi tiếng trong tâm trí người tiêu dùng bởi chất liệu tự nhiên, màu sắc đẹp, kiểu dáng thời trang. Chị Phương (35 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Vốn không tin tưởng chất lượng hàng Việt Nam lắm, nhưng nghe bạn bè giới thiệu, mua dùng thử thì Nón Sơn vừa thời trang, vừa bền đẹp, không kém gì hàng ngoại.”

Khi đang chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, thì đến cuối 2007 có quy định phải đội nón bảo hiểm khi đi xe gắn máy. Một đất nước mà người người đi xe gắn máy, nhà nhà có xe gắn máy thì quy định này quả là tác động khá khó khăn đến các công ty sản xuất, các cửa hàng buôn bán nón vải.

Sau khoảng 1, 2 tháng sau khi quy định bắt buộc đội nói bảo hiểm có hiệu lực thì các cửa hàng mũ vải lớn ở TP.HCM vắng bóng người lui tới. Ngay cả thương hiệu mũ vải ra đời cả chục năm qua, tạo được uy tín trên thị trường như Nón Sơn cũng èo uột. Tưởng chừng như sự bao phủ của nón bảo hiểm đã dìm chết Nón Sơn. Nhưng thực sự thì sau gần 5 năm kể từ khi mũ bảo hiểm trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống của những người sử dụng phương tiện xe máy thì Nón Sơn còn phát triển lên đến gần 40 cửa hàng trên toàn quốc. Một con số mà khiến nhiều người phải ngạc nhiên, nhiều nhà sản xuất mũ nón đã giải thể trước đó phải ngưỡng mộ.Với mức giá tương đối cao (trung bình 1,5 - 2 triệu đồng/cái), thậm chí lên tới 3 - 4 triệu đồng/cái đối với chất liệu từ thiên nhiên. Nón Sơn đã có những sản phẩm mũ bảo hiểm chất lượng cao, khá bắt mắt để thích nghi với điều kiện mới. Nhưng quan sát tại các cửa hàng Nón Sơn thì lượng mũ bảo hiểm được bày bán chiếm số lượng khá ít, mà đa số vẫn là mũ thời trang.

Nhóm phóng viên chúng tôi quan sát 3 ngày liên tiếp tại các cửa hàng nón Sơn tại TP.Hồ Chí Minh thì nhìn chung cửa hàng thưa thớt khách ra vào. Ngay cả cuối tuần, hay buổi tối từ 19 - 21 giờ, thời điểm mọi người thường shopping, mua sắm thì cũng chỉ lác đác chỉ được 10 - 15 lượt khách ghé qua. Một con số ước lượng trung bình khá ngạc nhiên là một ngày chưa đến 30 khách vào một cửa hàng nón Sơn này.Với 36 cửa hàng trên cả nước, trong đó 12 cửa hàng tại TP.HCM, 10 cửa hàng tại Hà Nội với các vị trí được coi là “đắc địa”, những con đường mua sắm lớn, những ngã tư, vòng xoay,…Theo những chuyên gia về bất động sản thì giá thuê mặt bằng những vị trí như vậy cũng tầm tầm 30 - 40 triệu đồng/tháng.

Đó chính là điều khó hiểu với những ai ngày ngày qua lại trên các con phố trung tâm ở TP.HCM. Với doanh số bán có thể nhìn thấy là không đủ trả phí mặt bằng hàng tháng, làm sao Nón Sơn có thể tồn tại?

Có ý kiến cho rằng, Nón Sơn đang cố giữ các mặt bằng quan trọng để sang nhượng lại cho các đối tác cần mở nhà hàng, cửa hiệu. Chiến lược mở cửa hàng để thu lợi từ bất động sản bán hàng cũng đã được nhiều hãng trên thế giới thực hiện, chẳng hạn Mc Donald's. Hãng đồ ăn nhanh này thường mua đứt các vị trí đẹp để mở cửa hàng rồi sau đó khi cần có thể sang nhượng lại, kiếm lời từ chênh lệch giá đất.

Cũng có ý kiến cho rằng Nón Sơn vẫn kiên trì duy trì thương hiệu, để thương hiệu ở những góc phố đông người thay vì chi tiền quảng bá trên truyền hình. Đến khi phát triển được mặt hàng kinh doanh tốt ngoài mũ, chẳng hạn như áo tắm, giày dép, quần áo, phụ kiện thời trang... thì Nón Sơn lúc đó chỉ việc ốp thương hiệu của mình lên hàng hóa để bán, thu lợi đều đặn, bù cho những tháng ngày phơi thương hiệu giữa trời đất Sài thành như bây giờ.

Theo Khánh Hải (Nhịp cầu đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Chuyện khó hiểu của Nón Sơn

    Chuyện khó hiểu của Nón Sơn

    01/11/2012 1:07 PM

    Nhìn Nón Sơn nằm hờ hững toàn ở nơi đắc địa giữa trung tâm TP.HCM, người ta bán tin bán nghi, đặt ra nhiều câu hỏi.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.