Thừa nhận việc gộp cổ phiếu theo tỷ lệ 7:1 là chưa có tiền lệ, song Chủ tịch SBS Kiều Hữu Dũng kỳ vọng sẽ được Ủy ban chứng khoán nhanh chóng thông qua để không còn bị lỗ trong năm 2013.

Nhờ cổ đông duyệt phương án tái cấu trúc, giúp công ty thoát khỏi tình trạng thua lỗ nặng nề như hiện tại là điểm chính của đại hội cổ đông Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (SBS) sáng nay.

3 bước trong đề án tái cấu trúc toàn diện SBS nhanh chóng được thông qua, gồm: tái cấu trúc nguồn vốn tự có, tái cấu trúc về cơ cấu tổ chức và tái cấu trúc về hoạt động kinh doanh.

Như vậy, trước hết, SBS sẽ chuyển 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi thành cổ phần theo tỷ lệ 1:1 để tăng cường vốn chủ sở hữu. Vốn điều lệ lên 1.766,6 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.765 tỷ đồng nhưng vốn tự có trở về mức dương 248,9 tỷ đồng.

Chi nhánh Campuchia cũng sẽ giải thể để thu hồi vốn, khoảng 43,4 tỷ đồng.

Phương án tái cấu trúc được cổ đông SBS thông qua sáng nay. Ảnh: Hồng Châu

Bước tiếp theo, SBS gộp 7 cổ phiếu thành 1 cổ phiếu nhằm giảm vốn điều lệ để xóa lỗ lũy kế. Cụ thể, vốn điều lệ mới sau khi tiến hành gộp cổ phiếu tỷ lệ 7:1 là 252,37 tỷ đồng, lỗ lũy kế sẽ bằng 0. Theo ông Kiều Hữu Dũng, việc chuyển đổi này chưa có tiền lệ ở Việt Nam, song đây là bước chuyển đổi quan trọng để giúp SBS giảm bớt lỗ.

"Nếu Ủy ban chứng khoán không chấp nhận việc gộp cổ phiếu theo tỷ lệ 7:1, việc giảm lỗ sẽ gặp khó khăn và SBS có thể rơi vào tình trạng giải thể", Ông Dũng nói.

Bước thứ 3 của đề án tái cấu trúc là phát hành cổ phiếu tăng vốn theo tỷ lệ 1:1,5, để bổ sung vốn kinh doanh. Vốn điều lệ mới sau khi phát hành là 630,9 tỷ đồng.

Năm nay, công ty sẽ tập trung xoay quanh 6 lĩnh vực chính là môi giới, tài trợ giao dịch, môi giới trái phiếu Chính phủ, tư vấn tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động chứng khoán hỗ trợ cho việc mua bán và xử lý nợ xấu, thu xếp vốn và M&A. Bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn, tập trung môi giới và dịch vụ khối ngân hàng đầu tư, tăng cường công tác nhân sự và quản trị rủi ro.

Công ty đề ra một số chỉ tiêu kinh doanh giai đoạn 2013 - 2015 như quy mô tổng tài sản 900-1.300 tỷ đồng, trong đó danh mục đầu tư cổ phiếu chiếm 30% (300 - 500 tỷ đồng). Thị phần dịch vụ môi giới đạt 5% (xếp trong top 5), vốn tự có tăng lên 500-1.000 tỷ đồng. Chỉ số EPS 1.000-2.000 đồng một cổ phiếu.

Cũng trong đại hội này, ông Nguyễn Ngọc Giang, Trần Văn Lân, bà Nguyễn Thúy Liên, Nguyễn Văn Nhơn đã trúng cử vào hội đồng quản trị giai đoạn 2010-2014.

Mới đây, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM thông báo, cổ phiếu SBS sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc vào ngày 25/3, ngày giao dịch cuối cùng 22/3. Tuy nhiên, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch hội đồng quản trị SBS, cho biết ngày mai công ty sẽ có buổi gặp gỡ với Ủy ban chứng khoán để giải quyết vấn đề này. Nếu Ủy ban chứng khoán vẫn buộc hủy niêm SBS thì cổ phiếu sẽ chuyển sang sàn UPCoM. Ngoài ra, ông Dũng hứa hẹn, nếu sau 2 năm SBS kinh doanh có lãi thì có thể được niêm yết trở lại.

Theo ông Võ Duy Đạo, Tổng giám đốc SBS, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại SBS trong thời gian qua không biến động nhiều, tuy nhiên, số lượng lưu ký và giao dịch giảm mạnh, nhất là sau khi bị kiểm soát đặc biệt.

Theo Báo cáo kiểm toán, lỗ lũy kế đến 31/12/2012 của SBS là 1.767 tỷ đồng, vượt quá vốn tự có và tỷ lệ vốn khả dụng là 0,57%. Công ty rơi vào khủng hoảng toàn diện và có khả năng bị giải thể, phá sản.

Xem thêm bài viết về: Ông Kiều Hữu Dũng
Hồng Châu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.