Trong lúc vẫn còn yếu về vốn, công nghệ, kinh nghiệm… để thành công, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp chỉ nên tập trung vào một lĩnh vực chủ lực, tức là nên “bỏ trứng vào một giỏ”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái

Cách đây hơn một năm, khi bàn chuyện đa dạng hóa kinh doanh trong bối cảnh môi trường kinh doanh đầy rủi ro ông đã từng một mực nói rằng "chỉ nên bỏ trứng vào một giỏ". Ông còn giữ quan điểm này không và vì sao?

Các doanh nhân của chúng ta đã trải qua giai đoạn khó khăn trong 3 năm trở lại đây được ví như là một cuộc khủng hoảng lớn, vì vậy chính trong hàng ngũ doanh nhân cũng có nhiều những trải nghiệm và đến lúc phải nghĩ cách phát triển trong giai đoạn kế tiếp.

Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập rất nhanh và cạnh tranh khốc liệt, các doanh nhân hơn lúc nào hết khi không có quá nhiều kiến thức, vốn, kinh nghiệm, thương hiệu và môi trường kinh doanh cũng không thuận lợi… muốn phát triển nhanh, gặt hái được thành công đặc biệt để xây dựng thương hiệu lớn theo quan niệm của tôi nên chỉ “bỏ trứng vào một giỏ”.

Khi chúng ta không có quá nhiều năng lực song đầu tư dàn trải dẫn đến khả năng thất bại cao, ngược lại, những doanh nghiệp tập trung cao độ, làm chuyên nghiệp và quốc tế hóa đều thành công. Khi doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đều mong muốn đặt vấn đề liên doanh, liên kết với những doanh nghiệp lớn mạnh như vậy.

Song việc "bỏ trứng một giỏ" nếu thất bại, rủi ro gần như trắng tay, nhưng đầu tư ở những lĩnh vực khác nhau, thất bại ở lĩnh vực này có thể còn vớt vát ở những lĩnh vực khác, thưa ông?

Có những doanh nhân khi tôi tiếp xúc là những người từng đầu tư gần 40 công ty, lĩnh vực khác nhau nhưng sau một thời gian hoạt động họ đã kết luận rằng có đến 39 công ty thua lỗ và chỉ có một công ty lãi.

Ở đây, có thể có tỷ lệ 90% lý thuyết “bỏ trứng vào một giỏ” đúng với doanh nghiệp Việt Nam, 10% còn lại hoặc thấp hơn chỉ phù hợp với doanh nghiệp có tiềm lực rất lớn.

Ông có thể dẫn ra những doanh nghiệp đã đầu tư vào một lĩnh vực, thậm chí là lĩnh vực không ai ngờ đến và họ đã thành công?

Tôi được biết tại Nhật Bản có những doanh nghiệp mặc dù có nhiều điều kiện hơn Việt Nam nhưng qua 2-3 thế hệ những doanh nghiệp đó chỉ làm một việc. Trong đó, có doanh nghiệp làm về rượu sake, có doanh nghiệp làm thực phẩm đậu tương lên men, thậm chí chỉ làm váng đậu…

Song hầu hết doanh nghiệp Nhật Bản bỏ rất nhiều chi phí để nghiên cứu một cách kỹ lưỡng từ phân tích cạnh tranh, phân tích đối thủ, phân tích về vấn đề hội nhập, phân tích năng lực bản thân doanh nghiệp…

Kết quả, sản phẩm của họ không chỉ tiêu thụ ở Nhật mà còn xuất khẩu sang nhiều nước, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nói tóm lại, khi doanh nghiệp nghiên cứu kỹ phương án kinh doanh, “bỏ trứng vào một giỏ”, quyết tâm làm sâu sẽ thành công còn trường hợp không cân nhắc kỹ đã đầu tư đương nhiên rủi ro và có thể dẫn đến thất bại.

Nhìn nhận về doanh nghiệp Việt Nam, theo ông, sự đầu tư dàn trải biểu hiện như thế nào?

Việt Nam mặc dù có nhiều sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành nhưng các sản phẩm đó không được cải tiến mẫu mã, bản thân doanh nghiệp không tập trung vào công tác nghiên cứu, hoàn thiện, mở rộng thị trường. Những sản phẩm chính không được xuất khẩu sang các nước láng giềng. Khi vừa có lãi một số trường hợp, chủ doanh nghiệp lại đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, đến một lúc nào đó sẽ mất cả chì lẫn chài.

Hoặc như ngành công nghiệp Việt Nam, hiện chúng ta không thấy có ngành chủ lực và ít nhất trong 5 năm sắp tới sẽ khó thay đổi và bứt phá. Tất cả là kết quả của việc chúng ta đã bỏ trứng quá nhiều giỏ.

Một đất nước có một số thế mạnh, một tỉnh thành có một số thế mạnh, một doanh nghiệp, cá nhân có một số thế mạnh nên phải làm một cách có chọn lọc.

Trường hợp của Tập đoàn Phú Thái như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đã nghĩ đến lĩnh vực bán lẻ ngay từ ngày đầu thành lập. Ngành phân phối bán lẻ dư địa còn rất lớn, làm hết trong phạm vi tỉnh, tràn ra vùng miền, tràn ra cả nước và sau đó là các nước trong cùng khu vực và trên thế giới.

Chính việc tập trung cao độ vào lĩnh vực phân phối bán lẻ Phú Thái cũng được coi là tập đoàn phân phối bán lẻ đa dạng với khoảng 5.000 nhân viên, hệ thống phân phối của Phú Thái có gần 200.000 đại lý, hệ thống bán lẻ có các chuỗi cửa hàng tiện lợi cũng như chuỗi cửa hàng quần áo có hơn 1.000 cửa hàng trên toàn quốc và doanh thu 10.000 tỷ mỗi năm.

Việc định hướng doanh nghiệp phân phối bán lẻ gồm các lĩnh vực phân phối hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng, dược phẩm, thuốc thú y, quần áo…

Chúng tôi cũng sẵn sàng cho hội nhập và mở cửa của thị trường phân phối bán lẻ, đến thời điểm Phú Thái phát triển mạnh hơn chúng tôi có thể mở rộng lĩnh vực.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thảo (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.