Một tháng sau khi nhậm chức, ông Robert B. Zoellick - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 5/8- 7/8 và sau đó là Campuchia. Người đàn ông mang "bộ não siêu việt" này luôn nỗ lực vì sự hội nhập và phát triển thịnh vượng chung.

Một tháng sau khi nhậm chức, ông Robert B. Zoellick - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 5/8- 7/8 và sau đó là Campuchia. Người đàn ông mang "bộ não siêu việt" này luôn nỗ lực vì sự hội nhập và phát triển thịnh vượng chung.


Chuyến công du đến miền đất cũ


Nhà chính khách Robert B. Zoellick có chuyến thăm đầu tiên tới VN năm 2005, ngay sau khi nhậm chức Thứ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ. Chuyến đi đó nhằm mục đích thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về các biện pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt-Mỹ.


Đây là động thái tích cực, thể hiện rõ thiện chí và tầm nhìn của một nhà ngoại giao, vượt qua những thách thức lịch sử để hướng tới tương lai. Ông khẳng định “Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam gia nhập WTO”. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định tầm nhìn, sự khôn ngoan của nhà chiến lược lâu năm Robert B. Zoellic: tất cả vì mục tiêu đa phương hoá, hội nhập và cùng phát triển.


Chủ tịch Ngân hàng Thế giới - bộ não siêu việt


Lần thứ hai đến với Việt Nam, ông đã là Chủ tịch của Ngân hàng thế giới. Việc đầu tiên mà ông làm là trực tiếp đi khảo sát dự án, trò chuyện với người dân nghèo được World Bank hỗ trợ vốn làm ăn.

Robert B. Zoellick nói: “Việt Nam có một bước phát triển tuyệt vời mà nhiều nước đang phát triển khác có thể học hỏi. Tôi muốn nói chuyện với các đối tác và học hỏi xem Chính phủ đã sử dụng tiền cũng như kinh nghiệm của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) như thế nào”.


Thông qua việc đến thăm các dự án, trò chuyện với người dân cũng như lãnh đạo vùng, Robert B. Zoellick tin tưởng sẽ tìm được lời giải cho bài toán: Ngân hàng Thế giới nên làm gì để đóng vai trò hiệu quả hơn trong việc đẩy mạnh phát triển toàn cầu? Việc tìm kiếm câu trả lời sẽ là bước khởi đầu giúp ông hoàn thành nhiệm vụ khôi phục lại danh tiếng và ảnh hưởng của World Bank trên toàn thế giới.


Nhiều người cho rằng, Robert B. Zoellick là người thực dụng, và nước Mỹ có Zoellick tức là đã có bậc thầy luôn biết cách tạo lập liên minh và đạt được thoả thuận. Lại có người cho rằng tân Chủ tịch Ngân hàng thế giới chỉ là người ủng hộ chủ nghĩa đa phương bề ngoài.


Nhưng thực tế, trong suốt mấy chục năm nắm vai trò ngoại giao – thương mại, Robert B. Zoellick đã luôn nỗ lực vì sự hội nhập và phát triển chung thịnh vượng. Mọi con đường đều dẫn tới một mục tiêu chính yếu. Và đó là cái làm nên thành công rạng rỡ của tên tuổi Robert B. Zoellick.


Người đàn ông có bộ não siêu việt


Ở tuổi 53, Robert B. Zoellick đã tạo được cho mình vị trí vững vàng trên trường quốc tế, được biết đến trước hết với vai trò chuyên gia đàm phán thương mại hàng đầu ở Mỹ. Ông đã tạo những thành tích cực kỳ ấn tượng: một trong những “kiến trúc sư” của vòng đàm phán Doha năm 2001; giúp chính phủ Sudan đạt được một thoả thuận về Darfur; thúc đẩy Trung Quốc định giá lại đồng nhân dân tệ và chính thức nhập cuộc với hệ thống thương mại quốc tế.


Tạp chí Kinh tế L’Expansion của Pháp đánh giá ông là “bộ não siêu việt có khả năng làm việc hơn người”.


Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thương mại – tài chính, uy tín và tài năng được nhiều nhà lãnh đạo thừa nhận, Robert B. Zoellick dễ dàng vượt qua Robert Kimmit - Thứ trưởng Bộ tài chính Mỹ và Bill Frist - cựu lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hoà ở Thượng viện Mỹ, để vào vai Chủ tịch thứ 11 của Ngân hàng thế giới.


Người ta kỳ vọng vị tân Chủ tịch đem lại luồng gió mới cho Ngân hàng Thế giới. Cụ thể, đó là sự lãnh đạo mạnh mẽ, tăng cường độ tin cậy và hiệu quả của Ngân hàng; khả năng giải quyết được những thách thức mà Ngân hàng gặp phải. Nó bao gồm việc kêu gọi vốn cho IDA, phát triển chiến lược lâu dài cho Nhóm Ngân hàng Thế giới và các vấn đề quản trị nội bộ. Và đặc biệt là ông phải giúp Ngân hàng Thế giới đạt được mục tiêu: xoá đói giảm nghèo.


Rất nhanh chóng, Robert B. Zoellick đã tiến hành những bước đầu tiên nhằm hiện thực hoá các mục tiêu đó. Ông đến Australia dự Hội nghị Bộ trưởng tài chính APEC nhằm khuyến khích toàn cầu hoá sao cho có lợi cho mọi người; đến Nhật Bản để tăng cường mối liên kết và công nhận những đóng góp của nước này cho công cuộc phát triển ở Châu Phi và các nước nghèo nhất; đến Campuchia và Việt Nam để tận mắt chứng kiến những tiến bộ và khó khăn trong quá trình phát triển trong các giai đoạn khác nhau ở những nước này.

Và còn rất nhiều chương trình, kế hoạch sẽ được Robert B. Zoellick triển khai trong suốt nhiệm kỳ 5 năm của mình. Sự chân thành và nhiệt tâm của vị Chủ tịch World Bank khiến người ta có thể tin tưởng, hy vọng vào nhiều bước tiến hơn nữa trong tương lai. Bởi với nhà ngoại giao và thương mại quốc tế lão luyện này, không có nhiệm vụ nào là nhiệm vụ bất khả thi!

Robert B. Zoellick sinh năm 1953 ở Illinois, theo học ngành Luật và Khoa học chính trị ở Harvard. Ông từng làm luật sư cho Toà Phúc thẩm của Washington DC.

Từng giữ chức Cố vấn cao cấp cho Goldman Sachs, là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Belfer, Đại học Havard. 1983-1985: Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Fannie Mae.


1985-1988: Cố vấn cho Bộ trưởng Tài chính James Baker và Thứ trưởng Tài chính phụ trách các thể chế tài chính.


Sau một loạt thăng trầm trên con đường chính trị, năm 1998, Zoellick đã xích lại gần với một nhóm người Cộng hoà để chuẩn bị chinh phục lại quyền lực.


2/2005 – 6/2006: Thứ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ.


Tháng 7/2007: trở thành Chủ tịch thứ 11 của Ngân hàng thế giới, là Chủ tịch của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) và Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), của Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA) và Hội đồng Quản trị Trung tâm Giải quyết Xung đột Đầu tư (ICSID).
Theo Lam Kiều (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.