Tiến hành 3 “trận đánh” lớn với mục tiêu trở thành tập đoàn toàn cầu hàng đầu về dịch vụ thông minh là con đường FPT sẽ đi trong 10 năm tới.

Với sức mạnh cốt lõi là con người, từ một công ty nhỏ do một nhóm cán bộ khoa học thành lập năm 1988, FPT đã trở thành Tập đoàn công nghệ thông tin số 1 tại Việt Nam. Tiến hành 3 “trận đánh” lớn với mục tiêu trở thành tập đoàn toàn cầu hàng đầu về dịch vụ thông minh là con đường FPT sẽ đi trong10 năm tới.

Không đi sẽ không đến

Năm 2006 có lẽ là thời khắc khó quên đối với người FPT. Chủ tịch Tập đoàn Microsoft, tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates thăm và làm việc với FPT, ngay trước thời điểm Công ty niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Sự kiện này, cùng với sự bùng nổ của TTCK Việt Nam khiến cổ phiếu FPT được săn lùng ráo riết. Từng xe ôtô chở tiền từ các quỹ đầu tư như Indochina Capital, các CTCK… chờ chực để sẵn sàng mua cổ phiếu FPT nếu có người bán ra, giá CP tăng chóng mặt gấp tới 25 lần mệnh giá. Ngay khi FPT niêm yết, giới truyền thông đã thống kê Công ty có 200 triệu phú USD.

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình tới 52,6%/năm trong 25 năm qua, vị thế cũng như sức bật của FPT, kỳ vọng của giới đầu tư không phải không có cơ sở. Song ít người biết rằng, FPT có khởi đầu gian nan. 10h sáng ngày 13/9/1988, một nhóm những người bạn đang làm tại Viện Cơ học thuộc Viện Khoa học Việt Nam quyết định tự cứu lấy mình vì lương cho cán bộ khoa học thời đó chỉ 3 USD/tháng, không đủ nuôi bản thân và gia đình, điều kiện làm việc hết sức nghèo nàn. Họ quyết định thành lập FPT.

Sức mạnh cốt lõi của FPT là con người. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT tin rằng, khi mỗi cá nhân được tin cậy, tôn trọng, họ sẽ phát triển tốt nhất năng lực của mình. Công việc khi ấy không còn là trách nhiệm mà là sự cống hiến và say mê. Trên bàn làm việc của ông Bình, bên cạnh những cuốn sách nổi tiếng về quản trị kinh doanh của thế giới là những cuốn binh pháp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân được vị Chủ tịch vận dụng, đưa vào thực tiễn đào tạo cán bộ và quy trình quản trị của FPT.

Vì gốc là dân khoa học, không có nhiều vốn liếng và kinh nghiệm về kinh doanh, Công ty bắt đầu bằng việc cung cấp máy vi tính theo chương trình hàng đổi hàng với Liên Xô cũ, rồi sau đó chọn lĩnh vực công nghệ thông tin làm chủ đạo với những đề án như thiết kế hệ thống đặt chỗ giữ vé đăng ký bay, tự động hóa hệ thống đèn chiếu sáng cho Hà Nội… Ngay thời điểm đó, câu hỏi lớn đặt ra với Chủ tịch Trương Gia Bình là làm sao để tạo dựng Công ty có hệ thống quản trị tốt và chiến lược nhất quán. FPT đã tài trợ cho nhóm sinh viên Việt Nam đang học tại Đại học Harvard đến nghiên cứu thực tiễn kinh doanh và viết đề án phát triển công ty. Tư duy kinh doanh của Đại học Harvard đã ảnh hưởng ít nhiều đến FPT khi đó.

Trong chuyến công tác tại Mỹ sau đó, ông Bình ghé quảng trường Harvard và mua 1 cuốn sách, thật tình cờ, trang đầu tiên đã đề cập đến cách giải quyết các khó khăn mà FPT đang mắc phải. Sau chuyến đi, người đứng đầu FPT quyết định chia Công ty thành các trung tâm hạch toán độc lập, không phụ thuộc, bao cấp lẫn nhau. Đến nay, FPT vẫn theo phương pháp quản trị đó.

Năm 1998, sau 10 năm thành lập, FPT đã khẳng định được vị trí là công ty tin học số một tại Việt Nam, trở thành đối tác vàng, đối tác quan trọng của nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới. Nhưng không tự hài lòng với những gì đạt được, Công ty tự đặt mình vào thách thức lớn hơn, đó là tiên phong trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, bước đầu thành lập Trung tâm Xuất khẩu phần mềm (tiền thân của Công ty Phần mềm FPT – FPT Software).

Tuy nhiên, làm xuất khẩu phần mềm thời điểm đó là vô cùng khó, không có người, không có kinh nghiệm, không có tên trên thị trường thế giới. Thứ mà FPT có thể mang ra thuyết phục khách hàng chỉ là khát vọng, niềm tin rằng: “người Ấn Độ, Trung Quốc làm được thì người Việt Nam cũng làm được”.

Kết quả là trong thời gian đầu thực hiện chiến lược xuất khẩu phần mềm, FPT vấp phải nhiều thất bại, thậm chí mất hàng triệu USD khi mở văn phòng tại Bangalore (Ấn Độ); Sillicon Valley (Mỹ). Sau những thất bại này, nội bộ FPT tranh cãi rất nhiều, song ông Trương Gia Bình vẫn kiên định với con đường đã chọn bởi: nếu không đi sẽ không đến. Dẫu vậy, FPT cũng nhận ra rằng, cần phải có cách đi riêng chứ không chỉ đơn thuần đi theo con đường của các cường quốc về xuất khẩu phần mềm.

Cựu Chủ tịch Microsoft Bill Gates gặp Chủ tịch FPT Trương Gia Bình

Ông Bình kể lại, sau đó, FPT đã bước chân vào thị trường Nhật Bản với xuất phát điểm là “một chữ Nhật bẻ đôi không biết”. Thậm chí trong giai đoạn đầu tiếp cận đối tác, khách hàng Nhật Bản, FPT còn nhận được câu nói khéo của đối tác: “Chúng tôi rất muốn hợp tác với FPT nhưng các bạn chờ chúng tôi học xong tiếng Anh đã”. Trong văn hóa Nhật Bản, câu nói này có nghĩa là “không bao giờ”. Ông Bình đã trả lời: “Chúng tôi sẽ học tiếng Nhật để quay lại bàn chuyện hợp tác với các bạn bằng tiếng Nhật”. Sau đó, nhờ có sự giúp đỡ vô giá của ông Nishida, nguyên Tổng giám đốc của Sumitomo, FPT đã có được hợp đồng đầu tiên với đối tác NTT-IT, công ty con của Tập đoàn NTT Nhật Bản với khối lượng công việc là “1 man month” (tương đương khoảng 172 giờ làm việc của một kỹ sư phần mềm trong vòng 1 tháng). Tiếp theo là hàng loạt hợp đồng khác. Đến nay, sau 10 năm kể từ hợp đồng đầu tiên, Nhật Bản đang là thị trường đóng góp doanh thu lớn nhất cho lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT.

Tập đoàn Hitachi thăm và làm việc với FPT

“Nhật Bản là thị trường khó tính nhất, chúng tôi không nghĩ rằng vào được thị trường Nhật Bản trước các thị trường như Mỹ, châu Âu”, ông Bình nhớ lại. Ngoài thị trường này, FPT cũng đã mở rộng hoạt động tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn như Mỹ, Pháp, Đức, Singapore...

Với thị trường cung cấp giải pháp công nghệ trong nước, FPT suy nghĩ “Tại sao các công ty nước ngoài thường giành được hợp đồng tổng thầu, trong khi DN Việt Nam chỉ làm thầu phụ?”. FPT đã quyết tâm đi vào những lĩnh vực trước kia chỉ có những công ty nước ngoài trong nhóm Big Four đảm nhận cung cấp dịch vụ. Từ đó, những hợp đồng cung cấp giải pháp hiện đại hóa CNTT của các bộ ngành như Tài chính, Thuế, Hải quan, Ngân hàng, Y tế và ERP cho doanh nghiệp... đã được FPT thực hiện thành công.

Năm 2012, FPT đã cán mốc doanh thu 1,3 tỷ USD với 15.000 cán bộ nhân viên, duy trì vị thế công ty số một trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam.

Ra biển lớn

3 năm gần đây, FPT vẫn tăng trưởng song tốc độ chậm lại. Ông Bình chỉ ra 3 nguyên nhân. Thứ nhất, doanh thu của FPT vẫn chủ yếu phụ thuộc thị trường trong nước. Khó khăn đã chớm đến từ năm 2008 khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại. Các nghiên cứu thị trường cho thấy kinh tế tăng trưởng 7 - 8%/năm, CNTT có thể tăng 20 - 25%; nhưng trong thực tế, khi kinh tế tăng trưởng 5% , ngân sách cho CNTT bị cắt giảm đầu tiên.

Thứ hai, quy mô doanh thu của Tập đoàn đã vượt 1 tỷ USD. Duy trì tốc độ tăng trưởng cao 30 - 40% ở quy mô lớn là một thách thức. Còn nguyên nhân thứ ba, sau khi FPT niêm yết, Công ty có 200 cán bộ ở cấp lãnh đạo trở thành triệu phú USD, đồng lương quá nhỏ so với tài sản, tinh thần làm việc của họ bị ảnh hưởng.

Muốn giữ được tăng trưởng cao trong tương lai, FPT phải mở rộng và phát triển hoạt động ở các thị trường nước ngoài. FPT phải trở thành nhà cung cấp giải pháp chứ không đơn thuần làm dịch vụ gia công, phải ganh đua với những công ty danh vọng trên thế giới như IBM, Accenture… Thách thức ở chỗ, trong nước, FPT là công ty đầu đàn, còn ở nước ngoài, FPT còn chưa có tên, trong khi phải có năng lực vượt trội mới có thể chen chân vào được thị trường khu vực và thế giới.

Vậy FPT có gì? Chủ tịch Trương Gia Bình chia sẻ, trong 25 năm, FPT đã tích lũy được nhiều kiến thức về ứng dụng các giải pháp cho viễn thông, ngân hàng, y tế, tài chính… ; đội ngũ kỹ sư có khả năng học, tiếp cận nhanh với công nghệ mới: FPT cũng đủ tiền để mua lại các công ty ở nước ngoài làm bàn đạp cho sự phát triển; quản trị của FPT là sự kết hợp giữa tính hiện đại và mang bản sắc của "chiến tranh nhân dân". Ngoài ra, xu hướng thông minh kéo dài mạnh mẽ trên thế giới đủ để FPT có thời gian chuẩn bị.

Bên cạnh việc tiếp tục khai thác và đẩy mạnh các mảng kinh doanh cốt lõi, dựa trên thế mạnh công nghệ; FPT đặt mục tiêu trở thành tập đoàn toàn cầu hàng đầu về dịch vụ thông minh và hiện thực hóa bằng 3 “trận đánh” lớn tại ba thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Trong nước, FPT nghiên cứu, phát triển đưa ra các giải pháp/dịch vụ thông minh dựa trên nền công nghệ mới. Hay nói cách khác, sử dụng công nghệ thông tin để tạo ra phương thức phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp. “Trận đánh” thứ hai có mục tiêu trở thành một nhà cung cấp dịch vụ CNTT (IT Services Provider) với việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ phần mềm, tích hợp hệ thống, viễn thông, đào tạo tại thị trường khu vực. “Trận đánh” thứ ba là thị trường toàn cầu, FPT đang làm việc với các công ty công nghệ lớn và hàng đầu nước Mỹ, tập trung theo xu hướng công nghệ mới của thế giới là đám mây (Cloud), di động (Mobility), dữ liệu lớn (Big Data).

Thế trận mới

Mục tiêu doanh thu 2 tỷ USD, theo ông Bình, FPT có thể thực hiện được trong 3 năm tới, song phấn đấu tốc độ tăng trưởng 25%/năm là thách thức lớn bởi thị trường trong nước và tỷ trọng doanh thu tập trung ở lĩnh vực phân phối của Tập đoàn hiện vẫn rất lớn. Kế hoạch tham vọng của FPT là tỷ trọng lợi nhuận từ các thị trường nước ngoài từ 18% hiện nay sẽ tăng dần lên trên 20% và cao hơn nữa, đem lại tăng trưởng cao cho Tập đoàn.

Ở thị trường khu vực, FPT xem Singapore là thị trường ưu tiên số một. Singapore là thị trường hấp dẫn trong khu vực với sự có mặt của hàng loạt tập đoàn hàng đầu thế giới, do đó, nếu đạt được vị trí trong top đầu tại thị trường này, đồng nghĩa với việc FPT sẽ đạt được một vị thế nhất định trong thị trường khu vực. FPT đặt mục tiêu doanh thu 100 triệu USD vào năm 2016 tại thị trường này. Ông Bình nhấn mạnh, FPT sẽ ganh đua cùng các anh tài tại Singapore để trở thành một công ty hàng đầu trong khu vực về dịch vụ thông minh. Cơ hội không thiếu, bởi riêng thị trường phần mềm và dịch vụ tin học tại đảo quốc sư tử đã có quy mô 8,3 tỷ đôla Singapore/năm. Đã có một số tín hiệu tích cực là động lực để Chủ tịch FPT tin tưởng mục tiêu Singapore 100 sẽ nhanh chóng hoàn thành. Đơn cử, FPT đã được Chính phủ Singapore chứng nhận là 1 trong 8 công ty đáp ứng tiêu chuẩn để phục vụ Chính phủ Singapore. Hiện FPT có doanh thu 10 triệu USD tại thị trường này. Và việc đưa doanh thu lên 100 triệu USD từ điểm xuất phát 10 triệu trong một lĩnh vực chuyên biệt là điều FPT đã từng làm được.

Một thị trường khu vực quan trọng khác là Myanmar, FPT cũng đặt mục tiêu doanh thu 100 triệu USD. Myanmar được tin tưởng sẽ đi theo con đường Việt Nam đã qua 20 năm trước nhưng với tốc độ nhanh hơn. Những kinh nghiệm trong triển khai các giải pháp trọn gói như chính phủ điện tử, hiện đại hóa trong các ngành tài chính, ngân hàng, thuế mà FPT có thế mạnh tại Việt Nam sẽ được chia sẻ tại đây. Đầu năm 2013, văn phòng FPT tại Myanmar đã khai trương và đang có những khách hàng đầu tiên.

Năm 2012, FPT đã cán mốc doanh thu 1,3 tỷ USD với 15.000 cán bộ nhân viên, duy trì vị thế công ty số một trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam

Với thị trường toàn cầu, ông Bình cho rằng, đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ lên điện toán đám mây và thế giới đang thiếu 3 triệu người làm ở riêng lĩnh vực này. FPT đã có những hợp đồng lớn và bắt đầu được đối tác ghi nhận. Chẳng hạn, trước đây, Nhật Bản thường giao việc cho FPT kèm với... cả thiết kế và kỹ sư của FPT chỉ thực thi theo những thiết kế đó. Nay nhóm chuyên gia của FPT chủ động thực hiện hợp đồng từ đầu, đưa ra các giải pháp và tham gia đủ các công đoạn. Mới đây, FPT đã thực hiện một hợp đồng ứng dụng dịch vụ đám mây trên tivi tại Nhật Bản, trong 3 tháng và đạt 1,5 triệu USD. Từ thành công này, FPT đang nhận nhiều hợp đồng ứng dụng đám mây cho lĩnh vực truyền hình.

Hay một khách hàng là hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới, FPT đã theo đuổi suốt 10 năm qua, đã mở ra cơ hội đầu tiên khi nhóm sáng kiến của FPT ứng dụng thành công giải pháp di dộng giúp phi công và kỹ sư mặt đất đơn giản và chính xác hóa công việc hàng ngày. Giải pháp này ban đầu chỉ triển khai ở 1 sân bay ở Alaska (Mỹ), giờ đã được ứng dụng khắp thế giới.

FPT đã vượt qua được thách thức toàn cầu hóa lần thứ nhất, để vượt qua được những trận đánh lớn lần 2, theo lời ông Bình, FPT phải trở lại đường đua với tinh thần quyết chiến và vượt qua chính mình. Bởi FPT là môi trường dân chủ, khó có thể dùng mệnh lệnh áp đặt mà người lãnh đạo cần thuyết phục được đồng đội cùng tin và hành động, nếu muốn được ủng hộ, thành công. Xu hướng của thế giới là các giải pháp thông minh, trong câu chuyện với ĐTCK, ông Bình nhiều lần nhắc lại, FPT không nằm ngoài xu hướng ấy. Việc ông xuất hiện, trò chuyện với robot Smatoshin trong Đại hội cổ đông của Tập đoàn gần đây cũng nhằm chuyển tải thông điệp nhất quán đó. Với những gì FPT đang và sẽ làm, mục tiêu doanh thu 2 tỷ USD không quá xa vời, nhưng giấc mơ lọt vào Forbes 500 vào năm 2024 sẽ cần rất nhiều nỗ lực để trở thành hiện thực.

Vị thế ngành của FPT

* Xếp hạng hoạt động đa ngành: FPT xếp số 1

* Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lắp ráp phần cứng: Công ty Phân phối FPT xếp số 1

* Lĩnh vực phát triển và dịch vụ phần mềm: FPT Software xếp số 1, Công ty FPT IS xếp số 2

* Lĩnh vực kinh doanh và phát triển nội dung số: FPT Online xếp số 2

* Lĩnh vực tích hợp hệ thống: Công ty FPT IS xếp số 1

* Lĩnh vực internet và dịch vụ CNTT: FPT Telecom xếp số 1

(Nguồn: Xếp hạng DN CNTT-TT của Hội Tin học TP. HCM năm 2012)

Anh Việt (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.