Ngày mai (10/11), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ đọc tờ trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Dự kiến ngày 22/11, Quốc hội sẽ biểu quyết liên quan đến Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, diễn ra chiều nay (9/11), ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trao đổi với phóng viên một số nội dung liên quan đến việc dừng dự án trên.

- Thưa ông, việc đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã được xem xét từ lâu, vậy đến thời điểm này tại sao lại phải dừng lại?

Ông Dương Quang Thành: Việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận do không cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác và chưa cấp thiết như dự báo trước đây.

Chính phủ đã duyệt quy hoạch Tổng sơ đồ điện 7, trong điều chỉnh quy hoạch này thì không có nhà máy điện hạt nhân đến 2030.

Bên cạnh đó việc cung ứng điện từ nay đến 2030, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và có thể bổ sung thêm nhiều nguồn khác nhau.

Việc đầu tư điện hạt nhân không cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác về mặt kinh tế. Cho nên trong quy hoạch sơ đồ điện 7 hiệu chỉnh, Thủ tướng Chính phủ không đưa nhà máy điện hạt nhân vào trong quy hoạch.

- Vậy các nguồn năng lượng khác như nhiệt điện than, thủy điện sẽ được vận hành thế nào để bù đắp các nguồn điện thiếu hụt?

Ông Dương Quang Thành: Thời điểm hiện nay nguồn năng lượng sơ cấp như than dầu khí có giá thành thấp hơn trước đây, nên việc đầu tư điện hạt nhân không cạnh tranh được về mặt kinh tế.

Lý do chính về việc dừng dự án điện hạt nhân là hiệu quả đầu tư và nhu cầu chưa phải là cấp thiết so với như dự báo trước đây.

Cụ thể, theo các tính toán mới cho thấy giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng điện năng khoảng 11%, 2021-2030 từ 7-8%, thấp hơn nhiều so với bối cảnh năm 2009 khi Chính phủ trình Quốc hội dự án điện hạt nhân.

Trong khi tại thời điểm trình dự án nhà máy điện hạt nhân, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nên nhu cầu tăng trưởng điện là từ 17-20%, nên Chính phủ lấy phương án là 22% là phương án điều hành để đảm bảo đủ điện.

Thực tế, nguồn năng lượng trong nước thì không đáp ứng được, than dầu khí thủy điện, hơn nữa nguồn năng lượng sơ cấp nhập khẩu tại thời điểm đó giá điện cao nên điện hạt nhân là phương án cạnh tranh.

- Xin cảm ơn ông./.

Vietnam+
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.