Học viện kỹ năng cá nhân H3T là một cái tên còn khá mới mẻ, có thể còn xa lạ với nhiều người, nhưng với những ai đã quen biết Nguyễn Thanh Hiển, anh chàng sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên ngành Úc học của khoa Đông Phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh (khóa 1993-1997) thì đều biết rõ tính cách của anh: đã yêu thích, theo đuổi điều gì là sẽ làm đến nơi đến chốn theo phương châm “chậm mà chắc”.

Đã trải qua nhiều công việc nhưng hiện tại, với “đứa con” H3T anh cảm thấy hứng thú và tâm huyết khi được cùng các bạn trẻ trải nghiệm, hoàn thiện những điều rất giản dị để làm hành trang trong cuộc sống đời thường. Ở H3T, các học viên không chỉ xem anh là “ông thầy đa năng” mà còn là người bạn, người cha nghiêm khắc nhưng gần gũi, sẵn lòng lắng nghe và chia sẻ mọi điều với các em.

Nguyễn Thanh Hiển – Đồng sáng lập Học viện Kỹ năng cá nhân H3T - Tranh: Hoàng Tường

* Tên gọi H3T mang ý nghĩa như thế nào, thưa anh?

- H3T là cách gọi tắt của Hành – Tâm – Tài – Trí, tức những giá trị cốt lõi trong cuộc sống mà chúng tôi hướng đến. Chúng tôi cố gắng xây dựng nơi đây là môi trường lành mạnh, hiệu quả, giúp mỗi thành viên hoàn thiện các kỹ năng cá nhân dựa trên ba khía cạnh Trí tuệ – Thể chất – Tinh thần.

* Thế còn mô hình huấn luyện cụ thể của H3T là gì?

- Chúng tôi huấn luyện các kỹ năng theo ba trụ cột Tâm – Tài – Trí để giải quyết vấn đề và ra quyết định; qua đó xây dựng và định vị thương hiệu cá nhân; với mục tiêu là sống đúng với bản thân và hòa đồng cùng xã hội.

Tâm là việc học viên tìm hiểu về tính cách, khám phá và thấu hiểu bản thân cũng như hiểu được những người xung quanh. Tài là nơi học viên thực hành, trải nghiệm các tình huống kỹ năng cần thiết. Trí là sử dụng não bộ để thu thập thông tin, ứng dụng các công cụ tư duy để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Thật ra đây là những điều không hoàn toàn mới. Bây giờ trường nào cũng có dạy mảng kỹ năng trong những chương trình ngoại khóa, nhưng thực tế thời gian thực hành không đủ và hầu như giảng viên không được đào tạo sâu về nội dung này.

Tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, thử nghiệm rồi mới thành lập học viện, nên có thể, nói ở H3T, học viên được học theo một mô hình khác.

* Bây giờ thuật ngữ “kỹ năng” rất phổ biến được hiểu là thành thạo một việc gì đó để hỗ trợ cho công việc chính. Theo anh, kỹ năng có vai trò quan trọng như thế nào?

- Kỹ năng là thành thạo một việc gì đó, thế nên kỹ năng sống, kỹ năng làm người là phải biết và làm được nhiều việc thành thạo để sống tốt, có ích, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mình và cho những người thân xung quanh, rộng hơn là xã hội.

Kỹ năng đầu tiên liên quan đến thái độ, mà thái độ là phản ánh nhận thức của tư duy. Tư duy lại chịu ảnh hưởng lớn do cách giáo dục. Hiện nay do điều kiện sống tốt hơn trước, cách tiếp cận văn hóa đa chiều của xã hội đã tạo ra khoảng cách không nhỏ về tư duy truyền thống và hiện đại giữa các thành viên trong gia đình.

Nhiều cha mẹ, ông bà thương con, cháu nên sẵn sàng làm giúp, làm thay từng việc nhỏ, vô tình khiến các em bị lệ thuộc nhiều thứ vào gia đình, nhà trường và xã hội. Từ đó dẫn đến tư duy các em thiếu sự độc lập và nhạy bén trong giải quyết vấn đề.

Kỹ năng liên quan đến tư duy và phải có sự tương tác cụ thể. Kỹ năng phải là từng cá nhân một chứ không thể có kỹ năng chung cho nhiều người.

Ở đây tôi nói với các bạn rằng phải học từ những chi tiết nhỏ rồi mới đến việc lớn. Khi các bạn đã ổn định bản thân trước rồi mới đến các kỹ năng ngoài xã hội.

Chẳng hạn, hiện nay điện thoại di động trở thành vật dụng cá nhân phổ biến, ai cũng sử dụng nhưng ít ai chịu khó tìm hiểu, học qua cách thức cơ bản về văn hóa sử dụng điện thoại di động cả. Đó là một trong nhiều kỹ năng cá nhân cần thiết mà các bạn trẻ hầu như thiếu hụt, bị gãy rất nhiều.

* Từng là một sinh viên năng nổ, kết quả học tập tốt, cơ hội nghề nghiệp rộng mở, thực tế anh đã làm khá tốt nhiều công việc nhưng vì sao anh đều sớm rời bỏ để tìm việc khác?

- Đây là câu chuyện liên quan đến quá trình chiêm nghiệm, khám phá bản thân mà chính tôi trải nghiệm. Khi tốt nghiệp, tôi được trường giới thiệu làm việc ngoại giao tại Nhà hữu nghị Thành phố.

Làm được hơn một năm, trong lần nói chuyện thân tình, vị cựu đại sứ Việt Nam tại Cuba nói với tôi rằng tính tôi bộc trực nên không thích hợp làm ngoại giao. Người làm việc này phải có “cái đầu lạnh” mới dễ thành công. Cuộc nói chuyện làm tôi suy nghĩ rất nhiều.

Khi còn là sinh viên, do có vốn ngoại ngữ tiếng Anh khá, tôi được cộng tác với Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Lúc Việt Nam mới mở cửa, hầu như các hoạt động liên quan đến thương mại đều qua VCCI.

Được vừa học vừa làm đại diện nghiên cứu thị trường Việt Nam cho các công ty nước ngoài, tôi cũng có ít nhiều kinh nghiệm về mảng kinh doanh tiếp thị. Vì vậy, sau khi rời ngành ngoại giao, tôi chuyển sang thương mại, đi bán hàng.

Tôi kiếm tiền không phải để làm giàu, mà phần lớn chỉ dùng cho việc đi chơi. Thấy vậy, có người gợi ý tôi nên chuyển sang làm ngành du lịch để được “nhất cử lưỡng tiện”. Tôi có hơi băn khoăn nhưng cũng thử nộp hồ sơ, vậy mà lại được tuyển.

Tôi chủ động xin vào phòng du lịch quốc tế vì muốn được đi nước ngoài để mở mang kiến thức. Bên cạnh việc hoàn thiện nghiệp vụ và tiếp cận thực tế, khi đi công tác tôi tranh thủ lùng mua sách các loại và đọc ngấu nghiến. Sau hơn ba năm làm du lịch, thấy việc “đi chơi” đã đủ, tôi bắt đầu tìm cách chuyển việc, dù chưa biết sẽ làm gì.

* Anh không thích kiếm tiền để làm giàu, vậy mục đích làm việc của anh là gì?

- Sau này, khi nghiên cứu tâm lý và làm các khảo nghiệm nhân cách, tôi biết mình thuộc dạng người không thích sự giàu có về vật chất, kiểu kiếm tiền để sắm nhà lầu, xe hơi. Tôi thuộc típ người thích khám phá và trải nghiệm cái mới. Điều tôi đi tìm là tự do về mặt tinh thần. Nó lôi cuốn tôi một cách mạnh mẽ.

Hiện tại, với những gì mà tôi trải qua, có cả thành công và thất bại, tôi hài lòng với những gì mà mình đã chọn.

* Anh có thất bại rồi sao? Và anh đứng dậy sau thất bại ấy như thế nào?

- Có chứ, chính nó là một bài học giúp tôi sống chậm lại và biết mình phải làm gì cho đúng với con người thật của mình. Do có chút vốn dành dụm từ tiền làm thêm khi còn là sinh viên nên lúc làm việc ngoại giao, tôi hùn hạp với vài người bạn mở quán cà phê sân vườn.

Lúc đó, có bạn bè, người quen khen sao tôi giỏi quá, mới ra trường vừa có công việc vừa kinh doanh riêng làm mình cũng ngộ nhận, có cảm giác mình thành công thật sự. Nhưng công việc không suôn sẻ, không có kỹ năng quản lý, mỗi người mỗi ý, dẫn đến việc kinh doanh thất bại. Thế là tôi trắng tay, không việc, không còn gì cả ngoài khoản nợ khá lớn cần trả mà không biết phải xoay xở làm sao.

Lúc khó khăn mới thấy gia đình quan trọng. Gia đình đã giúp tôi trả nợ mà không la rầy gì cả. Cảm giác của tôi lúc đó thấy mình thật tội lỗi và mặc cảm, không muốn gặp ai.

Thời gian đó, tôi đổ bệnh do lao tâm lao lực. Tôi buông hết, không cố làm gì cả, tập trung suy nghĩ những thất bại đã trải qua. Khi bắt đầu lại, đầu tiên tôi chỉ muốn đi du lịch để nạp lại năng lượng.

* Việc đi chơi để “nạp lại năng lượng” và “đi nước ngoài để mở mang kiến thức” bằng công việc du lịch mất ba năm nhưng anh vẫn chưa xác định đâu là con đường đi của mình. Vậy điều gì đã dẫn anh đến với ý tưởng thành lập Học viện H3T?

- Không phải chưa xác định mà là chưa có cơ hội thực hiện. Tôi nghĩ lúc cái duyên chưa đến cũng là thời gian thử mình có kiên nhẫn theo con đường mà mình đã chọn hay không.

Khi rút ra bài học thất bại từ kinh doanh, tôi quyết định phải học tiếp để lấp những lỗ hổng kiến thức. Tôi lên kế hoạch tìm kiếm học bổng du học.

Mất năm năm, đến năm 2004 tôi được học bổng thạc sĩ toàn phần của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đến Philippines học về Quản trị phát triển thuộc về quản lý công. Khi du học, tôi thấy cái đầu mình thay đổi rất nhiều, nó dẫn mình đến những việc làm sau này một cách tự nhiên.

Học xong trở về, thấy vẫn chưa thông vài lý thuyết, tôi quyết định tiếp tục dành thời gian nghiên cứu là chính. Tôi chỉ nhận tư vấn cho những chỗ quen biết cũ về quản trị công ty.

Khi triển khai, tôi thấy thực tế ứng dụng so với lý thuyết mình học phức tạp hơn nhiều. Trong đó vấn đề nan giải nhất là không tuyển được nhân sự đúng yêu cầu.

Không phải họ thiếu kiến thức mà là thiếu kỹ năng tư duy và thực hành. Tôi thấy nếu không giải quyết được gút mắc này thì công việc nghiên cứu của mình như công dã tràng. Để chủ động khắc phục, tôi tìm cách tiếp cận với sinh viên và môi trường giảng dạy đại học với mục đích xây dựng mô hình huấn luyện kỹ năng.

Ngoài công việc mưu sinh, tôi dành hết thời gian tự mày mò quan sát và sắp xếp khung dự án, đồng thời tìm kiếm người cùng chí hướng. Đến năm 2010, khi dạy chuyên đề Tư duy tích cực, tôi đã “rủ rê” được các bạn sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế TP.HCM tham gia dự án.

Ngày đầu tiên, có hơn 40 bạn sinh hoạt tại công viên Tao Đàn, lấy tên là Câu lạc bộ Hành trang Tuổi trẻ (HTTT). Vừa thực hành, tôi vừa điều chỉnh lý thuyết, bổ sung và ráp nối dần.

Được hơn một năm các bạn sinh viên lần lượt ra trường đi làm nên CLB tạm ngưng sinh hoạt. Tuy nhiên sau đó, chính các sinh viên đã tham gia CLB trở lại đặt vấn đề với tôi nên mở lớp dạy kỹ năng để các em được học, vì đi làm vẫn còn “lơ ngơ” quá.

Tôi suy nghĩ, có rất nhiều nơi mở lớp dạy kỹ năng chỉ học trong mấy buổi là xong, trong khi giáo trình tư duy – kỹ năng theo kiểu của tôi, muốn ứng dụng được phải huấn luyện ít nhất trong một năm, như vậy liệu có được không?

Trao đổi điều này với các bạn trẻ, họ vẫn ủng hộ tôi. Chính họ là động lực giúp tôi tiếp tục hoàn thiện mô hình. Cùng với sinh viên, chúng tôi nâng cấp HTTT thành học viện H3T theo nghĩa Hành – Tâm – Tài – Trí cho đúng với tiêu chí hoạt động và tầm nhìn mới.

* Như vậy là từ những trải nghiệm và thành công bước đầu của CLB HTTT được sinh viên ủng hộ, tin tưởng mà Học viện huấn luyện kỹ năng cá nhân H3T ra đời. Phụ huynh có đóng góp ý kiến hay nhận xét gì về con em họ khi tham gia vào Học viện H3T không?

- Học viện H3T còn mới, nhân lực còn hạn chế nên chúng tôi không chủ trương mở rộng số lượng. Là mô hình chứng minh bằng chất lượng, kiểu “chân lý phải cụ thể”, mỗi câu chuyện là của mỗi cá nhân chứ không có con số chung cho mọi người.

Mỗi học viên hoàn thiện không chỉ hình thức bên ngoài mà còn là sự phát triển lối sống và nhân cách bên trong nên phải cần có thời gian cho việc huấn luyện.

Hiện nay rất nhiều phụ huynh băn khoăn về hướng đi của con cái, họ sẵn sàng đầu tư về nhiều mặt để con phát triển tốt nhất, và họ thường muốn có kết quả nhanh. Vì vậy, khi phụ huynh đến tìm hiểu, chúng tôi không dám cam đoan kiểu “chắc chắn sẽ được”.

Chúng tôi chỉ giải thích cho họ hiểu vì sao phải cần thời gian. Vì kết quả là mắt xích dựa trên nỗ lực bản thân của học viên, sự hỗ trợ của phụ huynh và môi trường giao tiếp giữa học viện với gia đình.

Có trường hợp cha mẹ vì thương con mà có sự ràng buộc con rất chặt. Còn các em bị mâu thuẫn giữa cái tôi mới lớn và trách nhiệm từ gia đình – xã hội, nên thường có khoảng cách với cha mẹ.

Chúng tôi thường lắng nghe và chia sẻ mong muốn của phụ huynh. Sau đó chúng tôi giúp học viên giải quyết vấn đề với gia đình.

Ở H3T, kỹ năng mà chúng tôi truyền đạt đều được chứng minh bằng hành động. Có phụ huynh đến gặp tôi và nói “không biết ở đây thầy dạy cụ thể ra sao mà con tôi thay đổi nhiều.

Trước đây con tôi không bao giờ biết rửa một cái chén, lau cái nhà mà bây giờ ăn xong biết dọn dẹp rửa chén, thấy nhà dơ biết tự lau nhà”, hay “trước đây con tôi về nhà không nói chuyện với ai, bây giờ thì chủ động hỏi thăm, và biết cách nói chuyện có suy nghĩ”.

* Chắc hẳn anh rất vui khi làm nên những chuyển biến tích cực của các “quý tử” như thế?

- Học viên chấp nhận đến đây là những em có thiện ý thay đổi bản thân và có niềm tin vào chúng tôi. Có em đã chia sẻ với tôi rằng, em rất thương ba, thương mẹ, muốn gần gũi nhưng sao không thể nào nói chuyện được, trong khi với thầy thì nói chuyện rất dễ.

Giúp các em cải thiện giao tiếp nhỏ trong gia đình tưởng chừng đơn giản nhưng là cả một quá trình. Tất nhiên khi thành công, trải nghiệm đó cho tôi rất nhiều niềm vui và cảm xúc.

Không chỉ vui mà qua đó, điều tôi tâm đắc nhất là biết mình là ai, biết khả năng của mình và chọn điều gì phù hợp với mình để theo đuổi, biết mình đang đi con đường nào và không bao giờ so sánh với những thứ khác.

* Anh có nghĩ tại sao trong xã hội hiện nay con người ta muốn sống được phải cần nhiều kỹ năng như thế không?

- Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số làm thay đổi rất nhiều hành trang kỹ năng của con người. Thế hệ mới bây giờ sống cá nhân hóa, tự thể hiện, có kỹ năng đa chiều hơn nhưng cũng lệ thuộc vào máy móc và ít giao tiếp xã hội hơn.

Điều đó dẫn đến thực trạng một thế hệ trẻ thiếu ý thức trong việc kế thừa các giá trị nhân văn. Cách chúng tôi làm không có gì đặc biệt cả, chỉ là cố gắng giữ lại những giá trị cốt lõi cần có cho sự phát triển bền vững.

* Tôi thấy có sách dạy về kỹ năng làm giàu, có phải do anh không ham làm giàu nên không dạy về kỹ năng này ở Học viện H3T?

- Cá nhân tôi không áp đặt quan điểm về làm giàu của mình vào học viên. Tôi nói với các học viên rằng H3T huấn luyện kỹ năng tư duy để giải quyết vấn đề và ra quyết định.

Chúng tôi sẽ cung cấp đủ bộ công cụ kỹ năng tồn tại và làm việc tốt, còn sử dụng như thế nào là quyết định của chính các em. Chúng tôi luôn nhắc nhở các em về giá trị tinh thần cốt lõi, dù làm gì thì cũng phải sống hòa nhập với xã hội, phải luôn cân nhắc với chuẩn mực đạo đức gia đình, xã hội đã được quy định. Đó chính là ranh giới và nghệ thuật của kỹ năng làm giàu.

* Các học viên ứng dụng kỹ năng đã học như thế nào?

- Tôi không huấn luyện các bạn bằng lý thuyết suông mà luôn chứng minh bằng thực tế. Tiêu chí là cố gắng thâm nhập vào từng môi trường cụ thể để cọ xát.

Tham gia trại kỹ năng sống, chăm sóc bản thân, chơi thể thao, nghệ thuật, học nhạc, đi du khảo… đều có. Nhóm chúng tôi còn có Công ty Việt Mano chuyên làm tranh gạo và hàng thủ công mỹ nghệ, Công ty PNY chuyên về xúc tiến thương mại, tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài.

Chúng tôi còn hợp tác tổ chức sự kiện nghệ thuật, cung cấp rau sạch Đà Lạt, gạo mầm cao cấp… tất cả là cơ hội thực hành, trải nghiệm công việc thực sự. Bất cứ hoạt động nào khi tham gia học viên đều phải quan sát, áp dụng lý thuyết vào công việc, viết bài cảm nhận và sau đó chia sẻ, rút kinh nghiệm trong các buổi học.

* Công việc “bà đỡ” cho H3T xem ra cũng khá vất vả, anh thấy mình trải nghiệm với nó đã đủ chưa? Nếu được chọn lại lần nữa, anh sẽ làm gì?

- Mỗi người có một khái niệm hạnh phúc khác nhau, được đo bằng vật chất hoặc tinh thần. Với tôi, niềm vui tinh thần mang lại cho tôi hạnh phúc hơn.

Hiện tại, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Dù không ít vất vả, cực khổ, nhưng đó là hạnh phúc vì có việc ý nghĩa để làm.

Bây giờ câu chuyện của tôi khi có dịp gặp bạn bè, hay bất cứ ai, ngoài thăm hỏi dăm ba câu, còn lại là đều nói về H3T. Hành trình vẫn đang tiếp diễn, tôi chưa nghĩ gì khác ngoài H3T.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. Chúc Học viện H3T ngày càng phát triển theo đúng con đường mà anh mong muốn.

Thu Ngân (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.