Thị trường hoan nghênh các bước đi của châu Âu để tiến tới một liên minh chặt chẽ hơn, nhưng chưa rõ là các cử tri của châu Âu có tham gia cùng hay không.

Việc đó đang gây lo ngại cho các nhà đầu tư, đặc biệt khi châu Âu dường như đang bị chia rẽ sâu sắc hơn bao giờ hết kể từ khi đồng tiền chung được đưa vào sử dụng năm 1999.

Quyết định phá tan các quy tắc viện trợ nhằm cứu giúp Ý và Tây Ban Nha, đồng thời tiến tới tạo ra một hệ thống giám sát ngân hàng chung đã đánh dấu một bước tiến dài của châu Âu trong việc tiến tới một liên minh chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà lãnh đạo của châu Âu có thể đặt sang một bên những sự khác biệt trong quá khứ và bắt đầu xây dựng một liên minh tài chính gắn kết hơn, các cử tri có thể vẫn nhìn nhận những gì đang diễn ra như là một sự mất chủ quyền và chống lại nó. Điều đó có thể có ảnh hưởng ngược lại với các thị trường.

"Rất nhiều người ở châu Âu không muốn là một phần của một quốc gia", ông Simon Pryke, Giám đốc đầu tư tại Newton Investment Management ở London, tổ chức đang giám sát khoảng 80 tỷ USD trong tài sản của mình, cho biết. "Có một sự chia cắt giữa các chính trị gia và cử tri, kéo theo những hướng đi ngược nhau".

Những cắt giảm chi tiêu sâu rộng và tăng thuế để giảm thâm hụt ngân sách đã gây ra phản ứng dữ dội từ người dân trên khắp 17 quốc gia thuộc liên minh tiền tệ, đặc biệt là ở các nước có tỷ lệ thất nghiệp cao và tăng trưởng thấp hoặc âm.

Những cử tri thiểu số trong các cuộc bầu cử gần đây của Pháp và Hy Lạp đang dốc phiếu cho đảng cực hữu nhằm bác bỏ các điều kiện cứu trợ. Trong khi đó, Đức đang phản đối việc nới lỏng các biện pháp thắt lưng buộc bụng và không đồng ý với ý tưởng tạo lập một thị trường trái phiếu chung.

"Không! Không! Không!" là tiêu đề của một tờ báo Đức gần đây kêu gọi các nhà lãnh đạo chống lại những nỗ lực đòi Đức bảo lãnh cho các khoản nợ của các quốc gia khác trong khu vực đồng euro.

Gregory Whiteley, người đang quản lý 35 tỷ USD tại DoubleLine Capital ở Los Angeles, bình luận rằng, thỏa thuận vào thứ Sáu tuần trước trong việc để nguồn vốn hỗ trợ được truyền trực tiếp vào các ngân hàng thay vì cho vay các chính phủ đang mắc nợ là một bước đi quan trọng, góp phần xoa dịu những phản đối trước đó của Đức.

Tuy nhiên, Whiteley cho biết thêm, việc thiết lập một hệ thống giám sát ngân hàng chung của khu vực đồng euro là một yêu cầu gắn với thoả thuận đó, và nó có thể trở thành điểm vướng mắc không phải bởi các chính trị gia mà bởi các cử tri.

"Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để giải quyết những việc này. Hiện đang xuất hiện sự phản đối của các cử tri ở cả hai phía, tại Đức, để tạo ra một sự nhượng bộ, và tại Nam Âu, để đối mặt với mức độ nghiêm trọng của vấn đề tài chính", Whiteley nói.

Thông cáo của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đề cập đến cam kết giữa lãnh đạo các nền kinh tế lớn về các bước đi cụ thể tiến tới một "cấu trúc tài chính hợp nhất hơn" tại châu Âu, có thể bao gồm hệ thống giám sát ngân hàng chung và bảo lãnh hoàn trả cho những người gửi tiền vào ngân hàng.

Trước đó, cụm từ này không xuất hiện trong tuyên bố tại Hội nghị , chứng tỏ Đức có thể đã cởi mở hơn dù trước đó từ chối các sáng kiến liên minh ngân hàng, bởi nó làm tăng rủi ro cho Đức.

Mỹ, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu (EC) đã thúc giục các quốc gia EU tiến tới thành lập liên minh ngân hàng để giải quyết các khó khăn liên quan chặt chẽ với nhau: các ngân hàng cần giải cứu, nợ công xấu đi và khủng hoảng khu vực đồng euro (eurozone) ngày càng tệ hơn.

Quả vậy, hãng tin Der Spiegel đã miêu tả thỏa thuận hôm thứ Sáu như là một thất bại của Đức, được cho là "một sự nhượng bộ". Chiến lược gia của BNY Mellon cho rằng: "Rõ ràng thỏa thuận đã đặt nước Đức dưới một sức ép. Kết quả là Đức đang có vẻ bị cô lập về chính trị. Đó dường như là một sự kết hợp nguy hiểm".

Đây là một phần lý do tại sao Whiteley nói rằng, ông nghi ngờ về một sự hồi phục của các tài sản rủi ro. Ông cũng cảnh báo các quan điểm đi ngược lại với sự phục hồi trong tương lai của đồng đô la và trái phiếu kho bạc Mỹ.

Mohamed El-Erian, Giám đốc điều hành tại Pimco, đang điều hành lượng trái phiếu lớn nhất thế giới, phát biểu: "Đánh giá của chúng tôi là chưa thể có một sự đột phá. Vì vậy, có nguy cơ rằng, sự hồi phục này sẽ bị xẹp đi".

Theo Đầu tư chứng khoán
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.