Giữa “cuộc chiến” thị phần ngày càng khốc liệt của thị trường bán lẻ, các doanh nghiệp không ngừng tung ra “chiêu trò” để thu hút khách hàng.

Theo đánh giá của CBRE (Commercial Real Estate Service) Việt Nam, thị trường trong nước sẽ bùng nổ cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài.

Vì vậy, đây là lĩnh vực màu mỡ nhưng cũng mang tính khốc liệt đối với các nhà đầu tư. Một trong những chiến lược để phát triển kinh doanh, thu hút khách hàng chính là chính sách giảm giá mà các doanh nghiệp này đang áp dụng.

Có mặt tài quầy mua hàng giảm giá của Lotte Cộng Hòa, chị Nguyễn Minh Thư (quận Tân Bình) cho biết: Chị mua đơn hàng hơn 500.000 đồng nên được mua hàng giảm giá “sốc” là một bịch nước xả vải giá gốc hơn 400.000 đồng, mà được mua với giá “sốc” 30.000 đồng.

Các "chiêu trò" được nhà bán lẻ tung ra để cạnh tranh, trong đó hầu hết áp dụng chính sách giảm giá.

Chị Thư còn cho biết, chị thường đi mua sắm tại đây và nhận chương trình mua hàng giá sốc thường xuyên. Có lần chị mua hàng giá “sốc” 4 quả trứng vịt giá chỉ 1.000 đồng.

Các mặt hàng giảm giá cũng hết sức đa dạng, như bánh ngọt các loại, dầu ăn, bột giặt, kem đánh răng, nước ngọt, bột ngọt… để khách lựa chọn.

Đối với nhà bán lẻ Vinmart, với chuỗi 15 siêu thị VinMart và hơn 600 cửa hàng tiện lợi VinMart+ tại TP.HCM, giảm giá là một chiến lược marketing chẳng bao giờ lỗi thời, bởi người tiêu dùng luôn luôn đón nhận nó một cách vô cùng tích cực.

Và, đó cũng chính là điểm Vinmart đang làm rất tốt với chính sách giảm giá hàng ngày, cũng như những chính sách khuyến mại khác cũng vô cùng hấp dẫn.

Tương tự, tại chuỗi bán lẻ của BigC, Saigon Co.op, Điện máy xanh…, các chính sách giảm giá, giảm giá ngày vàng, giờ vàng, giảm giá sốc… được áp dụng thường xuyên với hàng nghìn mặt hàng là nhu yếu phẩm có sức hút đối với người tiêu dùng.

Các thương hiệu đều hiểu, chẳng có gì đánh mạnh vào tâm trí khách hàng hơn là túi tiền của chính họ. Bởi vậy, những chính sách khuyến mại, giảm giá nếu đủ hấp dẫn và làm hài lòng thì khách hàng đương nhiên sẽ chẳng bao giờ từ chối lời mời gọi của các thương hiệu, đồng thời giúp cho thương hiệu tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ với các thương hiệu khác.

Mặc dù hầu hết các chính sách để thu hút khách hàng của chuỗi bán lẻ trên thị trường đều có sự tương đồng như giảm giá, khuyến mãi, giao hàng miễn phí, tích điểm thành viên, thu hộ… nhưng mỗi doanh nghiệp bán lẻ vẫn có những chiến lược, kế hoạch, chính sách, hành động… cụ thể, riêng biệt.

Người tiêu dùng hưởng lợi từ các "chiêu trò" nhằm thu hút khách hàng của nhà bán lẻ.

Với tập đoàn Vingroup, là một trong những chuỗi bán lẻ “sinh sau” nhưng đã sớm vươn lên vị trí dẫn đầu. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, điều làm nên thành công và đặc điểm “nhận dạng” của chuỗi bán lẻ này chính là vị trí cửa hàng.

Những địa điểm mà Vingroup đặt chuỗi siêu thị Vinmart đều rất dễ nhận biết và dễ tìm, nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Vì vậy Vinmart đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng ngày của người tiêu dùng một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất, bởi tâm lý người tiêu dùng khi đi mua sắm những vật dụng thiết yếu hàng ngày thường thích sự tiện lợi, gần nhà

Tương tự, chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K cũng nhắm đến vấn đề tiện ích cho người tiêu dùng, đặt cửa hàng ở những vị trí trong khu đông dân cư. Tuy nhiên, Circle K đặc biệt còn “ghi điểm”đối với cả những khách hàng khó tính là việc phục vụ 24/24 trong tất cả các ngày.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh.

Giai đoạn từ 2015 đến 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng so với năm trước từ 10,5-10,9%. Trong khi đó, năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017. Đây là mức tăng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50).

Dự báo, chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/ tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philipines 33%, Thái Lan 34%, Malaysia 60%, Singapore 90%...).

Phương Thảo (DV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.