Là tỷ phú bất động sản có sức ảnh hưởng trên cả chính trường và thương trường Trung Quốc, Ng Lap Seng bất ngờ bị tòa án Mỹ tuyên phạt 4 năm tù vì hối lộ quan chức Liên Hợp Quốc.

Ng Lap Seng sinh ngày 26/6/1948 trong một gia đình nghèo khó tại Quảng Đông, Trung Quốc. Từ nhỏ, Ng Lap Seng đã là một cậu bé thông minh và hiếu học. Ông có thành tích học tập xuất sắc tại quê nhà và được nhiều thầy cô yêu mến.

Tuổi thơ nghèo khó

Theo BBC Chinese, ngay từ nhỏ, Ng Lap Seng đã quyết tâm làm điều gì đó lớn lao để gia đình tự hào. Từ năm lớp hai, ông đã bắt đầu đánh bắt cá để kiếm thêm chút tiền trang trải học phí. Lớn hơn chút nữa, ông đi làm công nhân tại nhà máy may và nhanh chóng trở thành quản lý ở đây.

Năm 1979, sau khi tích lũy được khoảng 100 đôla Hong Kong, Ng Lap Seng một mình đến Macau lập nghiệp. Thời bấy giờ, Macau là một mảnh đất khắc nghiệt với người đại lục, tồn tại đầy rẫy những bất công và phân biệt đối xử với những người vô gia cư.

Ng Lap Seng đã trải qua một tuổi thơ nghèo khó trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt tại Macau.

Thời gian đầu tới Macau, Ng Lap Seng phải trải qua một cuộc sống vô cùng khổ cực. Hàng ngày, ông chỉ được ăn 3 chiếc bánh hấp và phải ngủ ngoài phố trong suốt một tháng trời. Không thể tiếp tục sống lay lắt qua ngày, Ng Lap Seng quyết tâm tìm ra lối thoát cho cuộc đời mình.

Theo tờ Macau Business, công việc đầu tiên của Ng Lap Seng tại Macau là bán rong các mặt hàng vải vóc trên đường phố. Duyên buôn bán của Ng nhanh chóng khiến ông trở nên dư dả. Khi dành dụm được chút vốn, ông quyết định mở một cửa hàng kinh doanh vải, và không ngờ đây chính là bước đệm quan trọng để Ng trở thành một tỷ phú sau này.

Vươn lên thành tỷ phú bất động sản

Năm 1981, Ng Lap Seng thành lập công ty Kin Yip - chuyên nhập khẩu các mặt hàng quần áo, vải vóc từ Đài Loan, Hong Kong và Hàn Quốc để bán buôn tại thị trường Trung Quốc và Macau. Ông cũng thành lập một nhà máy tại Chu Hải, Quảng Đông để thiết kế và may đo quần áo.

Nhờ quản lý tốt doanh nghiệp, Kin Yip của Ng Lap Seng nhanh chóng trở thành doanh nghiệp cỡ trung bình.

Năm 1989, nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản, Ng Lap Seng chuyển hướng đầu tư sang nhà đất. Năm 1992, Ng Lap Seng đã làm chủ nhiều cao ốc, nhà hàng, khách sạn và thành công rực rỡ trong thị trường may mặc.

Từ những năm 90 của thế kỷ 20, Ng Lap Seng đã trở thành một doanh nhân thành đạt trên đất Macau.

Năm 1996, Ng Lap Seng mua một mảnh đất liền kề với sòng bạc Lisboa ở khu vực thịnh vượng nhất của Ma Cau. Tại đây, ông xây dựng một tòa nhà cao 23 tầng với lối thiết kế thông minh, hiện đại mang tên Centro Commercial San Kin Yip. Ông cũng bỏ ra 2 tỷ USD để đầu tư cải tạo 45 mẫu đất trống gần hồ Nam Van để biến nơi đây thành một khu đô thị khang trang, với trung tâm thương mại, cao ốc, chung cư và sòng bài. Năm 1996, Ng Lap Seng đổi tên doanh nghiệp thành Sun Kian Ip.

Trang Macau Business ước tính, tới năm 2017, Ng Lap Seng có tài sản ròng lên tới 1,8 tỷ USD và nắm giữa nhiều dự án bất động sản trị giá 1 tỷ USD.

Có tiếng nói trên chính trường

Không chỉ thành công trong kinh doanh, Ng Lap Seng còn là doanh nhân có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực chính trị. Ông là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), Ủy viên Hội đồng Tư vấn Chính trị tỉnh Hắc Long Giang, Chủ tịch danh dự của Liên minh phát triển hòa bình Trung Quốc và Chủ tịch danh dự của Hiệp hội văn hóa và kinh tế quốc gia.

Ng Lap Seng cũng có quan hệ mất thiết với nhiều quan chức cao cấp. Theo tờ Macau Dailytimes, các quan chức của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) thường xuyên lui tới gặp mặt Ng tại những khách sạn của ông.

Tỷ phú Ng Lap Seng còn được biết đến khá rộng rãi ở cộng đồng quốc tế. Nhờ tích cực đóng góp cho các hoạt động xóa đói giảm nghèo của Liên Hợp Quốc, ông đã được tổ chức này trao tặng giải thưởng Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và giải thưởng Hòa bình Thế giới năm 2009, được vinh danh tại buổi kỷ niệm tại Mỹ và chụp ảnh với Tổng thư ký Ban Ki Moon.

Tỷ phú Ng Lap Seng được Liên Hợp Quốc trao tặng giải thưởng vì những đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Theo tờ Macau Business, mỗi lần ông đến thăm Mỹ và Liên Hợp Quốc, Ng Lap Seng luôn được coi như “Đại sứ của nhân dân Trung Quốc”. Ông con được báo chí nước ngoài ca ngợi là “giống như một nhà ngoại giao được đào tạo hơn là một doanh nhân thành đạt".

Sa lầy với khoản hối lộ 1,7 triệu USD

Có lẽ, chính tham vọng chính trị của Ng Lap Seng đã đẩy ông vào vòng lao lý. Đầu năm 2015, Ng Lap Seng đối mặt với cuộc điều tra của Mỹ với những cáo buộc liên quan tới hối lộ và rửa tiền.

Cụ thể, ông bị cáo buộc đã đưa hối lộ 1,7 triệu USD (38,7 tỷ đồng) cho 2 đại sứ Liên Hợp Quốc, để những người này ủng hộ kế hoạch xây dựng trung tâm hội nghị Liên Hợp Quốc tại Macau, Reuters đưa tin.

Hai quan chức nhận hối lộ là ông John Ashe - cựu Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và ông Francis Lorenzo - cựu Đại sứ Cộng hòa Dominica. Ông Lorenzo đã nhận tội hối lộ, rửa tiền và đồng ý làm chứng. Trong khi đó, ông Ashe cũng bị truy tố nhưng thiệt mạng trong một tai nạn ở nhà riêng vào năm 2016.

Ng Lap Seng bị kết án 4 năm tù, phạt 1 triệu USD và bồi thường hơn 300.000 USD cho Liên Hợp Quốc vì tội danh hối lộ.

Giới công tố viên cáo buộc ông Ng đã hối lộ để có được sự ủng hộ từ 2 vị đại sứ cho kế hoạch xây trung tâm hội nghị Liên Hợp Quốc tại Macau. Dự án là một phần tham vọng của ông Ng nhằm biến đặc khu này thành “Geneva của châu Á”, mang lại danh tiếng và sự giàu có cho ông. Dù vậy, dự án nói trên chưa được thực hiện.

Sau khi bị bắt vào năm 2015, Ng Lap Seng được phép tiếp tục sống tại căn hộ 4 triệu USD ở Manhattan, New York với số tiền bảo lãnh khổng lồ 50 triệu USD.

Tháng 7/2017, Ng Lap Seng bị kết án 4 năm tù giam, đồng thời bị phạt 1 triệu USD và bồi thường hơn 300.000 USD cho Liên Hợp Quốc.

Trước đó, các công tố viên đề nghị mức án 6 năm tù và phạt 2 triệu USD đối với ông Ng, trong khi đó, phía luật sư biện hộ cố gắng kiếm tìm bản án treo với lý do ông Ng đã từng là một nhà từ thiện tận tâm. Hiện tại, Ng Lap Seng vẫn đang bị giam lỏng tại nhà riêng ở Manhattan và sẽ phải trình diện để thụ án vào tháng 7 năm nay.

Giang Hạ (Zing News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.