Ông Nguyễn Phước Thanh được bổ nhiệm hai chức vụ quan trọng Tổng giám đốc Vietcombank và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đều trong hoàn cảnh hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Phước Thanh là ai?

Ông Nguyễn Phước Thanh sinh ngày 23/09/1957. Là người “tỉnh lẻ” An Giang nên những bước đường đầu trong sự nghiệp của ông Thanh gắn bó chặt chẽ với quê hương. Ông Thanh đã có 31 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, từng giữ các chức vụ quan trọng tại các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Agribank, Vietcombank.

Ông tốt nghiệp khoa Tín dụng Ngân hàng, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh năm 1982. Sau nhiều năm học tập và công tác, ông Thanh bổ sung vào “bộ sưu tập” bằng cấp của mình tấm bằng tốt nghiệp cử nhân chính trị về Lý luận kinh tế chính trị của Học viện chính trị Quốc gia và bằng tốt nghiệp thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) - Đại học Quốc gia Hà Nội liên kết với Đại học Pacific Western, khoá học 2003 - 2005.

Ngay từ khi rời ghế nhà trường, ông Thanh đã khởi nghiệp ở đúng lĩnh vực được đào tạo. Từ năm 1983 tới 1998, ông làm việc tại các ngân hàng ở An Giang. Có thể nói, năng lực của ông Thanh sớm được khẳng định.

Trong năm đầu cống hiến cho ngành ngân hàng, ông đã giữ chức tổ trưởng tổ tín dụng thương nghiệp Ngân hàng Nhà nước thị xã Long Xuyên - An Giang. Chỉ trong 5 năm đầu làm việc, ông đã được cất nhắc lên nhiều vị trí quan trọng như Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước thị xã Long Xuyên, Giám đốc Chi nhánh Vietcombank An Giang,…

Sau nhiều lần thuyên chuyển, tới tháng 11/2007, ông Thanh đã có bước ngoặt mới trong sự nghiệp khi được đảm nhận chức vụ Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vietcombank, Ủy viên BCH Đảng ủy Khối DN Trung ương.

Ông Nguyễn Phước Thanh, tân Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Không giống như nhiều đại gia ngân hàng khác, ông Thanh khá kín tiếng về đời tư. Các con của ông cũng không gây sự chú ý trên thị trường như các thiếu gia của ông Trần Mộng Hùng, ông Đặng Văn Thành hay ông Trầm Bê.

Ông Thanh có hai người con, Nguyễn Thanh Trà (1984) hiện đang làm việc tại Vietcombank, chi nhánh Tp.HCM và Nguyễn Phước Thiên Anh (1995) đang đi học tại một trường quốc tế ở Tp.HCM.

Ông Thanh nhận được sự chú ý của dư luận khi đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc Vietcombank. Thế nhưng, tên tuổi của ông được nhắc tới nhiều hơn khi ông trở thành tân Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1205/QĐ-TTg về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Phước Thanh, Thành viên Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 19/7.

Làm sếp Vietcombank mùa “bão lũ”

Tháng 11/2007, ông Thanh trở thành Tổng giám đốc Vietcombank. Đây là cơ hội rất lớn để ông Thanh tiếp tục khẳng định mình. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, ông Thanh gặp muôn vàn thách thức khi đây là thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang bắt đầu nhen nhóm.

“Quả ngọt” đầu tiên mà ông Thanh được hưởng cùng Vietcombank chính là phiên IPO rất thành công của Vietcombank. 26/12/2007, ngày mà hầu như tất cả giới đầu tư trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước trông đợi đã đến, cuộc đấu giá cổ phần Vietcombank, ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam đã chính thức được khai mạc tại Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.

Phiên IPO diễn ra thành công rực rỡ khi tất cả các cổ phiếu chào bán được đều hơn 9.000 nhà đầu tư mua lại. Giá đấu thành công bình quân là 107.860 đồng/CP, trong đó, mức giá cao nhất là 250.000 đồng/CP. Có thể nói, đây là phiên IPO “bom tấn” của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, cổ phiếu Vietcombank (VCB) sớm trở thành “bom xịt”. Sang đầu năm 2008, thị trường chứng khoán đi xuống, VCB cũng không được nhà đầu tư quan tâm nên rơi xuống vùng giá 98.000 đồng/CP.

Cùng với sự đi xuống của cổ phiếu VCB, ông Thanh phải đối mặt với nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế mang tới. Nói cách khác, ông Thanh bắt đầu làm Tổng giám đốc Vietcombank đúng thời điểm khó khăn nhất của hệ thống ngân hàng nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Hoạt động của Vietcombank bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, có thời điểm, Vietcombank gây xôn xao với những thông tin như bị các tổ chức tín dụng uy tín nước ngoài hạ bậc tín dụng hay nợ xấu tăng. Tuy nhiên, vượt qua tất cả, ông Thanh cùng Vietcombank vẫn đạt được những thành tựu đáng nể.

Nhận “ghế nóng” tổng giám đốc Vietcombank cuối năm 2007, điều đó có nghĩa ông Thanh chính thức chèo lái con thuyền Vietcombank từ năm 2008. Có thể thấy, từ năm 2008, Vietcombank vẫn duy trì được khoản lợi nhuận “khủng”.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Vietcombank năm 2008 là 2.574 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2007; lợi nhuận năm 2009 là 3.921,4 tỷ đồng, năm 2010 là 4.214,5 tỷ đồng, năm 2011 là 4.196,8 tỷ đồng, năm 2012 là 4.427 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2013 Vietcombank đạt 2.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 45% kế hoạch năm (5.800 tỷ đồng).

Những con số kể trên đã cho thấy khả năng “vượt khó” của ông Thanh lớn như thế nào. Chính vì vậy, vào ngày 13/7/2013, ông Thanh đã được lựa chọn là đại diện duy nhất của ngành Ngân hàng được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ X với chủ đề “Vượt khó đi lên”. Chương trình có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Về NHNN lúc khó khăn

Ông Thanh trở thành Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh ngành ngân hàng vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề được dư luận quan tâm nhất chính là giải quyết nợ xấu, giảm lãi suất, ổn định thị trường vàng và ngoại tệ.

Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố 9 nhiệm vụ trọng tâm. Các nhiệm vụ này đều rất quan trọng và không dễ giải quyết trong một sớm một chiều. Là Phó Thống đốc, rõ ràng, ông Thanh cũng phải chia sẻ gánh nặng với Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Với những thành tích gặt hái được trong quá trình điều hành Vietcombank, ông Thanh đang được Thống đốc Nguyễn Văn Bình đặt niềm tin rất lớn.

Phát biểu tại buổi Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Phước Thanh giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Sự kiện ông Thanh được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không những là niềm vui, niềm vinh dự của cá nhân ông Thanh mà còn là tin vui của toàn ngành Ngân hàng.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình tin tưởng, với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành Ngân hàng, ông Thanh sẽ tiếp tục phát huy được năng lực, sở trường, có những cống hiến to lớn hơn nữa trong thời gian tới để cùng Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành Ngân hàng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao.

Ông Thanh khẳng định trên cương vị mới, sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu với tất cả tâm huyết và quyết tâm để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thanh Hà (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Sao Việt với nghề tay trái - Kỳ 2: Sai một li, đi... danh tiến

    Sao Việt với nghề tay trái - Kỳ 2: Sai một li, đi... danh tiến

    06/08/2013 1:27 PM

    Bắt tay vào công việc kinh doanh với hy vọng có thêm một nguồn thu nhập ổn định, thế nhưng, không ít sao Việt đã rơi vào cảnh trắng tay, thậm chí nợ nần chồng chất vì những sóng gió thương trường. Chuyện "họa mi núi rừng" Siu Black mới đây thừa nhận "vỡ nợ vì kinh doanh quán cà phê thua lỗ" chỉ là một trong những trường hợp như thế...

  • Chân dung sếp 'tỉnh lẻ' làm tân Phó Thống đốc NHNN

    Chân dung sếp 'tỉnh lẻ' làm tân Phó Thống đốc NHNN

    30/07/2013 2:51 PM

    Ông Nguyễn Phước Thanh được bổ nhiệm hai chức vụ quan trọng Tổng giám đốc Vietcombank và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đều trong hoàn cảnh hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

  • CEO Vietcombank: 'Trần lãi suất có thể giảm thêm'

    CEO Vietcombank: 'Trần lãi suất có thể giảm thêm'

    05/05/2013 7:43 PM

    Ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Vietcombank - cho rằng dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ trần lãi suất huy động vẫn còn, giảm lãi suất cho vay thì lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng nhưng "là việc cần làm lúc này".

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.