Ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Vietcombank - cho rằng dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ trần lãi suất huy động vẫn còn, giảm lãi suất cho vay thì lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng nhưng "là việc cần làm lúc này".

- Nguyên nhân và cơ sở nào khiến Vietcombank bất ngờ giảm lãi suất huy động về 6% - thấp hơn rất nhiều so với mức trần 7,5% được Ngân hàng Nhà nước cho phép?

- Nguồn vốn huy động của Vietcombank vẫn tăng trưởng khá dù lãi suất gần đây liên tục giảm, thanh khoản của hệ thống ổn định trong khi tín dụng vẫn hết sức trì trệ là những lý do khiến chúng tôi chủ động giảm lãi suất. Qua đó sẽ tạo cơ sở hạ lãi suất cho vay giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thừa nhận kết quả kinh doanh ít nhiều bị ảnh hưởng nhưng CEO Nguyễn Phước Thanh cho rằng giảm lãi suất là việc cần làm. Ảnh: P.V.

Giảm lãi suất huy động theo tôi là một mũi tên trúng hai đích, vừa kích cầu để giải quyết vấn đề hàng tồn kho và tạo tiền đề để ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Nói thật, khó khăn lớn nhất của các ngân hàng hiện nay là doanh số giải ngân và chất lượng tín dụng quá thấp. Không phải chúng tôi không muốn cho vay mà do rủi ro quá lớn khi chất lượng kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay quá thấp.

Vietcombank chủ động giảm lãi suất còn nhằm thực hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn. Theo tôi, rất cần có một ngân hàng đi tiên phong giảm lãi suất để tạo yếu tố cạnh tranh và định hướng.

- Ông đánh giá thế nào về khả năng trần lãi suất huy động có thể giảm tiếp?

- Tôi cho rằng vẫn còn dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục làm việc này khi các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát vẫn đang được kiểm soát ở mức 6-7%, CPI 4 tháng đầu năm chỉ tăng 2,4% so với cuối năm 2012 - mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm trở lại đây. Để tiếp tục định hướng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, theo chúng tôi trần lãi suất huy động dưới một tháng cần được xem xét giảm để tạo điều kiện cho các ngân hàng hạ chi phí vốn qua đó có cơ sở tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay.

- Vietcombank giảm lãi suất nhưng các nhà băng khác vẫn tìm mọi cách để thu hút tiền gửi từ khách hàng. Ông có lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến lượng vốn huy động của ngân hàng?

- Lãi suất vẫn dự báo giảm và các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy còn dư địa để lãi suất tiếp tục giảm. Tuy nhiên, nguồn tiền nhàn rỗi vẫn tiếp tục đổ vào hệ thống ngân hàng khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng… rất bấp bênh và tiềm ẩn rủi ro cao. Lần này, Vietcombank giảm mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng cũng để khuyến khích gửi tiền vào các kỳ hạn dài cho nguồn vốn dài hạn.

- Giảm lãi suất cho vay ảnh hưởng như thế nào đến kết quả kinh doanh của ngân hàng?

- Về ngắn hạn thì đúng là ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Nhưng trong bối cảnh tín dụng giảm mạnh còn doanh nghiệp vẫn khát vốn thì giảm lãi suất cho vay vẫn là cần thiết. Doanh nghiệp có khoẻ thì nền kinh tế mới mạnh, và hoạt động của ngân hàng mới thông suốt. Ngoài ra, khi tín dụng khơi thông thì sẽ doanh thu cũng sẽ được bù đắp thôi.

Bên cạnh đó, Vietcombank sẽ cắt giảm tối đa các chi phí hoạt động và phát triển nhiều mảng hoạt động khác để giảm thiểu chi phí và bù đắp mức giảm lợi nhuận trên nên không quá lo ngại kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều.

- Quan điểm của ông về sự cần thiết phải dỡ bỏ trần lãi suất huy động để ngân hàng chủ động thực hiện chức năng cấp vốn cho nền kinh tế?

- Khi chất lượng các ngân hàng không đồng đều, rất nhiều ngân hàng nhỏ hoạt động không ổn định thì bỏ trần lãi suất huy động cần phải cân nhắc kỹ để tránh tình trạng “vượt rào” lãi suất. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng gần đây khá tốt nhưng không có nghĩa tất cả đều đủ vốn để hoạt động khi tình trạng lấy ngắn nuôi dài còn tồn tại. Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu hạ lãi suất huy động và cho vay nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, việc áp trần lãi suất huy động trước mắt vẫn có những tác dụng phù hợp.

- Ông nhận định thế nào về động thái của các ngân hàng sau tín hiệu giảm lãi suất của Vietcombank?

- Thật khó để có câu trả lời chính xác về vấn đề này. Thực tiễn thị trường sẽ là câu trả lời sống động và khách quan nhất. Tuy nhiên, theo như thông lệ gần đây, việc giảm lãi suất của một ngân hàng dù lớn hay nhỏ ít nhiều cũng khiến các đơn vị khác phải lưu tâm. Tôi tin rằng thị trường luôn vận hành theo đúng quy luật của nó mà không một ai có thể tồn tại mà nằm ngoài quy luật này. Hiện tại, việc “bồi dưỡng” sức khoẻ của doanh nghiệp là việc tất yếu và mang ý nghĩa sống còn để vực dậy nền kinh tế.

Kỳ Duyên (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Sao Việt với nghề tay trái - Kỳ 2: Sai một li, đi... danh tiến

    Sao Việt với nghề tay trái - Kỳ 2: Sai một li, đi... danh tiến

    06/08/2013 1:27 PM

    Bắt tay vào công việc kinh doanh với hy vọng có thêm một nguồn thu nhập ổn định, thế nhưng, không ít sao Việt đã rơi vào cảnh trắng tay, thậm chí nợ nần chồng chất vì những sóng gió thương trường. Chuyện "họa mi núi rừng" Siu Black mới đây thừa nhận "vỡ nợ vì kinh doanh quán cà phê thua lỗ" chỉ là một trong những trường hợp như thế...

  • Chân dung sếp 'tỉnh lẻ' làm tân Phó Thống đốc NHNN

    Chân dung sếp 'tỉnh lẻ' làm tân Phó Thống đốc NHNN

    30/07/2013 2:51 PM

    Ông Nguyễn Phước Thanh được bổ nhiệm hai chức vụ quan trọng Tổng giám đốc Vietcombank và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đều trong hoàn cảnh hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

  • CEO Vietcombank: 'Trần lãi suất có thể giảm thêm'

    CEO Vietcombank: 'Trần lãi suất có thể giảm thêm'

    05/05/2013 7:43 PM

    Ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Vietcombank - cho rằng dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ trần lãi suất huy động vẫn còn, giảm lãi suất cho vay thì lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng nhưng "là việc cần làm lúc này".

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.