Các tỷ phú có tên trong danh sách này chủ yếu là những người đứng đầu của các tập đoàn đa quốc gia hoặc tập đoàn lớn nhất Ấn Độ, trong đó, khoảng một nửa là doanh nhân thế hệ đầu tiên của Ấn Độ.

Ấn Độ là một quốc gia có GDP tương đối lớn với hơn 1,87 nghìn tỷ USD nhưng đây cũng là một trong những quốc gia có sự bất bình đẳng về kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay. Sự bất bình đẳng này thể hiện rõ nét trong sự phân chia giữa hai khu vực nông nghiệp, nông thôn và khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Mặc dù, Ấn Độ đã bước vào quá trình toàn cầu hóa với sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp lớn cũng như một lực lượng lao động thông thạo tiếng Anh nhưng phần lớn đặc quyền về kinh tế vẫn thuộc về tầng lớp thượng lưu.

Những doanh nhân giàu nhất Ấn Độ chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, công nghệ thông tin, dược, công nghiệp, kỹ thuật và sản xuất dầu ăn. Trong đó, dịch vụ vẫn là ngành đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ, chiếm gần 2/3 GDP của đất nước này nhưng chỉ sử dụng hết gần 1/3 lực lượng lao động trên cả nước.

Trong vòng một năm qua, tài sản của 100 người giàu Ấn Độ đã tăng trưởng khoảng 3%. Dưới đây là 10 tỷ phú giàu nhất Ấn Độ thống kê theo danh sách tỷ phú của Bloomberg.

10. Gautam Adani 10: Giá trị tài sản 7,3 triệu USD

Tỷ phú 52 tuổi Gautam Adani thành lập Tập đoàn Adani vào năm 1988 và là cổ đông lớn nhất của tập đoàn này.

Adani Enterprises là một doanh nghiệp đã niêm yết chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khai thác than, điện, cảng và các ngành nghề dệt may, kim loại, năng lượng cũng như các sản phẩm nông nghiệp.

Công ty này cũng hợp tác sản xuất dầu ăn cùng với Wilmar, công ty chế biến và sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.

Adani là người rất quan tâm đến việc thúc đẩy sự giàu có và phát triển của Ấn Độ. Ông nhận thức sâu sắc được rằng muốn phát triển kinh trước hết phải phát triển cơ sở hạ tầng. Do đó, ông tập trung vào phát triển các cảng, nhà máy điện, đường dây tải điện và khai thác mỏ.

9. Savitri Jindal: Giá trị tài sản 7,4 tỷ USD

Savitri Jindal là người phụ nữ giàu nhất Ấn Độ và gần đây bà cũng có tên trong top 10 người giàu nhất của đất nước này.

Nguồn thu nhập chính mang lại sự giàu có cho nữ doanh nhân 63 tuổi chủ yếu đến từ OP Jindal Group, một tập đoàn kinh doanh thép và năng lượng được sáng lập bởi chồng bà Om Prakash Jindal vào năm 1952.

Om Prakash Jindal đã đưa OP Jindal Group trở thành một doanh nghiệp thép có lợi nhuận hàng đầu ở Ấn Độ sau đổi mới và ghi danh tập đoàn này trên bản đồ thép thế giới. Hiện nay, định giá của doanh nghiệp thép này vào khoảng 18 tỷ USD.

Sau khi Jindal mất vào năm 2005, bà Savitri Jindal, trở thành chủ tịch không điều hành của tập đoàn, trong khi quyền điều hành hoạt động trực tiếp của tập đoàn này được giao cho bốn người con trai.

Năm 2010, bê bối liên quan đến một trong những người con trai nhà Jindal đã khiến cho lợi nhuận của OP Jindal Group bị sụt giảm. Tuy nhiên, sau khi bà Savitri Jindal "ra mặt" thì hoạt động của tập đoàn này lại trở về quỹ đạo và bà vẫn là người phụ nữ giàu nhất Ấn Độ.

Ngoài kinh doanh, bà Jindal cũng có một sức ảnh hưởng chính trị nhất định khi giữ một chức vụ quan trọng trong đảng Quốc đại bang Haryana.

8. Kumar Birla: Giá trị tài sản 7,4 tỷ USD

Kumar Birla là Chủ tịch của Aditya Birla Group, một tập đoàn có trụ sở tại Mumbai đang sở hữu cổ phần tại rất nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ, chẳng hạn như nhà máy sản xuất nhôm lớn thứ hai của Ấn Độ Hindalco Industries đồng thời cũng là tập đoàn lớn thứ ba tại Ấn Độ.

Tập đoàn này cũng nắm giữ cổ phần tại công ty đầu tư dịch vụ tài chính Aditya Birla Nuvo. Ngoài ra, Birla cũng là Viện trưởng của Viện Công nghệ & Khoa học Birla và sở hữu công ty khai thác quặng sắt Essel Mining.

Mặc dù là một trong những người giàu nhất ở đất nước Ấn Độ nhưng Birla từng phát ngôn rằng ông thà đầu tư vào Brazil hay Indonesia còn hơn đầu tư vào Ấn Độ.

7. Anil Ambani: Giá trị tài sản 8,4 tỷ USD

Anil Ambani là một ông trùm kinh doanh và đầu tư của Ấn Độ. Ông hiện là Chủ tịch Tập đoàn Reliance.

Reliance Group là một tập đoàn có trụ sở tại Mumbai kiểm soát 68% của hãng điện thoại di động Reliance Communications và 75% của đơn vị sản xuất điện Reliance Power.

Ngoài ra, ông còn lấn sân sang lĩnh vực giải trí và sản xuất truyền hình. Ông hiện có cổ phần trong công ty DreamWorks của đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg đồng thời cũng là một trong những nhà sản xuất phim lớn nhất Bollywood. Trong sự nghiệp đầu tư vào phim ảnh của mình, Ambani từng là đồng sản xuất cho bộ phim đoạt giải Oscar - Lincoln.

6. Shiv Nadar: Giá trị tài sản 13,3 tỷ USD

Tỷ phú nổi tiếng tại Ấn Độ với các hoạt động từ thiện Shiv Nadar của đã xây dựng khối tài sản khổng lồ của ông từ việc kinh doanh trong ngành công nghiệp, công nghệ thông tin.

Nadar thành lập công ty IT phần cứng HCL Infosystems vào giữa những năm 1970, sau đó liên tiếp trong 3 thập kỷ ông đã đưa công ty này trở thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất Ấn Độ.

Ông cũng được nhiều người biết đến với các hoạt động từ thiện thông qua quỹ từ thiện Shiv Nadar Foundation. Quỹ này chủ yếu đóng góp vào sự phát triển của hệ thống giáo dục của Ấn Độ kể từ giữa những năm 1990. Ông đã tặng hơn 10% tài sản của mình để ủng hộ các hoạt động từ thiện.

5. Azim Premji: Giá trị tài sản 16,6 tỷ USD

Ông trùm kinh doanh Ấn Độ Azim Premji hiện là Chủ tịch của Wipro Limited có trụ sở tại Bangalore. Ông đã lãnh đạo tập đoàn hàng đầu về công nghệ phần mềm này suốt bốn thập kỷ và đưa nó trở thành một tập đoàn đa quốc gia.

Wipro Limited hiện là công ty xuất khẩu phần mềm lớn thứ ba của Ấn Độ và Premji hiện đang nắm giữ 56% cổ phần của công ty này. Ông cũng sở hữu PremjiInvest, một quỹ đầu tư tư nhân quản lý số tiền khoảng 1 tỷ USD.

Premji đã chuyển hơn 4 tỷ USD cho các tổ chức từ thiện và là người đầu tiên cùng Warren Buffett ký vào cam kết Giving Pledge do Bill Gates sáng lập với cam kết sẵn sàng cho đi một phần lớn tài sản làm từ thiện sau khi mất.

4. Lakshmi Mittal: Giá trị tài sản 17,2 tỷ USD

Lakshmi Mittal là một ông trùm ngành thép. Ông hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của ArcelorMittal, công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới có trụ sở tại Luxembourg. Mittal nắm giữ 38% cổ phần của ArcelorMittal. Công ty này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khai thác mỏ, năng lượng và tinh chế với độ bao phủ tại 60 quốc gia trên thế giới.

Mittal cũng đặt trụ sở tại London, nơi ông sở hữu nhiều tài sản, và từng được xem người đàn ông gốc Á giàu có nhất ở Anh vào năm 2007. Tại châu Âu, ông là một thành viên trong ban giám đốc của Goldman Sachs đồng thời cũng nằm trong ban điều hành của công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ Aeronautic châu Âu.

Mittal nổi tiếng bởi lối sống xa xỉ. Ông từng không tiếc tiền tổ chức một đám cưới cực kì hoành tráng cho cô con gái Vanisha, đám cưới này kéo dài tận 5 ngày và bao gồm cả một bữa tối tổ chức tại cung điện Versailles. Đây được xem là đám cưới đắt thứ hai trong lịch sử.

Ngoài ra, Mittal cũng có 34% cổ phần trong đội bóng đá Queens Park Rangers và sống trong một biệt thự với phòng tắm theo phong cách Thổ Nhĩ Kỳ, được trang trí bằng đá cẩm thạch lấy từ mỏ đá từng cung cấp đá để xây cung điện Taj Mahal.

3. Pallonji Mistry: Giá trị tài sản 18 tỷ USD

Tỷ phú 84 tuổi Pallonji Mistry là cổ đông lớn nhất trong tập đoàn Tata - tập đoàn tư nhân lớn nhất của Ấn Độ. Pallonji Mistry thừa kế tập đoàn này từ cha ông và từ năm 2012 ông đã giao lại chức chủ tịch cho người con trai Cyrus.

Tata Group hiện có hơn 100 công ty con, trong đó có hàng chục doanh nghiệp thuộc hàng lớn nhất Ấn Độ.

Mistry là cũng là chủ tịch của Shapoorji Pallonji Group, bao gồm nhiều doanh nghiệp nhỏ, trong đó đáng chú ý nhất là Công ty TNHH Xây dựng Shapoorji Pallonji, công ty dệt may Forbes và Eureka Forbes Limited.

Sau khi kết hôn với một người phụ nữ Ailen vào năm 2003, Cyrus trở thành người Ireland vì luật pháp Ấn Độ không cho phép hai quốc tịch.

2. Dilip Shanghvi: Giá trị tài sản 19,6 tỷ USD

Năm 1983, sau khi tốt nghiệp khoa thương mại thuộc trường đại học Calcutta, Dilip Shanghvi thành lập Sun Pharmaceuticals (SP) với quy mô sản xuất chỉ năm sản phẩm và đội ngũ nhân sự gồm 2 người (tính cả ông). Tuy nhiên ngày nay, SP đã có hơn 14.000 nhân viên và sản xuất hơn 200 thành phần dược phẩm, tiếp thị chúng ở 40 quốc gia.

SP là hãng dược phẩm lớn nhất ở Ấn Độ theo giá trị vốn hóa thị trường và là một công ty sản xuất thành phần dược phẩm lớn thứ hai trên thế giới.

Shangvi là cổ đông lớn nhất trong công ty và được công nhận là một trong những triệu phú tự thân lập nghiệp hàng đầu châu Á. Tại thời điểm này, Shanghvi đang có kế hoạch đầu tư vào một nhà máy điện 1.000 megawatt ở Ấn Độ.

1. Mukesh Ambani: Giá trị tài sản 24,3 tỷ USD

Mukesh Ambani là người giàu nhất Ấn Độ và là người giàu thứ hai ở châu Á. Ông đã làm nên khối tài sản kếch sù nhờ nắm giữ vai trò là cổ đông lớn kiêm giám đốc điều hành và chủ tịch của Reliance Industries Limited (RIL).

RIL là một công ty cổ phần chuyên hoạt động trong các lĩnh vực dầu khí, lọc dầu và hóa dầu. Đây là công ty lớn thứ hai ở Ấn Độ và Ambani đang nắm giữ 41% cổ phần trong đó. Ngoài ra, ông cũng sở hữu mỏ khí thiên nhiên lớn nhất của quốc gia này.

Hiện nay, tỷ phú này đang triển khai một dự án xây dựng mạng không dây 4G đầu tiên của Ấn Độ với tham vọng phủ sóng trên 700 thành phố.

Bên cạnh đó, Ambani đang nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng khác như: tham gia ban giám đốc của Tập đoàn Bank of America và ban cố vấn quốc tế của Hội đồng Quan hệ đối ngoại. Ông cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện quản lý Bangalore - một trong những trường kinh doanh hàng đầu ở Ấn Độ.

Về cuộc sống riêng tư, Ambani sống như một ông hoàng. Ông ở một ngôi nhà 27 tầng trị giá 1 tỷ USD với 6 thành viên trong gia đình. Ông cũng sở hữu đội tuyển cricket Mumbai chuyên nghiệp và là một trong những "ông bầu" thể thao giàu nhất thế giới.

Tuy nhiên, dù thích phô trương sự giàu có của mình, nhưng năm 2009 Ambani đã tình nguyện cắt giảm 66% lương như một biểu hiện của sự "vừa phải".

Đinh Thơm (Bizlive
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.