Nhà điều hành trẻ của Phú Đông Group quan niệm, chính chất lượng sản phẩm mới là yếu tố quyết định giá trị lâu bền cho doanh nghiệp bất động sản (BĐS).

Hơn chục năm ở căn hộ, thấu hiểu được nhu cầu của người dân và từ kinh nghiệm làm việc cho những doanh nghiệp (DN) có ý thức nghiêm túc về sản phẩm, ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group - luôn hun đúc việc tạo ra những khu nhà hoàn thiện về tiện ích sống lẫn cảm giác thoải mái về mặt tinh thần cho cư dân.

Trong vai trò mới tại Phú Đông Group, doanh nhân này cho biết mình đang đảm trách sự thành bại trong cả vòng đời sản phẩm BĐS, từ khâu trước (chọn địa điểm, dự án), trong (tiếp thị, kinh doanh) và sau đầu tư (hậu mãi). "Việc kiểm soát tốt ba khâu này giúp DN cho ra đời nhà ở có chất lượng đảm bảo, phù hợp với thị hiếu người mua. Đây cũng là yếu tố cốt lõi mà chúng tôi hướng đến trong việc tạo dựng thương hiệu cho công ty" - ông Phúc bày tỏ quan điểm với Doanh Nhân Sài Gòn.

* Cơ duyên nào khiến ông gia nhập lĩnh vực BĐS thay vì ngân hàng như đúng chuyên môn được đào tạo?

- Trong số anh chị em trong gia đình, như lời mẹ thì tôi là người được thừa hưởng tố chất kinh doanh từ bà. Thời điểm tôi học tiểu học, gia đình chuyển từ Bắc vào Nam sinh sống, mẹ tôi bắt đầu buôn bán đất đai. Hằng ngày tôi vẫn thường nghe trao đổi giữa bà với khách hàng. Có lẽ nội dung những cuộc trò chuyện về BĐS ấy đã dần dần thấm vào tôi theo cách rất tự nhiên. Song, bản thân tôi chưa từng nghĩ mình sẽ chọn BĐS là nghề xuất phát điểm vì thời đại học, tôi được đào tạo nghiệp vụ tín dụng.

Nhưng cơ duyên đến với tôi vào năm 2004 khi Sacomreal (nay là TTC Land) đăng tin tuyển dụng nhân viên kinh doanh BĐS và cả nhân viên tín dụng (cho Sacombank). Qua quá trình phỏng vấn, tôi được tuyển vào Sacomreal. Và đây là nơi làm việc đầu tiên của tôi sau khi ra trường. Trong suốt 5 năm làm việc tại Sacomreal, môi trường chuyên nghiệp này (lúc đó Sacomreal là một trong những nơi có sàn giao dịch điện tử đầu tiên) đã cho tôi nhiều cơ hội chứng minh năng lực, nên tôi đã từ một nhân viên kinh doanh đến trưởng nhóm kinh doanh trẻ nhất hệ thống và sau này là trưởng phòng giao dịch.

Tôi nghĩ, một trong những điều quý giá nhất khi gắn bó ở Sacomreal là được trải nghiệm trong môi trường làm việc bài bản, chuyên nghiệp, được học hỏi từ những đồng nghiệp tốt. Chính điều này đã hun đúc cho tôi ý niệm về chất lượng nhà ở và phương thức kinh doanh hoàn thiện.

* Còn ở Him Lam Land thì sao?

- Năm 2009, tôi gia nhập Him Lam Land làm trưởng bộ phận kinh doanh (sau này là Phó tổng giám đốc phụ trách mảng kinh doanh, tiếp thị). Trước khi gia nhập Him Lam Land, tôi không có nhiều thông tin về họ ngoài khu nhà Him Lam - Kênh Tẻ (quận 7, TP.HCM) do Him Lam đầu tư. Cho đến khi bắt tay vào dự án đầu tiên là khu căn hộ Him Lam Riverside, tôi mới dần hiểu được phương cách làm việc của DN này.

Nếu ở Sacomreal, tính bài bản, chuyên nghiệp là một kinh nghiệm quý báu thì tại Him Lam, tôi học được quan điểm của người chủ về sản phẩm, đó là tính cộng đồng, tính xã hội trong một chung cư rất được chú trọng. Họ cũng sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để làm khách hàng hài lòng và sản phẩm hoàn thiện hơn. Chẳng hạn, trong quá trình triển khai dự án, bộ phận tham mưu tìm được giải pháp thiết kế tối ưu hơn cho căn hộ, ban giám đốc chấp nhận bỏ thêm chi phí để thực hiện mà không tăng chi phí đối với khách hàng.

* Những trải nghiệm đó hỗ trợ ông như thế nào trong vai trò mới tại Phú Đông Group?

- Tôi luôn có quan điểm nhất quán rằng, chất lượng sản phẩm mới chính là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả kinh doanh lâu dài, chứ không phải bán hàng. Bán hàng giỏi nhưng sản phẩm kém thì trước sau uy tín cũng sẽ bị ảnh hưởng, còn bán hàng chưa hiệu quả mà sản phẩm tốt thì vẫn giữ được uy tín với khách hàng. Về việc triển khai sản phẩm đến khách hàng, văn hóa của Him Lam Land là sự chuẩn mực, minh bạch và quan trọng hơn hết là không làm phiền khách hàng.

Quan điểm xuyên suốt của DN khi đó là nghiêm cấm nhân viên và các đơn vị phân phối nhắn tin, điện thoại cho khách hàng vì tưởng chừng sẽ mang lại hiệu quả kinh doanh tốt nhưng lại có tác dụng ngược. Một tin nhắn, một cuộc điện thoại không đúng lúc đối với khách hàng có thể vô tình gây cảm giác thiếu thiện cảm với sản phẩm, với thương hiệu DN. Tôi cũng tạo lập những nguyên tắc này cho đội ngũ kinh doanh ở Phú Đông.

Tôi luôn nghĩ, việc tạo dựng thương hiệu xã hội cho chung cư là yếu tố quan trọng, vì không những được cộng đồng biết tới mà còn nuôi dưỡng sự tin cậy nơi khách hàng - vốn là thước đo chính xác cho uy tín của thương hiệu. Việc tạo lập niềm tin nơi khách hàng bằng cách đặt tên sản phẩm theo tên DN cũng là điều thú vị. DN phải tự tin về sản phẩm mới gắn tên của họ vào các khu nhà, hay nói đúng hơn đây được xem như giao ước trách nhiệm lâu dài của chủ đầu tư vào sản phẩm.

Như ở Phú Đông Group, chúng tôi sẽ gắn thương hiệu Phú Đông vào các khu nhà mà Công ty xây dựng, như Phú Đông Premier, Phú Đông Smart City, đó là sự tự hào đối với người tạo lập sản phẩm và cả cho người mua. Còn xét ở khía cạnh quảng bá thương hiệu, cách đặt tên này theo tôi có giá trị lan tỏa, được lặp lại từ truyền miệng. Thương hiệu khi đó là một phần của xã hội.

* Việc lấy tên DN đặt cho các khu nhà ở như thế đôi khi cũng có rủi ro, nhất là hiệu ứng "tổn thương dây chuyền" nếu chẳng may xảy ra sự cố, dù là khách quan, có phải không, thưa ông?

- Mọi vấn đề đều có tính hai mặt, nhưng chúng tôi luôn muốn làm tốt nhất trong khả năng. Sự cố có thể xảy ra, thương hiệu có thể bị ảnh hưởng nhưng những khách hàng hiểu biết họ sẽ nhận ra DN cũng đã làm hết sức, đã gọi là rủi ro thì không ai mong muốn và có những rủi ro cũng khó để đoán định. Đã làm chủ đầu tư BĐS, nếu có sự cố không tránh được thì dù khu nhà được đặt tên gì, ít hay nhiều cũng bị ảnh hưởng.

* Nhà phát triển BĐS như "làm dâu trăm họ”, sản phẩm bàn giao không phải lúc nào cũng làm hài lòng tất cả khách hàng. Trong vai trò điều hành Phú Đông Group, ông có đề ra giải pháp gì để hạn chế tối đa những xung đột giữa DN và khách hàng?

- Đối với khách hàng, đặc biệt là người trẻ với tích luỹ còn hạn chế, căn nhà là tài sản rất lớn, nếu họ không hài lòng lúc nhận nhà, DN sẽ tìm hiểu nguyên do và giải quyết những khúc mắc của họ. Với Phú Đông, lúc nhận nhà, nếu khách không vừa ý, chúng tôi sẽ hoàn trả số tiền họ đã đóng, cộng với lãi suất bằng với lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 13 tháng. Chúng tôi hướng đến sự chia sẻ từ hai phía. Sự cam kết này của chúng tôi một mặt thể hiện niềm tin về chất lượng sản phẩm, mặt khác để đẩy tính trách nhiệm của DN lên cao.

Kỳ vọng của chúng tôi trong lĩnh vực BĐS cũng rất nhiều nhưng để hiện thực hóa phải tùy từng thời điểm và năng lực của Công ty, làm đúng khả năng, làm khu nhà nào dứt điểm khu nhà đó, không dàn trải để kiểm soát được chất lượng và rủi ro nếu có. Quan điểm của chúng tôi là "ăn chắc mặc bền", cẩn trọng, không phát triển quá nhanh, định hướng thời gian đầu phải làm sao sản phẩm tốt nhất có thể.

Tôi mong muốn làm thương hiệu từ chất lượng sản phẩm. Như tôi đã nói, việc được trải nghiệm trong hai môi trường làm việc ở Sacomreal và Him Lam Land đã hun đúc cho tôi ý thức về nhà ở hoàn thiện. Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, hơn chục năm sống trong căn hộ cao tầng, tôi phần nào hiểu được nhu cầu của cư dân về chốn an cư, phải đảm bảo an toàn, đầy đủ tiện ích và phải là nơi tái tạo năng lượng bởi đối tượng ở căn hộ phần lớn là người trẻ bận rộn, họ cần những điều cơ bản này.

* Được biết, với khu căn hộ Phú Đông Premier, một số tính năng của dự án đã được điều chỉnh theo hướng tăng tiện ích sống cho cư dân. Điều này đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận của DN, ông làm thế nào để thuyết phục được ban lãnh đạo của Công ty?

- Trước tiên, tôi hỏi ông chủ dự định xây dựng xong dự án này rồi ngưng hay sẽ kinh doanh tiếp. Nếu vẫn bước tiếp thì phải nghĩ đến những người sinh sống ở đấy, phải đảm bảo sự thoải mái cho họ. Việc tăng hạng mục này, giảm hạng mục kia nhằm đảm bảo tiện ích, lợi ích cho cư dân sẽ tạo nên giá trị lâu dài, uy tín cho DN, đảm bảo tính khả thi cho những dự án triển khai sau này. Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu sản phẩm khiếm khuyết sẽ rất dễ bị tụt lại.

Tại Phú Đông Premier, chúng tôi định hướng phát triển các hạng mục sao cho không va chạm về mặt lợi ích giữa cư dân và khách vãng lai. Phần trung tâm thương mại ở khối đế, thay vì có thể làm shophouse để bán thu lợi nhuận ngay nhưng chúng tôi chọn liên kết với thương hiệu bán lẻ có tiếng để kiểm soát, quản lý được chất lượng, đẳng cấp của toàn khu.

Hơn nữa, đây cũng là bước chuẩn bị tâm thế ăn chắc mặc bền cho DN, bởi thị trường BĐS không phải lúc nào cũng tốt, trung tâm thương mại được xem là tài sản tiết kiệm, tạo ra dòng tiền ổn định. Điều này tương tự việc chúng tôi đầu tư vào mảng giáo dục (trường học), một mặt phục vụ lợi ích cư dân, mặt khác tạo giá trị cho công trình và tạo nguồn thu ổn định cho DN.

* Trong vai trò đầu tàu DN, điều gì khiến ông trăn trở nhất?

- Tôi luôn quan niệm, người điều hành dù là DN hay một tổ chức đều có vai trò quan trọng, trước hết phải truyền được cảm hứng cho cấp dưới. Đồng thời, lãnh đạo DN phải cho mọi người thấy được và tin tưởng vào khả năng phát triển của DN. Tinh thần lạc quan và tin tưởng nhau giữa các thành viên trong một DN, một tổ chức là yếu tố quan trọng để xây dựng văn hóa chung cũng như sức mạnh của DN, của tổ chức đó.

Lãnh đạo có hai đức tính quan trọng để tạo cảm hứng và sự nể trọng của nhân viên, thứ nhất là phải làm gương trong cách cư xử, phong cách làm việc, thứ hai là đức tính hy sinh cho người khác, nhận việc khó, làm nhiều hơn người khác và phải dám chịu trách nhiệm, còn giỏi giang là chuyện đương nhiên.

Cảm ơn ông về những chia sẻ!

Nguyên Bảo - Hải Châu (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.