Sau nhiều đêm mất ngủ vì áp lực, CEO Motorola lúc đó, ông Greg Brown, đã đưa ra một quyết định táo bạo: Tách Motorola thành hai công ty độc lập và rút chân khỏi mảng di động. Đây chính là nước đi sáng suốt, cứu lấy một nửa của huyền thoại Motorola.
Vào giữa năm 2008, tập đoàn Motorola của Mỹ đối diện khó khăn tứ phía, và CEO Greg Brown của hãng bị chứng mất ngủ hành hạ.
Tình hình mảng điện thoại di động của Motorola ở thời điểm đó rất u ám, khi mà đối thủ iPhone của Apple quá mạnh, kinh tế Mỹ chìm vào suy thoái, và thậm chí Motorola còn bị cạnh tranh gay gắt từ những công ty Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo tạp chí Forbes, mọi suy nghĩ của CEO Brown bởi thế đều tập trung vào việc làm thế nào để vực dậy Motorola nhằm xoa dịu các cổ đông.
Sau nhiều đêm thức trắng vì áp lực công việc, CEO Brown ra quyết định chia tách Motorola làm hai công ty độc lập, một là Motorola Mobility bao gồm các mảng điện thoại và thiết bị giải mã truyền hình dưới sự lãnh đạo của CEO Sanjay Jha; và một là Motorola Solutions với các sản phẩm và dịch vụ phục vụ doanh nghiệp như radio hai chiều dành cho các cơ quan an ninh, máy đọc mã vạch… dưới sự lãnh đạo của chính ông Brown. Quyết định tách đôi tập đoàn này được thực hiện vào tháng 1/2011.
Trong một cuộc phỏng vấn cách đây ít ngày, CEO kiêm chủ tịch Motorola Solutions, ông Greg Brown, đã chia sẻ lại những suy nghĩ của ông khi đưa ra quyết định chia tách công ty thành hai công ty độc lập để cứu lấy công ty như thế nào. Ông Greg Brown hiểu nguy cơ sụp đổ đang đến gần. Ông nhìn thấy rõ điều đó khi trở thành CEO của Motorola vào năm 2008. Công ty, được biết đến với tư cách nhà sáng chế các thiết bị di động, máy bộ đàm, radio xe hơi, đã gặp phải mối đe dọa nghiêm trọng từ phía các nhà sản xuất khác. Motorola lúc đó đang trên bờ vực phá sản. Ông cho biết: “Công ty lúc đó đang thực sự gặp khó khăn. Mảng di động đang lỗ hàng trăm triệu USD mỗi quý. Thay đổi là một yêu cầu bức thiết và rất rõ ràng. Và chúng tôi phải làm cái gì đó khác”.
Sau khi chia tách, CEO Brown thừa nhận, ông hài lòng với việc sẽ lại chỉ có một Motorola. “Từ khi Motorola tách làm đôi, mỗi khi nghe báo chí nói đến tên công ty, mọi người lại băn khoăn đó là Motorola nào. Thương vụ của Google sẽ giúp làm rõ Motorola Solutions là ai”, ông Brown phát biểu.
Với lịch sử 82 năm hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, tập đoàn Motorola trước khi tách làm đôi đã tạo ra những bước đột phá của ngành, chẳng hạn cuộc gọi di động đầu tiên vào năm 1973. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng không ít lần thất bại, đặc biệt là gần như bỏ lỡ cuộc đua trên thị trường điện thoại thông minh béo bở, mở đầu cho những thách thức tài chính dẫn tới kết cục chia tách.
Số phận của Motorola Solutions
CEO Brown đã hạ quyết tâm không để những sai lầm như thế lặp lại lần nữa. Trọng tâm Motorola Solutions sau khi trở thành công ty độc lập là tạo ra những sản phẩm và dịch vụ không dây mới. Trên thực tế, công ty đã cung cấp các thiết bị cầm tay cho các doanh nghiệp như FedEx và UPS. Có thể dễ dàng bắt gặp nhân viên giao hàng chuyển phát của các công ty này sử dụng thiết bị của Motorola Solutions.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, ông Brown đã thay đổi hoàn toàn công ty huyền thoại này và tạo cho nó một thương hiệu mới – Motorola Solutions. Ông đã mạnh dạn bước chân ra khỏi mảng kinh doanh di động, tập trung vào các công nghệ liên lạc dành cho cách sát, lực lượng phòng cháy với các video, radio công nghệ cao và các thiết bị mạng để phòng tránh và đấu tranh với tội phạm.
Sự thay đổi này yêu cầu phải có một sự lãnh đạo mới. Như những gì ông Brown đã nói: “Tôi nghĩ rằng hành động thì quan trọng hơn lời nói. Thế nên chúng tôi tái cơ cấu lại các sản phẩm. Chúng tôi tái cơ cấu lại ban điều hành. Tôi nghĩ tôi đã không ngừng và liên tục thể hiện yêu cầu thay đổi”.
Và dường như sự lãnh đạo của ông Brown đã được đền đáp. Lượng đơn hàng dành cho công ty đang ở mức cao kỷ lục, cổ phiếu của hãng cũng tăng lên. Motorola Solutions bắt đầu giao dịch với Sàn chứng khoán New York từ năm 2011 với mức giá 37 USD/cổ phiếu, và hiện giá cố phiếu của công ty đang ở mức 84 USD.
Số phận của Motorola Mobility
Trong khi đó, nửa kia, Motorola Mobility vẫn trung thành với mảng di động và bước qua nhiều thăng trầm. Dù mới chỉ mua Motorola Mobility hồi 2012 với cái giá lên đến 12,5 tỷ USD, nhưng Google cho biết họ mua Motorola chủ yếu là để sở hữu chuỗi bằng sáng chế mà công ty này đang sở hữu. Sang 2014, khi mà mảng sản xuất di động của Motorola liên tiếp thua lỗ, Google đã tìm cách "bán tống bán tháo" bộ phận này đi. Lenovo là công ty đã "giang vòng tay" để thu nhận "vị lão làng" trong thế giới di động này với cái giá quá xa so với con số mà từng Google đưa ra. Nói một cách khác, Motorola bị rớt giá thảm hại, từ 12,5 tỷ USD năm 2012 xuống còn “số lẻ” 2,91 tỷ USD vào cuối tháng 1 năm 2014.
Ngay sau khi về tay Lenovo, Lenovo đã có nhiều động thại khiến người ta liên tưởng việc Lenovo thôn tính Motorola không khác nhiều so với HP mua lại Palm năm xưa. Cả hai thương vụ đều giống nhau theo nhiều cách và dường như, số phận của Motorola là lụi tàn như Palm. Lenovo từng thành công khi mua lại IBM năm 2005, thế nhưng điều đó không lặp lại với Motorola. Nguyên nhân được Lenovo lý giải là do " 2 công ty không hiểu nhau ". Sau 2 năm mua lại Motorola, Lenovo đã phải giảm bớt ít nhất 2.000 việc làm tại Mỹ. Công ty cũng từ vị trí thứ 3 tụt hạng xuống thứ 8 trong danh sách các hãng smartphone lớn nhất thế giới. Tháng 5/2016, Lenovo công bố báo cáo kết quả kinh doanh với thông tin đáng buồn: lần đầu tiên thua lỗ kể từ năm 2009. Các cuộc phỏng vấn với hàng chục nhân viên và cựu nhân viên Lenovo, Motorola cho thấy, sự hợp nhất kém hiệu quả giữa 2 công ty chỉ là một trong nhiều sai lầm của hãng công nghệ Trung Quốc.
Tháng 9/2016, theo thông tin trên trang Droid Life, Lenovo đã sa thải tiếp khoảng gần 2% trong tổng số 55.000 nhân viên của công ty trên toàn thế giới. Số nhân viên này chủ yếu ở bộ phận Motorola. Trong quý kết thúc vào tháng 9/2016, thị phần smartphone của Lenovo ở Trung Quốc chiếm chưa tới 2%, giảm từ khoảng 12% có được 3 năm trước đó, theo phân tích của IDC. Motorola tụt xuống vị trí thứ 6 ở Mỹ, trong khi từ 2014 tới 2015 hãng này nằm trong top 5. Doanh số điện thoại Motorola tại Trung Quốc cũng không đáng kể.
Bài học xương máu
Sau khi vực dậy lại công ty, ông Brown chia sẻ bài học xương máu mà ông rút ra được đó là đáng lẽ nên thay đổi nhân sự sớm hơn. Bởi theo ông có nhiều người ở lại với Motorola trong một thời gian rất dài và để thay thế họ là cả một quyết định khó khăn. Nhưng với ông, sai lầm lớn nhất chính là lãnh đạo sai người trong một thơi gian quá dài.
CEO Motorola Solutions cũng cho biết, lời khuyên lớn lao nhất ông nhận được chính là từ người vợ của mình, khi ông chia sẻ với bà về khó khăn của công ty, bà đã nói với ông: “Greg, anh có hai lựa chọn. Hoặc là thay đổi công ty hoặc là thay đổi cách anh nghĩ về nó. Bài học về sự lãnh đạo đó là: quyết định - hoặc là anh tự đưa ra quyết định, hoặc là họ ép anh đưa ra quyết định. Anh là người lãnh đạo, nếu anh là CEO, nếu mọi người kỳ vọng vào sự chỉ đạo từ phía anh, hãy đặt mình vào vị trí đó và làm việc cần làm”.
ICT News
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.