Theo ông Alexandre Dardy, Tổng giám đốc của Lazada Việt Nam sự đầu tư từ Alibaba sẽ hỗ trợ Lazada về các mặt công nghệ, thanh toán và logistics để cải thiện các dịch vụ của Lazada.
Một cú hích cho thị trường bán lẻ Đông Nam Á khi mới đây tập đoàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc là tập đoàn Alibaba (đang có cổ phiếu niêm yết tại Mỹ) đã quyết định chi ra 1 tỉ USD thâu tóm lượng cổ phần chi phối tại Lazada – một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Đông Nam Á hiện nay.Trong đó bao gồm khoản đầu tư gần 500 triệu USD để mua lại lượng cổ phiếu mới phát hành của Lazada và việc mua lại cổ phần từ những cổ đông chính hiện tại của Lazada.
Lazada được sáng lập bởi tập đoàn Rocket Internet của Đức vào 2012, có trụ sở chính tại Singapore, thị trường hoạt động được mở rộng đến Malaysia, Indonesisa, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Theo dữ liệu của hãng tin Reuters, 9 tháng đầu 2015, Lazada chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu 81% để đạt đến con số 190 triệu USD. Số lượng khách hàng được nghi nhận 7,3 triệu, tăng gấp 3 lần so với cùng kì năm trước. Như vậy sau thương vụ M&A với Alibaba, giá trị của Lazada được định giá vào khoảng 1,5 tỉ USD.
Để tìm hiểu tác động của thương vụ M&A đến tình hình hoạt động của Lazada Việt Nam và nguy cơ liệu hàng có nguồn gốc Trung Quốc có thế sẽ xuất hiện trên Lazada nhiều hơn, gây đe đọa đến hàng hóa trong nước, chúng tôi đã cuộc phỏng vấn ông Alexandre Dardy, Tổng giám đốc của Lazada Việt Nam.
Lazada đang tăng trưởng khá nhanh tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vì sao lãnh đạo công ty lại chọn thời điểm này để bán lại cho Tập đoàn Alibaba?
Thật ra, sự hợp tác lần này giữa hai bên giúp chúng tôi nâng cao khả năng mang đến các trải nghiệm trực tuyến cho cả người bán và khách hàng và qua đó giúp thương mại điện tử phát triển xứng với tiềm năng vốn có, nhất là trong bối cảnh các kênh bán lẻ hiện đại ở Đông Nam Á chỉ mới bắt đầu phát triển và còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng mạnh.
Với nguồn vốn đầu tư mới từ Alibaba, Lazada có kế hoạch gì để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam hay không?
Lazada luôn có phương châm cải tiến các trải nghiệm mua sắm trực tuyến lên mức độ ngày càng cao tại Việt Nam, tiếp tục góp phần hỗ trợ ngành thương mại điện tử trong nước phát triển với tiềm năng vốn có. Cụ thể hơn, sự đầu tư từ Alibaba sẽ hỗ trợ chúng tôi về các mặt công nghệ, thanh toán và logistics để cải thiện các dịch vụ của Lazada.
Nhưng sau thương vụ M&A với Alibaba, đã có một số ý lo ngại rằng, Alibaba sẽ mang nhiều hàng hơn của Trung Quốc đến bán tại Việt nam và khu vực Đông Nam Á. Chúng có thể sẽ mang đến sự cạnh tranh khốc liệt cho các nhà sản xuất trong nước. Ông suy nghĩ sao về điều này?
Mối quan hệ hợp tác giữa hai tập đoàn: Lazada và Alibaba mang đến sự hiệp lực mạnh mẽ, giúp thúc đẩy trải nghiệm mua sắm trực tuyến cho cả người mua và người bán. Sự hợp tác này còn mang lại nhiều sản phẩm từ khắp thế giới – không chỉ từ Trung Quốc – lên sàn giao dịch Lazada, và tất cả sẽ hướng đến cùng một mục đích là giúp người tiêu dùng có được những lựa chọn tốt nhất, dịch vụ tốt nhất cùng sự tiện lợi và giá trị.
Thật ra chính điều này còn góp phần hỗ trợ các nhà bán hàng trên Lazada hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ trong nước có cơ hội được phát triển kinh doanh bởi Lazada sẽ có thể học hỏi được từ người dẫn đầu trong thị trường thương mại điện tử toàn cầu hiện nay [ tức Alibaba].
Kết quả kinh doanh của Lazada Vietnam đến nay như thế nào? Thị phần thương mại điện tử của công ty hiện là bao nhiêu?
Chúng tôi có lẽ không thể chia sẻ chi tiết nhưng từ những ngày đầu hoạt động tại Việt Nam từ 2012 cho đến nay, Lazada Việt Nam đã xây dung hệ sinh thái thương mại điện tử dựa trên 3 yếu tố chính Marketing, Vận hành và Thương mại. Hệ sinh thái này đã thu hút được 3.000 nhà bán hàng và mang đến 500.000 sản phẩm thuộc 13 danh mục hang hóa khác nhau. Trang web lazada.vn nhận hơn 1,5 triệu lượt truy cập mỗi ngày trong mùa cao điểm (chiến dịch Cách mạng mua sắm). Lazada cũng đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics, xây dung 2 hệ thống nhà kho mới tại TP.HCM và 1 nhà kho ở Hà Nội cùng 35 điểm giao nhận trải dài toàn quốc.
Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện nay, Lazada đã thuê và đào tạo hơn 1.000 nhân viên trên khắp cả nước, trang bị cho họ những kiến thức và kĩ năng cần thiết trong bối cảnh thương mại điện tử nở rộ, đóng góp chung vào việc xây dựng một đội ngũ nhân lực sẵn sàng cho nhu cầu chung của thị trường trong nước.
Tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại điện tử Việt Nam trong các năm tới được dự báo sẽ “nóng” cỡ nào, thưa Ông?
Theo thống kê của hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, lĩnh vực e-commerce Ở Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng hơn 30% mỗi năm từ 2016 đến 2020. Chính vì lẽ đó, Lazada Việt Nam thật sự hứng khởi và lạc quan về tiềm năng của thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.
Xin cảm ơn về những chia sẻ nói trên!
Bình Minh (NDH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.