Đào Đức Dũng chia sẻ mình đã cố gắng làm việc thì cố gắng tận hưởng cuộc sống. Chứ nếu cứ cắm đầu vào làm để có tiền rồi ôm cục tiền đi ngủ thì sẽ không có động lực để làm việc tiếp.
CEO Học viện Doanh nhân và mục tiêu thành triệu phú ở tuổi 28
Đào Đức Dũng khẳng định: "Không làm thì thôi, đã làm là phải thật lớn".


Anh sinh năm 1987, nhưng hàng ngàn sinh viên tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác đã khá quen thuộc với cái tên diễn giả Đào Đức Dũng – Giám đốc điều hành Học viện Doanh nhân châu Á. Với các buổi thuyết giảng của anh, không ít sinh viên đã khởi nghiệp với mức thu nhập 5-15 triệu đồng/tháng, không ít em học sinh thay đổi tâm tính, yêu gia đình, yêu cuộc sống và có thành tích cao hơn trong học tập.

Trong buổi chiều mưa rét mướt ở Hà Nội, Đào Đức Dũng hẹn gặp tôi tại một quán cà phê ở đầu phố Thái Hà, nơi ngồi ở tầng 3, chúng tôi có thể nhìn xuống phố xá tấp nập, gần đó là những tòa nhà cao tầng mới xây rất hiện đại. Dũng bảo: “Khi mà ngồi trên cao, nhìn lại thành quả mình làm được thì thực sự rất thú vị.”.

Và tại đó, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cũng không kém phần thú vị về lĩnh vực kinh doanh giáo dục và cuộc sống riêng tư của một CEO trẻ.

Làm ở vị trí cao hay thấp không quan trọng

- Hiện nay, các bạn trẻ có hai sự lựa chọn trong việc xây dựng sự nghiệp, đó là làm thuê ở một vị trí cao trong doanh nghiệp nào đó, thứ hai là lập công ty riêng, trở thành một ông chủ. Điều gì đã khiến anh quyết định “ra riêng” và sớm trở thành Giám đốc điều hành của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục?

- Thực ra cá nhân tôi không thích lắm việc đi làm thuê ở vị trí cao. Cách đây hai năm thì tôi cũng đã đi làm ở nhiều công ty, tôi nhận ra rằng, vị trí cao hay thấp không quan trọng, mà đi làm bạn học được cái gì. Bởi làm ở vị trí cao, tầm bao quát cao hơn thì công việc chỉ trỏ là chủ yếu, mà chỉ trỏ thì không sâu sát được công việc.

- Sau khi có ý định như vậy thì những tác động trực tiếp nào khiến anh quyết định lập Học viện Doanh nhân châu Á?

- Có 3 yếu tố, đó là thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Về thiên thời, sau một thời gian đi diễn thuyết, giảng dạy thì bản thân cũng đã xây dựng được thương hiệu. Về địa lợi thì lĩnh vực đào tạo này khá mới lạ ở Việt Nam nên xây dựng tại thời điểm này là tương đối phù hợp. Về nhân hòa, tôi đã may mắn gặp một số người bạn và có được 2 người cùng ê kip rất tuyệt vời.

- Khởi đầu với các khóa đào tạo của Học viện Doanh nhân châu Á, nhưng anh đặt mục tiêu là sẽ trở thành một tập đoàn?

- Đúng vậy, sau một năm đã có chỗ đứng trong thị trường giáo dục thì chúng tôi dự kiến 2 năm nữa sẽ mở rộng công ty thành tập đoàn. Tập đoàn này sẽ hoạt động ở các lĩnh vực giáo dục, giải trí, du lịch và có thể sang cả bất động sản nữa.

- Tại sao không là một tập đoàn về giáo dục – đào tạo (ở nhiều lĩnh vực) mà gồm cả những mảng khác nữa?

- Tôi không nghĩ rằng mình sẽ chỉ làm riêng về giáo dục. Nói về góc độ kinh doanh thì các lĩnh vực này nó “link” nhau khá nhiều. Ví dụ như sau khi đi học các khóa học thì các bạn sẽ có mảng giải trí hoặc đi du lịch.

- Anh có tham vọng mở một trường đại học với chất lượng cao và có thương hiệu lớn?

- Thực ra thì khi mở Học viện Doanh nhân châu Á, tôi đã đặt mục tiêu đó sẽ là một trường đại học. Quan điểm của tôi là nếu không làm thì thôi, đã làm thì phải thật lớn. Hiện nay thì mô hình các trường dân lập rất nhiều, và tôi nghĩ sau này mình cũng sẽ mở rộng thành trường đại học với phương pháp giảng dạy hiện đại và chất lượng đào tạo cao chứ không mang tính chất đại trà.

Lạm phát không tác động tới việc định giá khóa học


- Đối với doanh nghiệp hiện tại, ra đời sau không ít doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, anh có thể khẳng định điều gì giúp anh cạnh tranh được với họ?

- Hiện nay có khá nhiều hình thức cạnh tranh, có công ty đưa ra hình thức rất sâu và mức giá cao, cũng có công ty (phần lớn) thu phí thấp, mở ồ ạt để tạo dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Tôi thì đánh vào học viên có gia đình thu nhập trung bình khá.

Còn về sự cạnh tranh thì đó là phương pháp giảng dạy. Nhiều khóa kỹ năng mềm đã mở ra nhưng chỉ tập trung ở kiến thức, và sau khi học xong thì các em không thay đổi. Chúng tôi thì tập trung sâu vào trí tuệ cảm xúc để các em yêu cuộc sống, yêu gia đình hơn, nỗ lực hơn. Sau khi học xong, các em sẽ có những thay đổi bằng cách xây dựng thói quen. Bởi vì cảm xúc làm cho các em ra quyết định và thói quen tạo nên sự thành công.

- Những người khi muốn cho con đi học các lớp kỹ năng mềm, các khóa học cảm xúc thường e ngại là không biết liệu trẻ có thay đổi thực sự không, hay chỉ được một thời gian rồi sau đó lại… đâu vào đấy! Với anh thì làm sao để đánh giá được hiệu quả thực sự công cuộc đào tạo của mình để hạn chế được tối đa tình trạng trên?

- Đó là bài toán mà những người làm giáo dục đang mắc phải. Chúng tôi đã sử dụng phương pháp là sau mỗi khóa học, học viên có viết cảm nhận, mỗi 1 tháng gọi điện cho phụ huynh một lần, 1 tuần thì gọi điện cho học sinh để chia sẻ với các em. Không thể mong đợi một khóa học nào mà toàn bộ các em đều thay đổi, nếu xét trên phương diện giáo dục thì tôi đánh giá khá cao, đó là 70-75%, còn lại là những em có thay đổi nhưng chưa rõ rệt và cần thêm thời gian.

- Kết quả đó có như anh kỳ vọng?

- Lúc đầu thì không như tôi kỳ vọng. Bởi vì tôi nghĩ rằng, với phương pháp như vậy, với đội ngũ giảng dạy như vậy thì tỷ lệ này phải đạt tới 90%, nhưng hóa ra nó không dễ như tôi tưởng.

Rồi sau khi khảo sát (tôi đã học ở hầu hết các khóa đào tạo về kỹ năng ở Việt Nam), tôi thấy rằng tỷ lệ này được đánh giá khá cao trong lĩnh vực giáo dục, và dù tôi chưa hài lòng nhưng đó là kết quả chấp nhận được.

- Tình hình lạm phát có tác động tới giá cả các khóa học của anh?

- Lạm phát không phải là tiêu chí để chúng tôi đánh giá mức giá các khóa học, nó cũng không có sự tác động tới điều đó. Không có chuyện xăng lên thì giá các khóa học cũng tăng lên, đó là điều vô lý. Chỉ khi nào chất lượng lên thì giá các khóa học lên mà thôi. Lúc đó thì do chúng tôi phải đầu tư thêm nhiều nghiên cứu hơn, nhiều trang thiết bị hơn, nhiều giáo trình hơn.

CEO Học viện Doanh nhân và mục tiêu thành triệu phú ở tuổi 28
Diễn giả Đào Đức Dũng trong buổi diễn thuyết 'Bí mật của những đại gia' tại trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.

Bố mẹ nhớ nhà cô giáo hơn tôi

- Thời gian qua dư luận xôn xao với việc anh còn trẻ thế mà thu nhập 4.000 USD/tháng, vậy anh tiêu tiền như thế nào?

- Thú thực thì tôi mong muốn mọi người nhìn nhận những giá trị tôi đã tác động hơn thay vì chỉ chăm chăm con số 4000 USD. Còn về việc chi tiêu thì cơ bản một phần lớn tôi dùng để tích lũy, một phần tương đối cho sinh hoạt hàng ngày, một phần chia sẻ cho gia đình. Chia sẻ thực sự là gia đình tôi không khá giả lắm, mẹ ở nhà làm nội trợ, bố lái xe tải, em gái đang là sinh viên của trường ĐH Hà Nội, và tôi đóng góp một phần cho việc sinh hoạt gia đình. Ngoài ra tôi dùng một phần thu nhập của mình để tái đầu tư.

- Còn các sở thích khác của anh thì sao?

- Nhiều bạn bè nói rằng tôi có hai cuộc sống, thậm chí có người nói tôi có hai mặt. Mặt thứ nhất là lúc đi làm thì tôi rất chỉn chu, nói chuyện như một ông cụ non. Nhưng khi thay bộ vest này ra thì tôi cũng như bất kỳ một thanh niên nào. Tôi có tất cả những sở thích của một thanh niên bình thường, cũng thích ham chơi, cũng thích đi ăn tối, thích karaoke, thích đi xem phim….

Đó là những sở thích mà tôi nghĩ rằng, mình đã cố gắng làm việc thì cố gắng tận hưởng cuộc sống. Chứ nếu mình cứ cắm đầu vào mà làm để có tiền thì sau đó ôm cục tiền đi ngủ thì sẽ không có động lực để làm việc tiếp.

- Tham gia nhiều khóa học về tỉ phí, triệu phú trên thế giới, rồi đào tạo các khóa học làm giàu, vậy bản thân anh có mong muốn trở thành triệu phú, tỉ phú?

- Đó không phải là mong muốn mà là điều chắc chắn. Chưa biết là có được hay không nhưng tôi có một niềm tin là chắc chắn làm được điều đó. Nhiều khi tôi không muốn chia sẻ điều này vì sẽ có người không hiểu sẽ cho rằng tôi “nói phét”. Nhưng có một câu nói rất là hay là “Hãy mơ ước vươn tới một vì sao, bởi vì cho dù bạn không vươn tới một vì sao thì bạn cũng sẽ với được một vài vì tinh tú. Cho dù bạn không với tới một vì tinh tú nào thì tay bạn cũng không bao giờ vấy bùn”. Cái việc đặt mục tiêu nó như niềm tin ấy, nó không có đúng, không có sai, bạn có đạt hay không không quan trọng nữa, mà khi đặt ra bạn đã nỗ lực.

- Nếu có gia đình, anh có “đặt mục tiêu” phải có con trai?

- Tôi không quan trọng chuyện nhất quyết phải có con trai, mà thực ra thì tôi còn thích có con gái hơn. Bởi vì con gái thì rất giàu tình cảm, và nếu có em thì con gái sẽ chăm sóc em tốt hơn.

- Từ bé đến lớn đã bao giờ anh bị bố mẹ đánh?

- Hồi cấp 2 tôi nghịch như quỷ sứ, bố mẹ còn nhớ nhà cô giáo hơn cả tôi. Lên cấp 3, khoảng lớp 11, tôi bắt đầu yêu đương thì thấy rằng mình là đàn ông thì chững chạc hơn một chút và ngoan hơn. Quả thực là tôi nghĩ mình may mắn nhờ các cô gái mà sớm nhận thức được điều đó, chứ không thì chưa biết đến lúc nào mới… ngoan được.

Theo Thủy Nguyên (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.