Tờ The Wall Street Journal (Mỹ) số ra mới đây đã có bài báo nói về trường hợp làm ăn ngược trào lưu của Tập đoàn quản lý, kinh doanh hệ thống cửa hàng bán lẻ Delhaize Group (Bỉ) tại Hy Lạp, tâm điểm của khủng hoảng công trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).

Đến thời điểm này, việc Hy Lạp rút lui hay ở lại Eurozone vẫn ở thế dùng dằng, chưa rõ ràng.

Delhaize kinh doanh ở Hy Lạp thông qua chuỗi siêu thị bán lẻ có tên là Alfa Beta. Alfa Beta là chuỗi siêu thị bán lẻ lớn thứ 2 ở Hy Lạp, chỉ sau Marinopoulos. Hiện Alfa Beta có khoảng 10.400 nhân viên, tăng so với con số 9.857 người vào cuối năm 2010.

Trong quý II/2012, Delhaize đã mở thêm được 6 cửa hàng mới trên toàn lãnh thổ Hy Lạp, đưa tổng số cửa hàng của Tập đoàn tại nước này lên con số 259. Chưa dừng lại ở đó, dự kiến, Delhaize sẽ sớm đầu tư 10 triệu euro xây dựng một kho chứa hàng lớn gần Thủ đô Athen. Số tiền này là khoản vay tín dụng với lãi suất ưu đãi của Chính phủ Hy Lạp.

Đây là điều gây ngạc nhiên cho rất nhiều người, bởi trong khi nhiều tập đoàn nước ngoài đều có xu hướng thu hẹp hoạt động, thậm chí rút lui khỏi Hy Lạp, thì Delhaize lại có động thái ngược lại là tiếp tục mở rộng quy mô và tầm hoạt động. Trong tháng 6 vừa qua, Carrefour, tập đoàn quản lý và kinh doanh hệ thống siêu thị bán lẻ lớn thứ 2 thế giới của Pháp (chỉ sau Wal- Mart của Mỹ) đã tháo lui khỏi Hy Lạp, sau khi bán đi toàn bộ cổ phần của mình trong liên doanh cho đối tác Marinopoulos Group (Hy Lạp) và chấp nhận một khoản lỗ không nhỏ so với vốn đầu tư ban đầu.

Khi được hỏi về bí quyết thành công của Delhaize, ông Pierre-Olivier Beckers, 52 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) Delhaize không giấu giếm: “Chúng tôi luôn cung cấp hàng hoá có xuất xứ địa phương, giá rẻ, chứ không phải hàng nhập khẩu, đắt tiền. Người tiêu dùng Hy Lạp đang có tâm lý dị ứng với hàng nhập khẩu, nên chúng tôi phải tìm cách khai thác tối đa nguồn hàng địa phương, với giá cả thật hợp lý. Đơn giản chỉ có vậy”.

Thực ra, nói thì dễ, song làm được thì cực khó, nhất là trong bối cảnh cả nước Hy Lạp đang ở tình trạng “thắt lưng buộc bụng” ở mức tối đa có thể. Kinh tế của Hy Lạp tiếp tục suy thoái. Theo báo cáo mới đây của Cơ quan thống kê Eurostat (Liên minh châu Âu – EU), hơn 15% trong tổng số 240 triệu euro (khoảng 300 triệu USD) cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ở Hy Lạp vay là nợ xấu.

Đương nhiên, không phải Delhaize đầu tư một cách liều lĩnh, không có tính toán. Bản thân ông Pierre-Olivier Beckers cũng thừa nhận, trong đầu ông luôn có sẵn vài kịch bản, trong đó có tính cả trường hợp xấu nhất là Hy Lạp rút lui ra khỏi Eurozone. “Chúng tôi luôn luôn phải chuẩn bị, sẵn sàng để không bị động. Không chuẩn bị cho tình huống xấu là vô trách nhiệm”, ông Pierre-Olivier Beckers nhấn mạnh.

Có trụ sở chính tại Brussels (Bỉ), Delhaize hiện có 2.700 siêu thị, cửa hàng tại Bỉ, Mỹ, Indonesia, Hy Lạp... (trong đó riêng ở Bỉ là hơn 800 cửa hàng), cùng 140.000 nhân viên. Doanh thu năm 2011 của Delhaize đạt hơn 20 tỷ euro, lợi nhuận thuần đạt trên 500 triệu USD. Trong quý II/2012, doanh thu của Delhaize đạt 5,7 tỷ euro, tăng 12% so với quý II/2011.

Ở châu Á, Delhaize hiện có mặt ở quốc gia duy nhất là Indonesia, thông qua Liên doanh P.T. Lion Super Indo, trong đó Delhaize nắm 51% cổ phần và Tập đoàn Salim sở hữu 49% cổ phần còn lại. Tính đến thời điểm này, P.T. Lion Super Indo đã có tổng cộng 66 siêu thị ở Indonesia và làm ăn có lãi khá.

Ông Pierre-Olivier Beckers có bằng cử nhân về kinh tế của Đại học Catholique de Louvain (Bỉ) và bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) của Đại học Harvard danh tiếng của Mỹ. Từ năm 1999, ông đã là CEO của Delhaize Group và giữ vị trí lãnh đạo này suốt 13 năm qua. Từ tháng 9/2002, ông còn đảm nhiệm luôn cả chức CEO Delhaize Chi nhánh tại Mỹ.

Nhiều chuyên gia nhận xét, ông Pierre-Olivier Beckers đã chọn phương thức kinh doanh khá khôn ngoan là tên thương hiệu chính Delhaize chỉ dùng ở Bỉ, còn ở Mỹ, Indonesia, Hy Lạp..., nơi mà Delhaize có dự án đầu tư thì đều dùng với các thương hiệu hoàn toàn mang tính địa phương. Tức là ông sử dụng phương thức địa phương hoá thương hiệu cho gần với khách hàng bản địa. Ở Mỹ, Delhaize hoạt động dưới các thương hiệu đặc sệt Mỹ, như Food Lion, Bottom Dollar Food, Harveys, Sweetbay, Bloom và Hannaford. Còn ở Hy Lạp là Alfa Beta; ở Serbia là Maxi và Tempo; ở Bosnia - Herzegovina là Maxi, Tempo và Tempo Express; ở Romania là Mega Image…

Dù kinh doanh khá tài, song ngay ở Bỉ, ông Pierre-Olivier Beckers được biết đến nhiều hơn dưới vai trò khác, mang nặng tính “long trọng viên” hơn. Ông hiện là Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia của Bỉ (đảm nhiệm 2 nhiệm kỳ, sẽ kết thúc vào năm 2013). Vào cuối tháng 7 vừa qua, tại khoá họp 124 của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tổ chức tại London (Anh), ông đã được bầu là thành viên của Ban lãnh đạo IOC.

Theo Trung Hiếu ( Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • CEO Delhaize Group tìm được “chìa khoá” thành công ở Hy Lạp

    CEO Delhaize Group tìm được “chìa khoá” thành công ở Hy Lạp

    01/09/2012 8:54 AM

    Tờ The Wall Street Journal (Mỹ) số ra mới đây đã có bài báo nói về trường hợp làm ăn ngược trào lưu của Tập đoàn quản lý, kinh doanh hệ thống cửa hàng bán lẻ Delhaize Group (Bỉ) tại Hy Lạp, tâm điểm của khủng hoảng công trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.