Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) có thu hút thêm các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường nợ và liệu một thị trường mua bán nợ sẽ hình thành? Không. Bởi VAMC không phải phép ảo thuật, đó chỉ là một bước đi đầu trên hành trình phải đi. Đây là quan điểm của Tổng giám đốc ngân hàng ANZ Việt Nam, ông Tareq Muhmood.

Tổng giám đốc ngân hàng ANZ Việt Nam, ông Tareq Muhmood. (Ảnh: ANZ cung cấp)

* Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nói rằng sẽ cho phép nhà đầu tư trong và ngoài nước mua lại nợ của VAMC khi công ty này đi vào hoạt động. Tức VAMC sẽ là tổ chức trung gian thu gom nợ từ các tổ chức tín dụng và bán lại trên thị trường, điều này sẽ giúp hình thành một thị trường mua bán nợ tại Việt Nam?

- Nói như vậy hơi sớm bởi thị trường nợ hiện còn phức tạp và không có hình thù rõ ràng.

Tôi nghĩ rằng VAMC sẽ tạo điều kiện để nợ xấu có thể được giao dịch. Song thách thức là việc định giá. Nếu tôi là một ngân hàng đang mắc vào nợ xấu và tôi muốn bán nó, có lẽ các nhà đầu tư sẵn sàng trả 30% giá trị nhưng các ngân hàng vẫn nghĩ rằng nó có giá trị 100% mặc dù là nợ dưới chuẩn. Vì vậy, kỹ thuật định giá tài sản là một vấn đề.

Nhưng tôi thấy một cơ hội như đã xảy ra với Malaysia hay Indonesia. Một hành động đầu tư tốt là mua nợ xấu và sau 5 năm công ty bắt đầu có lời. Đó là một cơ hội đầu tư. Nhưng điều này vẫn còn quá sớm để xảy ra ở Việt Nam bởi VAMC mới chỉ là bước đi đầu tiên.

* Vậy ông thấy các nhà đầu tư nước ngoài đón chờ việc này ra sao?

- Cách đây 2 tuần tôi đã ở Nhật Bản. Các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore dường như vẫn còn thái độ rất tích cực với Việt Nam. Và ngoài ra một số các nhà đầu tư phương Tây cũng đang quan tâm đến Việt Nam.

Tôi đã nhìn thấy rất nhiều món khai vị đầu tư và nhiều lợi ích đầu tư tại Việt Nam, và bởi vẫn còn nhiều lý do để đầu tư vào đây: chi phí nhân công vẫn rẻ, Việt Nam có một số hiệp định thương mại tốt với châu Á, thuế đối với đầu tư khá hấp dẫn. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng VAMC hoặc tỷ lệ nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến mục đích đầu tư.

Song nói như thế không có nghĩa Việt Nam không chịu cải thiện sức hấp dẫn, giữ cho mình đẹp trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí các nhà đầu tư địa phương cũng vậy bởi họ có thể đầu tư vào các quốc gia khác trong tương lai.

* Ông kỳ vọng gì vào VAMC?

- Việc ra đời VAMC không phải giải pháp kỳ diệu cho nền kinh tế và tiến trình tái cơ cấu ngân hàng. Đôi khi, một số ngân hàng có thể phục hồi khá nhanh chóng bởi vì họ làm ra lợi nhuận tốt. Một số ngân hàng khác sẽ được sáp nhập hoặc phải theo một số bước khác. Nhưng hành trình sẽ mất vài năm.

Sau khủng hoảng châu Á, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc phải mất ít nhất bốn năm để các nhà đầu tư quốc tế lấy lại lòng tin. Nếu nhìn vào mớ hỗn độn khủng hoảng tín dụng ở châu Âu: Cyprus, Iceland... không có một câu trả lời đơn giản đối với vấn đề đó. Và nước Mỹ cũng cần vài năm để phục hồi từ vấn đề nợ dưới chuẩn. Nhật Bản đã giải quyết vấn đề nợ xấu hai mươi năm và vẫn cần thêm thời gian. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng Việt Nam sẽ giải quyết nhanh thách thức này.

Việc ra đời VAMC chỉ là một bước đi trong quá trình cải thiện hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Tôi không nghĩ rằng đó là một giải pháp kỳ diệu, tuy tất cả chúng ta tin rằng một số hành động sẽ được thực hiện để giúp giảm nợ xấu trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng. Vì vậy, tôi quan tâm nhưng tôi không nghĩ một khi nó ra đời và sau đó đột nhiên mọi thứ đều tuyệt vời.

* Thưa ông, mức vốn điều lệ thấp có cản trở công ty tiến bước?

- Như tôi đã nói, VAMC không phải phép ảo thuật, đó chỉ là một bước đi. Vì vậy, hãy bắt đầu với sự kiện này và dõi theo tiến trình của nó. Không nên để ý chuyện vốn của VAMC lớn hay nhỏ, mà nó cần bắt đầu gây dựng một số việc và sau đó chúng ta có thể từ đó xem nó tác động thế nào. Nếu VAMC cho thấy kết quả tốt nó có thể giúp đỡ hệ thống ngân hàng, nhà đầu tư khác có thể bỏ thêm vốn.

Nhưng nhìn tổng thể, việc ra đời VAMC là một hành động quan trọng. Nhà đầu tư quốc tế và các cơ quan đánh giá tín nhiệm muốn thấy hành động này và họ không thể chờ đợi quá lâu. Không hành động rõ ràng, đúng lúc, Chính phủ không thể quản lý sự kỳ vọng của thị trường.

Từ góc nhìn của một ngân hàng nước ngoài khác, trong một báo cáo về thị trường mới đây, chuyên gia của HSBC cũng cho rằng việc thành lập VAMC cũng như các kế hoạch cụ thể chắc chắn để cải cách lĩnh vực ngân hàng, khu vực nhà nước cũng như đầu tư công là hết sức cần thiết để củng cố cam kết của chính phủ đối với ưu tiên phát triển bền vững. Hiện tại, khu vực tư nhân, nhất là lĩnh vực sản xuất, đang nỗ lực phục hồi để kéo cầu trong nước và đưa tăng trưởng đạt mức 5% cho năm 2013. Tuy nhiên, nếu không có các cải cách quan trọng để giải quyết vấn đề nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng, những động thái tiền tệ của NHNN sẽ không thể kích thích cầu tín dụng.

Một báo cáo khác về kinh tế Việt Nam được Ngân hàng Standard Chartered phát đi ngày 28-5 cũng cho rằng việc thành lập VAMC sau khi bị trì hoãn đã hứa hẹn sẽ giúp tháo gỡ phần nào những khó khăn cho thị trường. Từ đầu năm đến nay, quá trình tái cấu trúc đã diễn ra một cách chậm chạp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam từ 5,8% xuống 5,2%, phản ánh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu. Ngoài ra, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và phục hồi thị trường bất động sản cũng sẽ là chìa khóa đối với nhiệm vụ tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Báo cáo cũng băn khoăn, tuy Chính phủ dự kiến sẽ công bố bản kế hoạch tổng thể về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước vào tháng 6 và triển khai gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng cho vay mua nhà nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản nhưng những kế hoạch này vẫn chưa được công bố chi tiết.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • CEO ANZ: Chưa thể có thị trường mua bán nợ

    CEO ANZ: Chưa thể có thị trường mua bán nợ

    30/05/2013 1:34 PM

    Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) có thu hút thêm các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường nợ và liệu một thị trường mua bán nợ sẽ hình thành? Không. Bởi VAMC không phải phép ảo thuật, đó chỉ là một bước đi đầu trên hành trình phải đi. Đây là quan điểm của Tổng giám đốc ngân hàng ANZ Việt Nam, ông Tareq Muhmood.

  • TGĐ ANZ tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm “quản“ nợ xấu

    TGĐ ANZ tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm “quản“ nợ xấu

    16/11/2012 4:20 PM

    Bên lề Hội thảo “Cập nhật tình hình kinh tế và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam” do Ngân hàng ANZ tổ chức ngày 13/11, Tổng Giám đốc (TGĐ) Ngân hàng ANZ tại Việt Nam ông Tareq Muhmood, chia sẻ với báo chí kinh nghiệm quả lý nợ xấu.

  • Tổng giám đốc ngân hàng ANZ Việt Nam: “Điều hành ngân hàng như một đội bóng"

    Tổng giám đốc ngân hàng ANZ Việt Nam: “Điều hành ngân hàng như một đội bóng"

    20/09/2012 11:24 AM

    Ông Tareq Muhmood đã tiếp nhận vị trí Tổng giám đốc (CEO) ngân hàng ANZ Việt Nam cách đây hơn 1 năm với nhiều thách thức: phải đảm bảo mức tăng trưởng mạnh của ANZ tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều bất ổn với chính sách tiền tệ hay thay đổi và cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các ngân hàng.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.