Tập đoàn sản xuất tấm pin năng lượng Mặt trời First Solar (Mỹ) đã giao đơn vị thứ 3 tìm người mua dự án của họ tại Khu công nghiệp Đông Nam (Củ Chi, TP.HCM). Như vậy là dự án FDI trị giá 1,04 tỷ USD của TP.HCM đã chính thức chấm dứt.

Dự án của First Solar tại Củ Chi

Hiện tượng First Solar

Ngày 4/11/2011, Tập đoàn First Solar (Mỹ) phát đi thông cáo “tạm hoãn” ngay trong năm, sau 10 tháng được UBND TP.HCM cấp phép. Nhiều luồng thông tin đồn đoán, hoặc First Solar sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam, hoặc nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời này sẽ thu hẹp quy mô nhà máy đặt tại Khu công nghiệp (KCN) Đông Nam.

Còn nhớ, ông Tymen DeJong, Phó chủ tịch cấp cao Bộ phận sản xuất của Tập đoàn First Solar đã giải thích, do sự mất cân bằng cung - cầu về năng lượng Mặt trời trên thị trường toàn cầu nên tập đoàn này rất tiếc phải thông báo rằng, nhà máy First Solar tại KCN Đông Nam sẽ tạm hoãn việc sản xuất cho đến khi nhu cầu thị trường cần thêm nguồn cung từ nhà máy này.

Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 7/2012, dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời lại khiến thị trường xôn xao khi nhà tư vấn bất động sản của Mỹ, Cushman & Wakefield lên tiếng, họ đang đại diện cho First Solar để tìm nhà đầu tư (NĐT) mua lại nhà máy, hay nói đúng hơn là nhà xưởng.

Như vậy, thay vì đưa giai đoạn 1 của dự án đi vào sản xuất thương mại như lịch trình vạch sẵn trong giấy phép thì động thái này của First Solar xem như một lời chia tay với thị trường Việt Nam. Điều này sẽ không mấy bất ngờ với những ai theo dõi thông tin thường xuyên được phát đi từ Tập đoàn này, trước đó, trong bảng báo cáo quý I/2012 của First Solar cũng đã nhấn mạnh, họ đang trong quá trình cơ cấu lại năng lực sản xuất.

Không riêng gì Việt Nam, Tập đoàn cũng đã tạm hoãn việc xây dựng nhà máy tại Arizona (Mỹ) và nhà máy với 2 dây chuyền sản xuất tại Pháp.
Báo cáo của First Solar còn cho biết, tháng 3/2012, nhà máy tại Việt Nam được tổ chức để bán. Và cũng tính đến tháng 3, họ đã thiệt hại khoảng 92,2 triệu USD cho nhà máy, trong đó, chỉ tính trong 3 tháng đầu 2012, con số này là 29 triệu USD.

First Solar mong muốn sẽ hoàn tất việc bán nhà máy trong vòng 12 tháng tới, nhưng giá bán sẽ thấp hơn đáng kể so với chi phí xây dựng mà họ đã bỏ ra. Cụ thể, nhà xưởng mà First Solar đang rao bán bao gồm 113.000 m2, trong đó có 107.000m2 dành cho sản xuất công nghiệp (khu sản xuất và khu logistics), cùng 6.000m2 diện tích cao ốc văn phòng.

Bức tranh thu hút các “ông lớn”

Trên thực tế, First Solar không phải là trường hợp “cá biệt”, bởi không ít dự án trong lĩnh vực công nghệ cao đã đối diện với nhiều trở ngại khi đến với thị trường Việt Nam, trong đó có cả lý do chủ và khách quan.

Ngay như trường hợp của First Solar, do những tính toán sai lầm về nguồn cầu điện Mặt trời trên thế giới, dẫn đến việc liên tục đưa ra các kế hoạch mở rộng nhà máy và gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất pin năng lượng Mặt trời của Trung Quốc... mà CEO Rob Gillette của họ đã bị sa thải hồi quý IV/2011.

Không xuất phát từ nguyên nhân dự đoán sai, dự án Công viên Phần mềm Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM, liên doanh giữa Tập đoàn Teco, Đài Loan với Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn, Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng vốn đăng ký lên đến 1,2 tỷ USD lại bị thu hồi năm 2011, do chậm triển khai (khởi công từ năm 2008), cũng như giữa Thành phố lẫn nhà đầu tư không tìm được tiếng nói chung.

Nhìn lại bức tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TP.HCM hay nói rộng hơn là Việt Nam, trong hơn 4 năm trở lại đây, đa phần các dự án có vốn đăng ký tỷ đô đều đã lần lượt rơi rụng. Lẽ dĩ nhiên, không loại trừ nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động đến chiến lược của NĐT.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, đã có hiện tượng NĐT nước ngoài cố đánh bóng tên tuổi, sau một thời gian thì lộ diện về thực lực, dẫn đến dự án chậm triển khai, chuyển nhượng dự án... nhưng điều này chỉ xảy ra ở một vài trường hợp. Để ngăn chặn, chúng ta cần áp dụng những thông lệ quốc tế, trong đó, NĐT phải thực hiện ký gửi (đặt cọc) khi tham gia dự án.

Ngoài ra, để nắm được thông tin rõ về NĐT, cấp địa phương cần kết hợp với các cơ quan trung ương. Hơn nữa, Việt Nam phải xây dựng hàng rào kỹ thuật để chọn những doanh nghiệp có năng lực, cam kết đầu tư nghiêm túc và sử dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, chuyện đi hay ở không chỉ nằm ở bản thân NĐT, bởi vẫn có những dự án lớn, NĐT đủ năng lực nhưng “nội lực” của thị trường Việt Nam chưa “đua kịp”.

Trong đó, Intel là một ví dụ điển hình. Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và đoàn hơn 30 doanh nghiệp Mỹ đầu năm nay, phía Thành phố cũng nhìn nhận, nhà máy của Intel (tại Khu công nghệ cao TP.HCM) không chỉ góp vào ngân sách Thành phố hơn 13 triệu USD mà sẽ tạo việc làm cho 750 lao động (khi hoàn tất giải ngân).

Xét về mặt hiệu quả đầu tư, sản phẩm tại nhà máy Intel Việt Nam có tỷ lệ hao hụt thấp nhất trong 7 nhà máy của Intel trên toàn cầu. Song, trở ngại lớn nhất của Intel trong việc mở rộng tại đây là nguồn nhân lực, chủ yếu là trình độ ngoại ngữ lẫn kỹ năng của sinh viên Việt Nam vẫn khiến nhà đầu tư mất khá nhiều thời gian để đào tạo.

Không bàn sâu về mức độ giải ngân của Intel, trong cuộc trao đổi bên lề buổi gặp, ông Herb Cochran, Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam, cho rằng, con số 1 tỷ USD không phải nhỏ, với một NĐT uy tín như Intel, chuyện giải ngân như thế nào và các quyết định đầu tư chắc chắn phải được cân nhắc kỹ càng.

Theo Doanh nhân Sài Gòn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • First Solar: Gánh nặng ở lại

    First Solar: Gánh nặng ở lại

    10/10/2013 7:17 PM

    Số phận của dự án sản xuất pin Mặt trời First Solar trị giá 1,2 tỷ USD những tưởng đã yên sau khi tuyên bố hủy bỏ. Thế nhưng, giờ đây dự án nhiều trắc trở này tiếp tục "không yên" khi không thể bán được nhà xưởng.

  • Cái chết của First Solar

    Cái chết của First Solar

    12/07/2012 4:49 PM

    Tập đoàn sản xuất tấm pin năng lượng Mặt trời First Solar (Mỹ) đã giao đơn vị thứ 3 tìm người mua dự án của họ tại Khu công nghiệp Đông Nam (Củ Chi, TP.HCM). Như vậy là dự án FDI trị giá 1,04 tỷ USD của TP.HCM đã chính thức chấm dứt.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.