Ngày càng nhiều các chính trị gia trên thế giới bày tỏ quan điểm về Donald Trump. Một số người không ưa thậm chí so sánh ứng viên Tổng thống Mỹ với Adolf Hitler còn những ai yêu mến thì khen ngợi quan điểm thẳng thắng cùng cá tính mạnh mẽ của ông.
Ngoài lên tiếng về Donald Trump, chỉ có Tổng thống Nga Vladimir Putin và các chính trị gia cực hữu khen ngợi ông.
Mỹ, Donald Trump, ứng viên, ứng viên tổng thống, tỷ phú Mỹ, thế giới, lãnh đạo, lãnh đạo thế giới, nghĩ, bình luận, mô tả, nhận xét
Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: EPA)
Ngày 7/3, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đã đưa ra một trong những bình luận gay gắt nhất khi nói với báo Excelsior rằng, "giọng điệu the thé" của tỷ phú Trump khiến người ta nhớ đến Benito Mussolini và Hitler. Pena và nhiều chính trị gia Mexico khác rất tức giận trước tuyên bố của Trump rằng ông sẽ xây một bức tường để ngăn người nhập cư Mexico khỏi nước Mỹ và bắt Mexico phải thanh toán chi phí.
"Tôi sẽ không trả cho bức tường (chết tiệt) đó", cựu Tổng thống Mexico Vicente Fox tuyên bố tháng trước.
Rõ ràng, khả năng Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đã kích động "cảm giác tuyệt vọng" ở Mexico - báo USA Today dẫn lời ông Bill Richardson, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc và là cựu thống đốc New Mexico. Và ông Richardson nói thêm, không chỉ mỗi Mexico "lo sốt vó" trước triển vọng Trump vào Nhà Trắng.
Cam kết của Trump sẽ "xây dựng nước Mỹ vĩ đại trở lại" tiêu biểu cho một chính sách chủ nghĩa biệt lập, phản ánh tâm trạng vỡ mộng của nhiều cử tri Mỹ. Tuy nhiên, đó là một quan điểm khiến nhiều nhà lãnh đạo thế giới lo lắng.
"Thế giới than khóc bởi vì, bất chấp sai sót của chúng ta, thế giới vẫn muốn chúng ta đi đầu", ông Richardson bình luận thêm.
Ở châu Âu, nơi đang chật vật đối phó với khủng hoảng di dân, Phó Thủ tướng Đức Sigma Gabriel gọi Donald Trump cùng "tất cả những người cánh hữu dân túy không chỉ là mối đe dọa đối với hòa bình và gắn kết xã hội mà cả với phát triển kinh tế".
Hồi tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Anh David Cameron mô tả kêu gọi của tỷ phú Trump về một lệnh cấm tạm thời người Hồi giáo vào Mỹ là "sai trái, gây chia rẽ và ngớ ngẩn". Một số thành viên Quốc hội Anh thậm chí còn muốn cấm Trump đặt chân tới đất nước họ.
Còn ở Trung Đông, Thái tử Ảrập Xêút Alwaleed bin Talal bin Abdulaziz al-Saud cho rằng Donald Trump nên rút khỏi cuộc chạy đua bầu cử Mỹ. USA Today cho biết, cả hai đã lao vào một cuộc chiến trên truyền thông xã hội hồi cuối tháng 1, sau khi Trump đăng một bức ảnh chỉnh sửa của hãng Fox News, trong đó người dẫn chương trình Megyn Kelly đứng cạnh Thái tử Ảrập Xêút, kèm tuyên bố sai rằng ông này là người đồng sở hữu Fox News.
Alwaleed bin Talal bin Abdulaziz al-Saud - một nhà đầu tư nhỏ trong công ty mẹ của Fox News - than phiền về bức ảnh và tiết lộ, vào những năm 1990, chính ông đã giúp bảo lãnh Trump thoát khỏi những khó khăn về tài chính.
Trump cũng cãi vã với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ứng viên Tổng thống Mỹ đã hủy một chuyến thăm đã định tới Israel để gặp ông Netanyahu sau khi nhà lãnh đạo Israel chỉ trích kế hoạch cấm người Hồi giáo vào Mỹ của ông.
Tổng thống Ecuador Rafael Correa thì công kích Trump dữ dội, mỉa mai rằng ông thích chính trị gia này làm Tổng thống vì "điều đó sẽ vô cùng tồi tệ cho nước Mỹ".
Tổng thống Nga Vladimir Putin - trong số ít người ca ngợi Donald Trump - gọi ông trùm bất động sản Mỹ là một "người tài năng và nổi bật". Còn Jean-Marie Le Pen - cựu lãnh đạo Mặt trận Dân tộc phái hữu bài người nhập cư ở Pháp - viết trên Twitter: "Nếu tôi là người Mỹ, tôi sẽ bỏ phiếu cho Donald Trump".
Geert Wilders, người đứng đầu Đảng Tự do Hà Lan bài người nhập cư, cũng viết trên Twitter rằng Trump sẽ "tốt cho nước Mỹ, tốt cho châu Âu. Chúng ta cần những nhà lãnh đạo dũng cảm".
Thanh Hảo (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.