Văn hóa trở thành yếu tố được các tập đoàn đa quốc gia quan tâm nhiều hơn.

Năm 1990, Walmart quyết định vào thị trường Đức. Là các nhà bán lẻ lớn nhất thế giới với 3.800 cửa hàng tại Mỹ, Walmart gia tăng tiềm lực tại Đức bằng cách mua lại hai chuỗi bán lẻ đang hoạt động là Wertkauf (21 cửa hàng) và Interspar (74 cửa hàng).

Ngay ngày khai trương, Walmart đã "Mỹ hóa" hai chuỗi bán lẻ này khi cho nhân viên chào đón khách ở cửa với lời chúc một ngày tốt lành nhưng kết quả kinh doanh không hề tốt lành với Walmart. Công ty thua lỗ 150 triệu USD mỗi năm và phải bán lại cho đối thủ Metro.

Trong rất nhiều sai lầm được chỉ ra, Walmart thừa nhận đã "rất sai" khi đưa một người Mỹ phụ trách các hoạt động tại Đức và yêu cầu mọi nhân viên phải nói tiếng Anh.

Trường hợp của Walmart cho thấy, ứng xử với sự khác biệt văn hóa đang trở thành một kỹ năng có giá trị cho các tập đoàn đa quốc gia. Quá trình toàn cầu hóa, đặc biệt là sự nổi lên của các nước như Brazil và Trung Quốc, buộc các công ty phải kinh doanh và tiếp xúc với người tiêu dùng ở một phạm vi văn hóa rộng lớn hơn.

Các nhà quản lý phương Tây phải hiểu người tiêu dùng ở Sao Paulo và Bắc Kinh, cũng như mọi thị trường khác trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều công ty lại ít quan tâm tới vấn đề này. Walmart tiến vào thị trường Đức mà không hiểu được những yêu cầu sơ đẳng nhất về nền văn hóa Đức.

Cuốn sách "Cá không thể nhìn thấy nước" của Richard Lewis, một nhà ngôn ngữ học người Anh, nhấn mạnh: "Trở ngại lớn nhất để thành công trong toàn cầu hóa là sự bất lực của các công ty trong việc hiểu được thế giới quan và mong muốn của đối tác cũng như đối thủ cạnh tranh". Cuốn khảo cứu này cho rằng, thế giới có thể được chia thành ba nguyên mẫu văn hóa để áp dụng cho kinh doanh: hoạt động tuyến tính, đa hoạt động và phản ứng.

Văn hóa tuyến tính quan tâm tới quản lý kiểu chấm công và chi tiết phổ biến ở Bắc Mỹ và Bắc Âu. Dạng văn hóa đa hoạt động chú trọng cảm xúc và tính xã hội chiếm ưu thế trong các công ty ở miền nam châu Âu và châu Mỹ La tinh. Trong khi đó, văn hóa phản ứng nhấn mạnh sự hài hòa và thường thấy ở các công ty châu Á.

Tác giả nghiên cứu vòng đời của các công ty để chứng minh rằng nền văn hóa có nhiều lợi thế so sánh ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Sử dụng tiếng Anh có thể tốt tại các công ty khởi nghiệp nhưng sẽ xấu đi trong giai đoạn phát triển. Tính tập thể kỷ luật cao của Nhật Bản tốt cho công ty lớn khi đã có công thức thành công nhưng lại rất xấu khi phải tạo ra sự đổi mới đột phá.

Thất bại của Sony trước Apple hay Samsung là một ví dụ điển hình khi chậm thích nghi với thời đại số. Trong khi đó, văn hóa đa sắc tộc của Mỹ không chỉ thích nghi với các công ty khởi nghiệp mà còn tốt cho công ty lớn duy trì phát triển. Một lý do cho sự thành công của Steve Jobs là đưa được yếu tố chung của các nền văn hóa trong thiết kế các sản phẩm iPhone, iPad.

Các tác giả tiếp tục cho rằng các công ty có phong cách quản trị đa văn hóa có nhiều cơ hội thành công hơn. Họ có thể gửi các nhà quản lý học ở nước ngoài hoặc đưa người nước ngoài vào hội đồng quản trị.

Các công ty phương Tây đang nghiêm túc nhìn nhận yếu tố văn hóa trong kinh doanh và quản lý. Walmart có chính sách nhấn mạnh đến sự khác biệt của các nền văn hóa địa phương. Thậm chí, cửa hàng Walmart ở các thị trường Mỹ La tinh còn được gọi là Supermercados de Walmart. Các cửa hàng của McDonalds tại Mỹ rất khác so với tại Nhật Bản, Trung Quốc hay Ấn Độ, do McDonalds luôn chú trọng tìm hiểu văn hóa và ẩm thực địa phương.

Tại Trung Quốc, tất cả các loại burger gà đều sử dụng thịt đùi, thay vì thịt ức như truyền thống, theo sở thích của người dân nước này. McDonalds còn tổ chức bữa ăn Tết âm lịch với các món gà và trang trí cửa hàng bằng biểu tượng 12 con giáp. Các món thịt lợn hay thịt bò cũng không có trong thực đơn của hãng tại Ấn Độ để tôn trọng người theo đạo Hindu và Hồi giáo.

Tuy nhiên, các tập đoàn đa quốc gia ở thị trường mới nổi vẫn còn tụt hậu, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi có xu hướng được điều hành bởi các nhà quản lý địa phương có rất ít kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài. Do thất bại với việc tạo dựng các thương hiệu "Made in China" nên giới kinh doanh đại lục đang bỏ tiền để mua đứt các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.

Bên cạnh đó, các công ty đại lục cũng tích cực thuê quản lý nước ngoài. Chẳng hạn, mới đây Xiaomi là một tập đoàn smartphone Trung Quốc, đã thuê Hugo Barra Phó chủ tịch Phụ trách quản lý sản phẩmAndroid của Google để sớm đạt tham vọng đánh bại Apple.

Hà Cúc (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.