Khác mọi người, Trần Hoài Phương có 13 năm là sinh viên và học liên tục không ngừng nghỉ. Tốt nghiệp phổ thông lúc 17 tuổi, học đại học sớm một năm. Hai năm đầu học đại học Bách khoa TP.HCM, khoa Xây dựng, 6 năm tiếp học Nhạc viện, 5 năm học Kinh tế, năm cuối kinh tế nhận được học bổng AUPEL - UREF tại đại học Universite Aix - Marseill II, Pháp.

Như vậy khi tốt nghiệp đại học, anh đã tròm trèm 30 tuổi, hơi lớn để khởi nghiệp so với những tân sinh viên khác. Anh giải thích cho việc đột ngột dừng học đại học Bách khoa để vào Nhạc viện là vì vào thời điểm đó việc học chính quy tại Nhạc viện TP.HCM quá hấp dẫn và cảm thấy được trở thành một guitarist chuyên nghiệp như một đam mê trong đời.

Trần Hoài Phương đã có 20 năm làm việc trong ngành ngân hàng. Từ Standard Chartered Bank, Citi Bank, ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và bây giờ là BNP PARIBAS. Với ngân hàng này, anh đã có ba năm làm việc ở vị trí Giám đốc kinh doanh chi nhánh TP.HCM.

* Trong suy nghĩ của mình, có khi nào anh tính đến việc chọn ngành theo học ở Nhạc viện là nghề kiếm sống?

Đối với sinh viên trường nhạc, những người học hành nghiêm túc thì nguyện vọng của họ là khi ra trường sẽ được ở lại để giảng dạy tại trường. Đây mới là cơ hội lớn để họ gắn bó với trường, chứ ra ngoài là... bỏ luôn.

Khi vào học thì tôi nghĩ mình sẽ gắn bó, nhưng vào một dịp tình cờ nói chuyện với một giảng viên của trường, anh ấy nhận định nghề này khó thể dư giả để đỡ đần cho gia đình, chỉ có thể trở thành người thầy tốt mà thôi. Nghe vậy, tôi cũng có chút băn khoăn, sau khi suy nghĩ tôi quyết định buông đàn đi học kinh tế.

* Học sáu năm và buông cái rụp luôn vậy sao anh?

Không, tôi dùng kiến thức đã học sau khi tốt nghiệp Nhạc viện để kiếm thu nhập khi học Kinh tế. Dù học guitar cổ điển nhưng tôi lại có cơ hội chơi nhạc trẻ trước khi vào trường nhạc.

Chơi guitar bass ở phòng trà Maxim's. Phụ trách dàn nhạc tại Nhà Văn hóa Thanh niên, rồi tham gia ban nhạc violin tại bar nhạc dành cho người nước ngoài (City's Bar and Grill) cho đến khi nhận được học bổng du học ở Pháp vào năm cuối Đại học Kinh tế. Để thấy nói buông nhưng tôi vẫn... gắn bó đấy chứ.

* Nhưng thực tế là anh đã rẽ sang một hướng khác: chọn học và làm việc ngành ngân hàng để sống và cây đàn chỉ là ký ức?

Ba mẹ tôi đều là dân làm ngân hàng, vì thế việc quyết định không gắn bó với âm nhạc cổ điển và chuyển sang làm việc ở ngành tài chính - ngân hàng cho đến nay cũng là chọn lựa phù hợp với tôi. Cũng đã có lúc tôi nghĩ rằng sáu năm học Nhạc viện là một quá trình trong quá khứ, sẽ không quay trở lại với tôi nữa.

Tuy nhiên khi đến Pháp và tham quan gian hàng Thúy Nga Paris, tôi mua được một CD độc tấu guitar của một nhạc sĩ Tây Ban Nha chơi nhạc Đức Huy. Ngay lập tức trong tôi hình thành suy nghĩ của dân chơi đàn và người học kinh tế, đó là: “Tại sao một nhạc sĩ nước ngoài có thể làm CD guitar nhạc Việt Nam, còn mình thì không? Trước khi chuyển sang làm kinh tế, mình có nên làm một CD để kỷ niệm những năm học trường nhạc?”.

Nghĩ vậy nên tôi bắt tay vào làm, việc đầu tiên là chọn một nhạc sĩ ở Việt Nam cũng nghe được và bên kia bờ đại dương cũng chấp nhận. Thời đó, nhạc Phạm Duy chưa được phổ biến, chỉ có mỗi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi chọn mười bài của ông để soạn cho guitar độc tấu, với ý nghĩ thu xong CD này coi như một kỷ niệm chia tay cây đàn.

Nhưng vào thời điểm đó trình độ kỹ thuật của các phòng thu chưa cao, hoặc do tôi chưa tìm được chỗ thu tốt nên ý định thực hiện CD trước lúc “buông tay gác kiếm” cũng bị dừng lại, chuyện cây đàn coi như là chuyện trà dư tửu hậu và tôi chuyên tâm lo việc đi làm ngân hàng.

* Vậy cơ duyên nào khiến anh vẫn tiếp tục ôm đàn?

Sau đó, tôi vô tình kết nối được với một số thành viên chơi guitar cổ điển cả bên Mỹ và Việt Nam. Qua nhiều lần gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm chơi đàn, cảm giác khi mình chơi có người nghe và cùng chia sẻ đam mê guitar cổ điển - thời điểm đó các anh em chơi guitar ít có dịp gặp gỡ nhau nên việc tụ tập chơi đàn là hiếm hoi - đã làm cho tình yêu guitar cổ điển của tôi được hun đúc trở lại.

Khi tôi đem lại mười bài nhạc Trịnh đã soạn cho guitar cổ điển từ dự định làm CD lần trước chia sẻ với các bạn, mọi người rất thú vị. Sau đó ít lâu, tôi có dịp tham gia biểu diễn cùng một guitarist người Nhật ở Cung Hữu nghị Việt Xô ở Hà Nội và nhận được sự khích lệ lớn. Từ niềm cổ vũ đó, tôi quyết định tiến hành thu CD đã ấp ủ từ lâu mang tên “Góp lá mùa xuân” phát hành năm 2004.

* Anh có bạn đồng hành cho lần trở lại với tình yêu này sau gần ba mươi năm không?

Mấy mươi năm sau tôi cùng hai người bạn đồng hành là nghệ sĩ Nguyễn Trí Đoàn - hiện là giám đốc y khoa của phòng khám Victoria TP. Hồ Chí Minh, là guitarist duy nhất của Sài Gòn đoạt giải nhất cuộc thi guitar cổ điển ở Singapore - và nghệ sĩ Nguyễn Thanh Huy, trưởng khoa Guitar Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh - xem như là ba người chính thổi lại ngọn lửa guitar cổ điển gọi là guitar Phú Nhuận, bây giờ là guitar Sài Gòn.

* Các anh thổi lại ngọn lửa guitar cổ điển bằng cách nào?

Ví dụ, chúng tôi cố gắng duy trì hằng năm làm một tour biểu diễn guitar cổ điển vào tháng 12, bắt đầu từ Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh vào ngày 14/12, sau đó là Hà Nội và trên đường về sẽ ghé Đà Nẵng và Quảng Nam.

* Các anh có thường tham gia biểu diễn ở bên ngoài Việt Nam không?

So với nhiều anh em chơi đàn trong nước, tôi có nhiều cơ hội đi ra ngoài hơn, đi theo kiểu bán chính thức lẫn chính thức. Vào năm 2009, tôi và Nguyễn Thanh Huy cùng Huỳnh Bá Thơ đã đến “Ngôi nhà nghệ thuật” của Singapore và giao lưu với nhiều anh em chơi đàn ở Singapore, Hongkong, Mỹ, Canada, Nhật...

Vào tháng 12 năm ngoái, tôi và Nguyễn Thanh Huy có tham gia festival guitar quốc tế mang tính chất nhà nghề được tổ chức ở Malaysia với tư cách khách mời. Ở festival này, chúng tôi có dịp giao lưu với nhiều guitarist đến từ Anh, Đức, Thụy Điển...

Tôi nghĩ đây là chuyến đi có nhiều kỷ niệm tuyệt vời, rất có thể sẽ có một festival tương tự như thế được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2014.

* Và sau những chuyến đi trải nghiệm thực tế như vậy, anh có nghĩ trình độ chơi đàn giữa mình và bạn có nhiều chênh lệch?

Nếu so sánh với các bạn guitarist nhà nghề đang sống bằng nghề, theo nghĩa thuần túy như vậy, thì trình độ của các guitarist giỏi ở Việt Nam không hề thua kém. Mình chỉ thua nếu so sánh với những tay chơi đàn cự phách có tầm cỡ hiếm hoi trên thế giới, gọi đúng tên là dân “quái kiệt”, nhưng tôi nghĩ đó cũng là chuyện bình thường.

* Vậy hãy so sánh về cuộc sống của nghệ sĩ guitar ở Việt Nam và Malaysia - một nước châu Á và là nơi anh vừa tham gia festival trở về.

Dân guitarist Malaysia không sống bằng tiền bán vé khi tổ chức chương trình thuần bán vé vì bên đó người đi nghe guitar rất ít. Vì thế, mỗi năm, dân chơi guitar cổ điển chuyên nghiệp ở Malaysia sẽ phải tổ chức một festival và có một bài toán rất chặt chẽ.

Trong festival, họ phải bằng mọi cách mời cho được một “cây đa, cây đề” nổi tiếng trong làng guitar cổ điển thế giới để thu hút những guitarist khắp nơi đóng tiền tham gia trong ba ngày được tổ chức ở một nơi hoàn toàn riêng biệt, chỉ dành riêng cho tất cả các hoạt động liên quan đến guitar từ sáng đến tối.

Cách làm của họ được hiểu nhờ con gà để đẻ ra trứng. Cách làm đó sẽ giúp họ tồn tại trong một năm, thời gian còn lại họ dạy đàn vì trẻ em các gia đình ở Malaysia học đàn từ nhỏ là chuyện bình thường và phổ biến.

Các bậc phụ huynh cảm nhận con em mình đến độ tuổi và trình độ nhất định cần học guitar cổ điển, khác với trẻ em ở xứ mình. Vì thế, chỉ sợ thiếu thầy dạy chứ không lo không có người học.

Các bạn Malaysia rất ngạc nhiên khi ở Sài Gòn chúng tôi tổ chức những chương trình guitar cổ điển và bán vé, nhưng lại chưa thể tổ chức được festival như nước họ.

* Người chơi nhạc nhẹ và cổ điển có khác nhau?

Người chưa hiểu rõ nên sẽ cảm nhận cũng không giống nhau. Tôi nghĩ đối với người chơi nhạc nhẹ, 80% là năng khiếu, 20% là rèn luyện. Dân chơi nhạc cổ điển thì ngược lại, 80% là rèn luyện mang tính kỷ luật cao, 20% còn lại mới thuộc về năng khiếu. Dân chơi nhạc cổ điển cần có tổ chức, có phương pháp.

* Nói như anh, phải chăng việc theo học guitar cổ điển vất vả mà lại khó kiếm sống?

Không có nhạc cụ cổ điển nào vẫn sống, vẫn có chương trình biểu diễn định kỳ như guitar - dĩ nhiên không thể so sánh với nhạc nhẹ - nhưng không có nghĩa là theo học xong mà chẳng để làm gì.

Dĩ nhiên cũng có nhiều anh em, bằng cách này hay cách khác tuy không giàu như triệu phú nhưng vẫn có thể sống được với nghề, thậm chí thỉnh thoảng còn mua được vé đi nước ngoài xem festival nhạc cổ điển.

Có lần trong buổi nói chuyện với một guitarist người Canada, dù là dân guitar cổ điển nhưng anh ta lại chuyên chơi nhạc jazz để kiếm sống. Anh trả lời rất đơn giản với tôi rằng “có gì lạ đâu khi Phương làm ngân hàng kiếm sống, có tiền để tối về chơi guitar cổ điển. Tôi chơi nhạc jazz kiếm sống để tối về chơi guitar cổ điển”.

Nói vậy để hiểu những người chơi nhạc cổ điển ở khắp nơi trên thế giới - như mặc định - đã chọn cho mình một kiếp sống như thế. Một cuộc sống tuy không giàu nhưng đàng hoàng.

Nói vậy để hiểu một cách công bằng, không việc gì chúng ta lại “thê thảm hóa” tình trạng âm nhạc cổ điển tại Việt Nam, trái lại nên mong cho âm nhạc cổ điển Việt Nam sẽ đạt mức cao hơn, tiến tới sẽ giao lưu được với các nước khác trên thế giới, đồng nghĩa với việc phải tổ chức cho được một festival quốc tế.

* Vậy theo anh, điều gì là trở ngại khiến chúng ta chưa thể tổ chức được festival nhạc cổ điển tại Việt Nam?

Trở về từ festival ở Malaysia - một nước châu Á, tôi nhận ra chúng ta khó tổ chức được festival hơn nước bạn, không phải vì trình độ chơi đàn của chúng ta kém mà vì... trình độ tiếng Anh. Việc sử dụng tiếng Anh ở nước bạn là phổ biến và rất bình thường.

Trong ba ngày diễn ra festival, tất cả các buổi hội thảo, biểu diễn, dạy đàn đều được truyền tải bằng tiếng Anh. Nhưng nếu tổ chức festival ở Việt Nam thì không đơn giản, nếu không muốn nói đó là vấn đề lớn.

Tôi nói là vấn đề của chúng ta bởi vì riêng tính chất của âm nhạc là truyền tải cảm xúc, nếu cảm xúc phải thông qua kênh phiên dịch thì sẽ không còn sống động, giữ được màu sắc nguyên bản.

Vì vậy hiện nay trong trường nhạc, Nguyễn Thanh Huy - với tư cách là trưởng khoa - đã khuyến khích anh em sinh viên hiểu để các bạn ý thức được sự cần thiết của việc học và ứng dụng tiếng Anh trong nghề nghiệp học đàn, chơi đàn của mình sau này.

* Có người cho rằng phong trào chơi guitar cổ điển dạo này có vẻ không được yêu thích. Anh nghĩ sao?

Tôi đặc biệt không thích sử dụng từ “phong trào” và thường nói với anh em rằng có hai cụm từ chúng ta nên khai tử, không nên sử dụng cho guitar cổ điển, đó là “phong trào” và “câu lạc bộ”. Vì sao? Phong trào giống như một cái gì đó chết rồi và người ta làm mọi cách cho nó sống dậy.

Câu lạc bộ mang ý nghĩa không chuyên, như một “thú vui tao nhã” vậy. Những người chơi đàn cổ điển như chúng tôi được học hành đào tạo chính quy, phải rèn luyện liên tục, không thể nói chơi phong trào hay đàn như một thú vui tao nhã đâu.

Còn nói guitar cổ điển không được yêu thích, tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ ngay dân trong nghề như chúng tôi khi được mời tham dự một đêm biểu diễn nhạc cổ điển còn băn khoăn có nên đi dự hay không.

Đơn giản là cả ngày lao động đã quá mệt mỏi, phải can đảm lắm mới đến ngồi nghe chơi guitar cổ điển ở một khán phòng chưa đủ sang, đẹp và mát, âm thanh chưa hay, người chơi chưa tuyệt như khán phòng Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận.

Thêm nữa là khác với chương trình nhạc nhẹ thường vui và sôi động, chương trình guitar cổ điển kém hấp dẫn và khó nghe. Nhưng khán giả vẫn đến với tình yêu và lòng đam mê, như vậy sao có thể nói là không còn được yêu thích?

Và chúng tôi - những người đang cố duy trì loại hình âm nhạc này tại Sài Gòn - thật sự trân trọng tình yêu và tấm lòng của những khán giả yêu thích guitar cổ điển.

* Làm ngành ngân hàng cần cái đầu lạnh, trong khi người nghệ sĩ cần trái tim đầy cảm xúc và nóng ấm. Hai trạng thái này cùng song hành trong con người anh?

Nói thì nghe đơn giản lắm, con người tôi như vầy: Giờ cầm đàn, không nghĩ tới ngân hàng. Giờ làm ngân hàng, không nhớ mình từng chơi đàn.

* Rạch ròi vậy được sao anh?

Nói thì dễ, chứ xét nét chút thì cũng có ảnh hưởng. Khi tôi là dân chơi nhạc cổ điển, tôi rất quan tâm đến các nhận xét khen chê của khán giả, mình cần khán giả giúp để mình điều chỉnh, chơi như thế nào là tuyệt hơn, cảm xúc hơn.

Trong nghề nghiệp, mình cần đối tác. Nhờ chơi đàn, tôi “nghe” các đối tác kinh doanh của mình tốt hơn. Nghe họ để cố gắng đi đến tận cùng mong muốn của họ để có giải pháp tốt nhất cho họ.

Trong thời buổi kinh doanh cạnh tranh như hiện nay, giải pháp kinh doanh của ngân hàng nào cũng giống nhau. Nhưng nhờ chơi đàn, tôi có thêm cảm xúc để làm cho giải pháp kinh doanh của ngân hàng mình có điểm khác biệt và thiên hướng đi tìm sự khác biệt trở nên tự nhiên trong tôi.

Và những sự khác biệt của ngân hàng tôi luôn gây chú ý với các đối tác. Còn điều hay mà nhờ chơi đàn đem đến là tôi khá “nhuyễn” khi phát biểu ở vị trí cần thiết trong các sự kiện. Cảm xúc tuôn chảy như khi... chơi đàn vậy.

* Vậy thì đã bao giờ cảm xúc tuôn chảy như chơi đàn dẫn dắt anh có một quyết định đầy cảm xúc trong kinh doanh?

Không bao giờ và không thể. Vì ở môi trường ngân hàng chuyên nghiệp, những quyết định lớn không do một người mà cần sự thống nhất của nhiều người.

* Dân chơi guitar cổ điển có lãng mạn không anh?

Không, trái lại rất hiền.

* Ồ, tôi không nói hiền hay dữ. Chúng ta đang nói về tính lãng mạn...

Lãng mạn không xấu nhưng tôi phải khẳng định với bạn là những tay chơi guitar cổ điển rất chân chất.

* Nhưng thưa anh, chân chất vẫn lãng mạn được đấy!

Đúng, rất đúng. Nhưng tôi sẽ có cách để “giải quyết” với bạn chuyện này. Nhiều người nói với chúng tôi - những nghệ sĩ chơi guitar cổ điển - thế này: “Nói chuyện với các anh rất chán, chỉ khi nào các anh cầm đàn lên, các anh mới bớt chán thôi!”.

Tôi nói vậy để bạn hiểu toàn bộ khả năng “lãng mạn” mà chúng tôi chỉ có thể truyền đạt qua tiếng đàn. Vậy nôm na là ngôn ngữ lãng mạn của bọn tôi, nếu bạn muốn biết, nằm ở tiếng đàn mà thôi.

* Vậy theo anh, chúng ta phải làm gì để nhạc cổ điển ở Việt Nam nói chung và guitar cổ điển nói riêng sẽ có ngày đạt được mức cao hơn như hiện nay?

Nói một cách đơn giản thì chỉ cần guitar cổ điển có chỗ đứng công bằng, xứng đáng cho nó thôi. Đầu tiên là như thế! Khi đi ra ngoài, gặp gỡ nhiều, tôi nhận thấy nhạc cổ điển ở nước ngoài cũng có những khó khăn nhưng những khó khăn đó sẽ ít đi nếu được hỗ trợ.

Tôi dẫn chứng một ví dụ thực tế, chẳng hạn Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh có thể không xem các guitarist như những đối tác bất kỳ nào đó thuê khán phòng, mà xem họ như người nhà về chơi ở sân nhà.

Tiếp theo, các bạn trẻ và giới trí thức có cuộc sống phong phú có thể để dành một ngân sách nào đó cho âm nhạc cổ điển nói chung và guitar nói riêng. Và cuối cùng, các cơ quan có chức năng quản lý và tổ chức có thể có cách nhìn đặc thù hơn cho loại hình nghệ thuật này (so với nhạc nhẹ chẳng hạn).

Bên cạnh đó, các bạn trẻ đang đam mê nghệ thuật này - các bạn chính là những nhân tố rất quan trọng để thúc đẩy mong ước trên chóng thành hiện thực - cần làm sao giữ được ngọn lửa cho mình và không ngừng rèn luyện, kể cả kỹ năng ngoài đánh đàn như tiếng Anh chẳng hạn.

* Rất cảm ơn anh vì cuộc trao đổi thú vị này.

Phạm Tuyền (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Bí quyết: "Nghe" đối tác tốt hơn nhờ chơi đàn

    Bí quyết: "Nghe" đối tác tốt hơn nhờ chơi đàn

    24/11/2013 1:55 PM

    Khác mọi người, Trần Hoài Phương có 13 năm là sinh viên và học liên tục không ngừng nghỉ. Tốt nghiệp phổ thông lúc 17 tuổi, học đại học sớm một năm. Hai năm đầu học đại học Bách khoa TP.HCM, khoa Xây dựng, 6 năm tiếp học Nhạc viện, 5 năm học Kinh tế, năm cuối kinh tế nhận được học bổng AUPEL - UREF tại đại học Universite Aix - Marseill II, Pháp.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.