Từ lâu, các phương tiện truyền thông đại chúng không ngừng lên án các chiêu trò của một số công ty lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp để lừa đảo trục lợi. Tuy nhiên, không ít người, đặc biệt là các bạn sinh viên vẫn bị “ma lực” của những chiêu trò này hấp dẫn, để lại những hậu quả đáng tiếc.

“Ma trận” lừa đảo

Đối tượng mà các công ty đa cấp “giăng lưới” đa phần là các bạn sinh viên năm nhất, năm hai. Nắm bắt tâm lý các bạn trẻ muốn trau dồi kỹ năng sống và có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, các công ty này đã tung ra những lời ngon ngọt sẽ mang đến những khóa đào tạo kỹ năng mềm miễn phí và đặc biệt là hứa hẹn những khoản thu nhập “kếch xù”.

Đôi khi lại chính là lời dụ dỗ, lôi kéo của những người “đi trước” đang bị mất phương hướng vì sức hấp dẫn của đồng tiền mà tiếp tục lôi kéo bạn bè khác để tạo thành “mạng lưới” kinh doanh.

Tiến Mạnh, sinh viên Đại học Ngoại thương vô tình trở thành nạn nhân của chính bạn thân mình. Mạnh và Linh chơi thân với nhau nên khi nghe Linh giới thiệu về công việc làm thêm tại một công ty với thu nhập khá cao khiến Mạnh rất hứng thú. Trước lời khuyên “chân thành” của cậu bạn thân cùng với khoản tiền Linh khoe đã kiếm được chỉ trong thời gian ngắn khiến Mạnh tò mò và tới dự hội thảo theo chỉ dẫn của Linh.

Linh đưa Mạnh đến một hội thảo được tổ chức hoành tráng. Tại đó, không chỉ Linh mà rất nhiều thành viên khác trong trang phục lịch sự hết lời tán tụng những lợi ích có được khi Mạnh tham gia vào mạng lưới này. Mạnh kể: “Họ bủa vây em trong khoảng 30 phút, hết người này đến người kia ra sức tán dương công ty của họ và bảo em là, chi phí ban đầu chỉ có 2 triệu thôi nhưng về sau, khi em mời thêm được nhiều bạn bè vào mạng lưới thì thu nhập mỗi tháng của em có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.”

Trở về nhà, Mạnh đã tìm hiểu thêm thông tin về kinh doanh đa cấp và cố gắng thuyết phục Linh không đi theo con đường này nữa, nhưng Linh nhất quyết không từ bỏ và tiếp tục rủ thêm những bạn bè khác.


Các hội thảo thu hút hàng trăm bạn trẻ tham dự. Nguồn: Internet.

Kết cục được báo trước

Lôi kéo Mạnh vào mạng lưới kinh doanh đa cấp nhưng bản thân Linh cũng là nạn nhân của mô hình lừa đảo này.

Trước đây, một lần ngồi ở sân trường online facebook, một thanh niên đến ngồi cạnh Linh làm quen rồi hỏi có muốn học thêm kỹ năng mềm không vì thấy cậu nhút nhát quá. Người này hứa hẹn giới thiệu Linh vào lớp kỹ năng mềm dành cho những bạn trẻ như Linh lại không phải đóng học phí. Tiếp đó, người thanh niên xin số điện thoại, facebook của Linh rồi dần dần lôi kéo cậu vào mạng lưới đa cấp.

Vốn bản tính hiền lành lại nhẹ dạ cả tin, không bao lâu sau Linh đã bước sâu vào mạng lưới này. Thậm chí cậu còn lừa bố mẹ xin tiền đóng học phí hay học thêm để có tiền “kinh doanh”. Bạn bè thấy vậy hết lời khuyên giải Linh nhưng cậu không hề lay chuyển. Có lần Linh còn có ý thuyết phục cả mẹ mình tham gia vào kinh doanh đa cấp.

Không đủ tiền để “đóng góp” cho công ty đang làm, nhân dịp bạn bè về quê nghỉ hè, Linh gọi điện hỏi mượn máy tính của người bạn ở phòng trọ bên cạnh. Cậu bạn phòng bên không hề nghi ngờ đã đồng ý cho Linh mượn máy. Và rồi chiếc máy tính để bàn trị giá hơn 4 triệu được mượn “dài hạn” còn Linh cũng chuyển nhà trọ và không thể liên lạc được nữa.

Không giống như Linh, một số ít bạn sinh viên nhanh nhẹn và khôn khéo đã kiếm được món lời kha khá khi tham gia kinh doanh đa cấp. Phúc Đạt, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã làm nhân viên cho một công ty đa cấp từ năm thứ nhất. Bằng sự khéo léo, Đạt đã lôi kéo được một số bạn bè vào mạng lưới của mình. Đến năm thứ hai, cậu còn trở thành “diễn giả” trong các cuộc hội thảo được tổ chức để giới thiệu về kỹ năng “làm giàu không khó” cho những người mới.

Đạt kể: “Vào tối thứ 4 hàng tuần là mình như trở thành một người hoàn toàn khác. Mặc comple, đầu tóc chải bóng mượt và sức một chút nước hoa, thậm chí còn có cả xe con của công ty đến đón tới hội thảo.”

Trong hai năm đầu Đại học, có những tháng tiền lương của Đạt lên tới 20 triệu đồng, đủ cho cậu thỏa sức mua xe máy, điện thoại Iphone và gửi về cho gia đình.

Tuy nhiên, trường hợp của Đạt là vô cùng hiếm hoi trong số những bạn trẻ tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp. Không phải bạn trẻ nào cũng đủ khôn khéo để có thể tồn tại và phát triển trong môi trường đó. Hầu hết các bạn đều sa vào cái lưới đã được giăng sẵn để rồi phung phí một khoản tiền tương đối lớn so với cuộc sống sinh viên để được trở thành thành viên của một công ty đa cấp. Xót xa hơn, bản thân những bạn trẻ này còn mất đi niềm tin của bạn bè, người thân, dần cô lập mình trong chính “mạng lưới” mà họ đang muốn tạo ra.

Để không rơi vào “bẫy người” của các công ty đa cấp, các bạn trẻ phải xác định được mục tiêu quan trọng nhất là học tập. Bên cạnh đó, trước những cơ hội mở ra quá hậu hĩnh trước mắt cần có sự phân tích và suy nghĩ chín chắn, đồng thời cần tham khảo ý kiến cha mẹ và những người xung quanh để tránh đi vào vết xe đổ mà rất nhiều bạn trẻ đã mắc phải.

Thảo Nguyên (Báo Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.