“ Đề nghị Hội đồng xét xử nếu chưa đủ chứng cứ, tài liệu đừng tuyên án vào những ngày tới vì nếu tuyên án có nghĩa là bản án đã được định đoạt từ trước, oan nghiệt cho chúng tôi”, ông Nguyễn Đức Kiên đã nói những lời sau cùng như vậy trước khi tòa tuyên bố sẽ tuyên án trong 7 ngày tới (9/6).

Bầu Kiên khẳng định mình vô tội. Ảnh: Lan Nhi.

Sáng ngày 2/6, Hội đồng xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm cho phép các bị cáo nói lời sau cùng.

Ông Kiên nói luôn về những hệ quả liên quan đến vụ án. Ông cho rằng, dù có phải bán cổ phần tại ngân hàng Vietbank, ông vẫn yêu cầu gia đình phải ở lại, gắn bó với ngân hàng ACB. “Tôi không bao giờ phá sản”, theo lời ông Kiên. Và cho rằng, cơ quan điều tra nói ông có ý định lũng đoạn thị trường chứng khoán, ngân hàng nhưng bản thân ông này đã đóng góp nhiều cho thị trường ngân hàng.

Theo lời ông, khi biết thị trường chứng khoán đầu những năm 2.000 có nhiều kẽ hở, ông này đã cùng ông Lý Xuân Hải - nguyên Tổng giám đốc ngân hàng ACB đã viết một bản báo cáo về những kẽ hở này mà những người có ý định có thể lợi dụng được trình lên các cấp lãnh đạo Đảng và nhà nước. Từ đó các cấp lãnh đạo chỉ đạo các bộ ngành ra được các quy định chống thao túng giá trên thị trường.

Ông Kiên cho rằng mình cũng là người có công tham gia xây dựng Đề án phát triển thị trường ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2005-2015, tầm nhìn 2020, chấn chỉnh hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần. Ông nhấn mạnh trong số 30 ngân hàng TMCP và 5 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước thì có ba ngân hàng TMCP nhà nước gặp vấn đề lớn, cần phải chấn chỉnh để tránh rủi ro. Và bên cạnh đó, việc sắp xếp lại các ngân hàng thương mại không phải là số học mà phải “ ngân hàng mạnh kèm ngân hàng yếu”, làm sao không để các ngân hàng nước ngoài thôn tính.

“Có thể tôi phạm những sai sót và phải trả giá”, ông Kiên thừa nhận. Nhưng ông này tin rằng bản thân không có tội và có đầy đủ khả năng chứng minh mình vô tội. Vị này cũng đề nghị cho mình được tại ngoại để chữa bệnh và không trốn chạy, xem xét bỏ kiến nghị phong tỏa tài sản, kê biên không hợp pháp.

Bị can Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB cũng giải thích cho HĐXX hiểu rằng, nhóm lợi ích mà ông này và các đồng phạm bị quy tội không phải là “nhóm lợi ích” như bị quy kết. Ông Hải nói rằng nhóm lợi ích của ông là 15.000 cán bộ, nhân viên ngân hàng ACB và gia đình họ, các cam kết phải thực hiện với hàng trăm ngàn khách hàng. “Nhóm lợi ích mà chúng tôi phục vụ còn là phúc lợi xã hội để xây cầu, xây đường...”, theo ông Hải.

Ông vẫn khẳng định việc không cố ý làm trái như quy kết trong cáo trạng với đầy đủ các dẫn chứng (không chỉ đạo cấp tiền cho ACBS mua cổ phiếu ACB, không chỉ đạo ký hợp đồng ủy thác tiền gửi ở Vietinbank và việc này chưa gây ra hậu quả vì trách nhiệm của Vietinbank ở đây là phải trả tiền...).

“Hệ quả phiên tòa ngày hôm nay không chỉ quyết định số phận của tôi mà còn tác động đến hàng ngàn những người làm quản lý nhà nước, các doanh nghiệp. Họ làm việc mà không biết việc mình làm có phạm tội hay không”, ông Hải nói. Và đề nghị hãy nhìn việc ông và HĐQT ACB từng làm trong diện rộng hơn, không chỉ nhìn vào điều 106 Luật các TCTD, để nhìn thấy toàn bộ bức tranh ngành ngân hàng và hiểu vì sao các lãnh đạo ngân hàng ACB phải làm như vậy.

“Đừng cắt nhỏ một phần trong chuỗi hoạt động kinh doanh của một ngân hàng rồi kết tội”, ông Hải nói. Ông đề nghị HĐXX xem xét việc ông làm trong một môi trường pháp ý chưa hoàn thiện, không thể dùng hồi tố, suy luận. Và từ đó, ra phán quyết trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng để ông và các đồng nghiệp tin rằng công lý vẫn tồn tại.

Lan Nhi (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.