Sáng 31/3, với đa số phiếu tán thành, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã đắc cử chức Chủ tịch Quốc hội.
Theo kết quả kiểm phiếu, trong số 484 phiếu phát ra, 472 đại biểu đồng ý bầu bà Ngân giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội (chiếm 95,5% tổng số đại biểu Quốc hội). 9 phiếu không đồng ý, 3 phiếu không hợp lệ.
Với chức vụ Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, số đại biểu nhất trí bầu bà Ngân là 467.
Quốc hội sau đó đã thông qua nghị quyết bầu 2 chức danh này.
Trong lời tuyên thệ sau đó, tân Chủ tịch Quốc hội thề tuyên thệ tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
"Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó", tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ.
Sáng nay, sau nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chiều qua, Quốc hội bắt đầu ngày làm việc với báo cáo kết quả tiếp thu thảo luận tại đoàn về ứng viên Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Chiều 30/3, sau khi Quốc hội miễn nhiệm ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu bầu tân Chủ tịch Quốc hội sáng 31/3. Ảnh: N.H.
8h15 phút sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu kín bầu tân Chủ tịch Quốc hội. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội đương nhiệm là nhân sự duy nhất được giới thiệu bầu chức danh này.
Nếu trúng cử, bà Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ là nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Hoàng Hà.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp khi nhậm chức.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, sinh năm 1954, quê xã Châu Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre; có trình độ thạc sĩ Kinh tế.
Bà là Ủy viên Trung ương Đảng liên tục 4 khóa IX, X, XI, XII;
Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII.
Miễn nhiệm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Cuối phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình miễn nhiệm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đại biểu sẽ thảo luận nội dung này tại đoàn.
Từ 15h, kết quả thảo luận được báo cáo để đại biểu bỏ phiếu kín miễn nhiệm Chủ tịch nước. Sau kết quả bỏ phiếu, đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết miễn nhiệm. Danh sách đề cử vị trí Chủ tịch nước sẽ được thảo luận tại đoàn và bỏ phiếu bầu vào ngày thứ bảy, 2/4.
Theo thông tin từ Đại hội Đảng lần thứ XII, người được giới thiệu kế nhiệm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.
Ông Trương Tấn Sang năm nay 67 tuổi, quê tại xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Ông Trương Tấn Sang. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ông Trương Tấn Sang là Ủy viên Trung ương Đảng từ năm 1991, và Ủy viên Bộ Chính trị từ năm 1996 tới nay; Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI và XIII.
Trước khi giữ cương vị Chủ tịch nước vào tháng 7/2011, ông Trương Tấn Sang từng đảm trách các chức vụ như Bí thư Thành ủy TP HCM, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Thường trực Ban bí thư.
Tại Đại hội Đảng lần thứ XII, ông cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không tham gia Ban chấp hành khoá mới.
Công Khanh (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.