Hơn một tiếng trò chuyện với Ken La, Giám đốc Công ty United Vision, có ít nhất năm lần anh nhắc về mẹ - bà Lương Lệ Lan, Giám đốc Công ty TNHH TM Lá Phong. Ken nói: "Mẹ là người cho tôi động lực để tôi tự tin khởi nghiệp. Tôi đã học được rất nhiều điều từ mẹ, đó là triết lý lãnh đạo: Lấy tâm để thu phục lòng người, nghị lực chống chọi trước khó khăn, bền bỉ với con đường mình đã chọn". Từ chia sẻ của Ken, tôi đã tìm gặp Giám đốc Công ty Lá Phong. Mở đầu câu chuyện, bà đã nhắc đến Ken:

- Ken là đứa con được tôi dành rất nhiều tình thương. Bởi, trong buổi lập nghiệp "vạn sự khởi đầu nan" của vợ chồng tôi, Ken đã chịu nhiều thiệt thòi do công việc kinh doanh bận rộn nên thời gian gần gũi, chăm sóc con của tôi cũng bị chi phối.

Từ bé Ken đã ít nói nhưng sống rất tình cảm. Có những đêm tôi bận công việc ở xưởng phải về muộn, dù nhà rất xa nhưng Ken vẫn đạp xe đến xưởng phụ tôi đến 4, 5 giờ sáng.

Khi phải đi học ở nước ngoài, mỗi dịp sinh nhật tôi hoặc "Ngày của Mẹ”, Ken ngồi xếp hàng trăm ngôi sao may mắn gửi về cho tôi. Có lần tôi bị tai nạn, Ken thức mấy đêm liền ngồi xếp những con hạc giấy, cầu nguyện cho tôi mau bình phục.

Tôi giữ tất cả hạc giấy và ngôi sao may mắn đó và thấy mình là một người mẹ hạnh phúc.

* Đa số các bà mẹ trải qua thời kỳ khó khăn, khi khấm khá hơn đều muốn bù đắp cho con sự thoải mái về vật chất, chắc hẳn với tình cảm dành cho con nhiều đến vậy, bà cũng chiều con như thế?

- Tôi không chiều con bằng cách cho xài tiền thoải mái, ngược lại rất khe khắt và luôn dạy con ý thức tiết kiệm, biết tôn trọng sức lao động và đồng tiền cha mẹ làm ra.

Khi Ken học lớp 11, mỗi ngày tôi chỉ cho con vài ngàn đồng đủ để ăn sáng, gửi xe. Khi Ken đi du học, dù có đủ điều kiện nhưng tôi vẫn để Ken đi làm thêm.

Vào mùa Đông giá rét, thấy con phải đi giao hàng giữa trời lạnh -30oC, tôi xót ruột lắm, có lúc thương con ngồi khóc thầm nhưng vẫn phải cứng rắn tự nhủ: Cái vốn lớn nhất mình cho con không phải là tiền mà là kiến thức, khả năng lao động, sự bươn chải để từ đó rèn giũa cho con nghị lực sống.

Song, điều may mắn là Ken cũng rất ý thức việc tự lập, thấy tôi khóc, Ken nói: "Con cần những trải nghiệm như vậy cho sau này. Con cần hiểu được cách vận hành một kho hàng thế nào, cách vay tiền ra sao để không mất nhiều phí từ ngân hàng, cách kinh doanh một sản phẩm trước khi về Việt Nam".

Cũng nhờ lao động, Ken rất quý trọng thành quả của mình. Vì vậy, dù tự kiếm ra tiền và ngay cả bây giờ, là giám đốc một công ty, Ken cũng vẫn làm việc như mọi nhân viên và không xài tiền tự do, phung phí.

* Hiện nay, nhiều doanh nhân cũng giống như bà, chấp nhận đầu tư vốn cho con mở công ty riêng. Song, thực chất họ vẫn nắm quyền điều hành và các "giám đốc con" chỉ là người "có danh không quyền". Quan điểm của bà về việc này như thế nào?

- Từ quan điểm của tôi về cách dạy con: Không cho con tiền của mà cho kiến thức, nên khi thấy Ken đã học hành đến nơi đến chốn, đủ kiến thức và muốn ra lập nghiệp, tôi ủng hộ ngay.

Bởi nếu mình lo ngại, không cho con tự lập, không cho quyền nó tự quyết định, điều hành công ty thì con sẽ không có điều kiện để trưởng thành và điều đó cũng sẽ làm mất đi tính sáng tạo của tuổi trẻ.

Dĩ nhiên là trước khi đồng tình tôi cũng phải xem xét kỹ mọi thứ, sau đó là chấp nhận mất mát, rủi ro, thậm chí đôi lúc biết quyết định của con không đúng, có thể gây thiệt hại nhưng tôi vẫn chấp nhận.

Bản thân tôi cũng từng thất bại mới khôn lên. Vì vậy, tôi muốn con mình cũng phải trải nghiệm, chỉ khi chính mình đối đầu với thất bại mới ngộ ra nhiều kinh nghiệm quý báu, và có ngã xuống mới biết cách tự đứng lên như thế nào.

* Từ giáo viên trở thành người kinh doanh, rồi làm giám đốc, lãnh đạo hàng trăm nhân viên ở hai lĩnh vực may mặc và sản xuất bao bì. Mỗi một nấc thang đó, bà có cảm thấy áp lực không?

- Mồ côi mẹ từ nhỏ nên cuộc sống của tôi rất thiếu thốn, vất vả. Khi lập gia đình, có con, áp lực đầu tiên của tôi là phải làm gì đó để vươn lên, thoát khỏi cảnh nghèo khó và nhất là để con không phải khổ như mình.

Thời gian làm giáo viên, tối vừa đi dạy, vừa đi may gia công cho một công ty. Sau hai năm, tôi ra riêng mở một xưởng may quần áo và bỏ mối cho các chợ, sau đó mở một cửa hàng bán lẻ, ký hợp đồng gia công xuất khẩu quần jean cho Nhật và các công ty nước ngoài, mở dịch vụ cho thuê xe du lịch, mở công ty mua bán phế liệu (chủ yếu xuất bán vải vụn qua Trung Quốc), rồi mở công ty làm bao bì... Nhiều người thấy tôi "làm việc gì cũng được", họ nói tôi "biết kinh doanh".

Thật ra lúc đó tôi làm việc này rồi bắt sang việc kia, cốt chỉ để mưu sinh chứ chẳng có khái niệm gì về kinh doanh. Tuy nhiên, khi làm việc gì tôi cũng bền bỉ theo bám đến cùng, đặt hết tâm huyết cho nó và không lúc nào thấy công việc đang làm đã hoàn hảo, đã đến đường cùng, không thể mở mang được nữa.

Chính vì vậy mà làm hoài, thấy áp lực hoài. Song, tôi cũng có một quyết tâm, dẫu khó khăn đến mấy cũng tìm cách vượt qua chứ không nản chí, bỏ ngang.

Rồi khi công ty mở mang lớn dần, từ vài chục lên đến cả trăm nhân viên, áp lực sống còn của công ty không còn là chuyện của riêng mình mà là của hàng trăm người.

Khi thuyền lớn, gặp sóng to, áp lực đối với người đầu tàu càng nặng nề. Quan điểm của tôi là càng áp lực càng phải bình tĩnh. Bất cứ việc gì cũng có thể giải quyết được. Kết quả tốt, xấu tùy thuộc vào sự tỉnh táo quyết định của người lãnh đạo.

* Nếu ai đó nói bà là một phụ nữ có nhiều tham vọng làm giàu, bà sẽ phản ứng thế nào?

- Như đã nói, tôi đến với kinh doanh ban đầu chỉ có một mục đích duy nhất là thoát nghèo cho gia đình và mưu sinh. Tuy nhiên, khi đã kinh doanh thì chính công việc lại đẩy tôi đi, bắt phải suy nghĩ, đối phó và tham vọng phải làm tốt hơn nữa, hoàn hảo hơn nữa.

Vậy nên, nếu tôi có tham vọng làm giàu bằng chính sức lao động chân chính của mình thì điều đó cũng rất đáng được xã hội trân trọng.

* Với những thành quả làm được, bà có cảm thấy tự hào vì mình đã chèo lái con thuyền kinh doanh đi đúng hướng?

- Tôi không phải là người tài giỏi trong kinh doanh để đưa ra những chiến lược đột phá, mạo hiểm.

Cách kinh doanh của tôi cũng đơn giản theo triết lý: "Kiến tha lâu đầy tổ. Làm gì cũng phải có đạo đức, lương tâm, không liều lĩnh, làm ẩu". Và triết lý đó chính là chiếc la bàn định hướng cho con thuyền kinh doanh của chúng tôi đi đúng hướng.

Chẳng hạn, vào thời điểm kinh tế khủng hoảng, trong khi các doanh nghiệp phải đóng cửa thì cả hai lĩnh vực bao bì và may mặc, tôi vẫn giữ được khách hàng ổn định, nhất là các hợp đồng gia công cho Nhật.

Ở lĩnh vực bao bì, tôi cũng từng là nạn nhân của những cạnh tranh không lành mạnh nhưng một thời gian ngắn, khách hàng lại quay về.

* Bà có thể nói rõ hơn việc "khách hàng lại quay về” với bà như thế nào, thưa bà?

- Ở lĩnh vực may mặc, nhiều người muốn lợi nhuận cao nên mua vải phế phẩm, giá rẻ, tuy màu sắc, hoa văn đẹp nhưng may quần áo rất mau cũ, dễ rách.

Vì vậy, tôi mua vải tốt, giá cao nhưng bán thành phẩm theo giá thị trường. Dĩ nhiên là lợi nhuận bị giảm xuống nhưng ngược lại, tạo được uy tín với khách hàng.

Kết quả là hàng của tôi lúc nào cũng được bạn hàng ưu tiên lấy hàng. Tương tự, khi làm bao bì cho sản phẩm sôcôla, thay vì mua loại nylon giá rẻ để lót bên trong, tôi mua loại giá cao hơn gấp nhiều lần để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh.

* Khi đầu tư vào một lĩnh vực mới, bà thường có những quyết định rất nhanh. Đã bao giờ bà bị thất bại vì những quyết định như vậy?

- Có lẽ do kinh doanh từ lúc hai mươi tuổi nên tôi đủ "già” để nhạy bén với thị trường, hiểu được đâu là xu thế và tiềm năng của lĩnh vực mình sẽ đầu tư, cũng như xoay xở rất nhanh trước mọi tình huống xấu.

Chẳng hạn, khi một người bạn gợi ý cho tôi làm bao bì, tôi chỉ suy nghĩ và quyết định trong hai tiếng đồng hồ. Hay như việc Ken đề nghị tôi đầu tư cho Ken mở công ty kinh doanh sôcôla Graphics, tôi đồng ý ngay.

Thấy tôi quyết định nhanh, nhiều người e ngại, cho rằng tôi liều lĩnh, nhưng thực chất tôi có đủ cơ sở tự tin cho quyết định của mình.

Như tôi nhận định, bao bì là lĩnh vực rất cần thiết và không chỉ là nhu cầu cao trong hiện tại mà còn là nhu cầu của nhiều năm nữa; nó còn đòi hỏi mẫu mã, chất lượng liên tục phải cập nhật, thay đổi, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho mình vất vả để sáng tạo, tìm tòi nên công việc cũng sẽ không bao giờ hết và thú vị.

Hoặc như sôcôla Graphics là một thương hiệu nổi tiếng của Úc, việc kinh doanh độc quyền thương hiệu này cũng là một lợi thế, bên cạnh đó là nhu cầu thị trường về sản phẩm này cũng đang rất tiềm năng và đòi hỏi cao về chất lượng.

* Nhiều người cho rằng phụ nữ làm kinh doanh có nhiều lợi thế nhưng cũng bị mất mát, chịu thiệt thòi cho bản thân, bà có nghĩ như vậy không?

- Phụ nữ làm kinh doanh thì không "bạo tay" như nam giới và tính thận trọng của phụ nữ đôi lúc làm "mất cơ hội", song bù lại, phụ nữ cũng có những ưu điểm như nhạy cảm hơn, uyển chuyển hơn trong mọi giao dịch và quản lý cũng... tốt hơn.

Làm phụ nữ phải chèo chống cả một đoàn tàu, nhất là phải chống chọi với cạnh tranh và biến động trên thương trường, đôi lúc tôi cũng mệt mỏi và căng thẳng.

Trong công việc, tôi chưa bao giờ nghĩ mình mất mát, thiệt thòi, bởi tôi cho rằng cái mất mát, thiệt thòi lớn nhất là mình không làm được gì cho gia đình và xã hội.

* Người lãnh đạo thường phải có "trái tim thép" nhưng được biết điểm yếu của bà là quá nhẹ nhàng, thậm chí khi nhân viên sai phạm bị la mắng, kỷ luật, thấy họ khóc bà dễ bị xiêu lòng. Người lãnh đạo quá tình cảm như vậy có ảnh hưởng đến tính kỷ luật của công ty không?

- Cái khó nhất trong kinh doanh là quản lý con người và cách quản trị nhân sự của tôi là không lấy quyền lực để áp đặt nhân viên, không lấy kỷ luật làm công cụ giải quyết.

Khi nhân viên làm sai, tôi lắng nghe tâm tư của họ, không đẩy họ vào đường cùng, nhẹ nhàng phân tích, kiên trì giáo dục, động viên để kéo họ trở lại với con người tích cực vốn có.

Theo tôi, lấy sự ôn hòa, tình cảm để thu phục lòng người là cách quản trị nhân sự và giữ nhân viên hiệu quả nhất.

* Là ủy viên Ủy ban MTTQ quận 9, được mệnh danh là "người ghiền làm từ thiện", bà có thể chia sẻ tâm huyết đang muốn làm điều gì cho bà con nghèo không?

- Vốn nghèo khó nên tôi thấm cảnh nghèo và dễ đồng cảm, rơi nước mắt trước những hoàn cảnh éo le. Đó cũng là động cơ để tôi tham gia rất nhiều chương trình từ thiện và xem đó cũng là trách nhiệm của một doanh nhân.

Quận 9 là một quận mới mở, dân nghèo ở tứ xứ đổ về nên cuộc sống khá phức tạp. Việc chăm lo cuộc sống, an sinh cho người dân ở đây cũng là một trách nhiệm rất nặng nề với chính quyền địa phương và cũng cần một chính sách căn cơ.

Vì vậy, tôi đang nghĩ phải làm sao kêu gọi được nhiều mạnh thường quân đóng góp, trước hết là xây trường học, nhà trẻ, xây nhà ở phúc lợi, hạ tầng cho khu dân cư, sau đó mới từng bước cùng người dân xây dựng những khu dân cư văn hóa mới.

* Sẵn bàn đến chuyện kinh doanh, bà có điều gì nhắn gửi với con trai không?

- Ken rất tâm huyết để đưa những thương hiệu sôcôla có uy tín, chất lương hàng đầu thế giới vào Việt Nam như Graphics và Callebaut. Tôi hiểu con đường xây dựng thương hiệu cho hai nhãn hiệu này tại thị trường trong nước còn rất nhiều chông gai, thách thức.

Vậy nên, điều nhắn gửi của tôi với Ken là phải kiên trì, quyết tâm theo đuổi đến đích công việc mình đã chọn để hoàn thành mong muốn chính đáng mà Ken đã từng thuyết phục được tôi: "Con muốn đem những sản phẩm này về Việt Nam để người dân mình được thưởng thức những thương hiệu nổi tiếng như mọi công dân ở các nước khác".

* Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện này.

Theo Lữ Ý Nhi (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Lương Lệ Lan: Tôi muốn cho con cần câu chứ không phải con cá

    Lương Lệ Lan: Tôi muốn cho con cần câu chứ không phải con cá

    09/02/2013 1:54 PM

    Sớm mồ côi mẹ từ nhỏ, hiểu được cuộc sống thiếu thốn trong gia đình chính vì thế bà Lương Lệ Lan, Giám đốc Công ty TNHH TM Lá Phong sớm lựa chọn con đường kinh doanh riêng cho mình chứ không đi theo nghề truyền thống gia đình. Với cách sống “lấy tâm để thu phục lòng người” bà đã truyền kinh nghiệm sống của mình cho con trai trong cách đối nhân xử thế, khi tiếp tục cùng mẹ bước tiếp con đường kinh doanh

  • Bà Lương Lệ Lan:"Tham vọng làm giàu bằng chính sức lao động"

    Bà Lương Lệ Lan:"Tham vọng làm giàu bằng chính sức lao động"

    25/10/2012 10:00 AM

    Hơn một tiếng trò chuyện với Ken La, Giám đốc Công ty United Vision, có ít nhất năm lần anh nhắc về mẹ - bà Lương Lệ Lan, Giám đốc Công ty TNHH TM Lá Phong. Ken nói: "Mẹ là người cho tôi động lực để tôi tự tin khởi nghiệp. Tôi đã học được rất nhiều điều từ mẹ, đó là triết lý lãnh đạo: Lấy tâm để thu phục lòng người, nghị lực chống chọi trước khó khăn, bền bỉ với con đường mình đã chọn". Từ chia sẻ của Ken, tôi đã tìm gặp Giám đốc Công ty Lá Phong. Mở đầu câu chuyện, bà đã nhắc đến Ken:

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.