Theo công bố mới đây trên website CNBC.com, khoảng 55% người tiêu dùng tại Mỹ đã và đang tìm kiếm sản phẩm để mua trực tuyến từ website Amazon.com, trong khi chỉ có 28% người dùng cho biết họ sử dụng các công tụ tìm kiếm phổ biến hiện nay, như Google, Bing, Facebook… để tìm kiếm sản phẩm.

Cũng theo khảo sát này, ngay cả khi khách hàng đã tìm thấy sản phẩm họ muốn mua trên website của một bên bán lẻ khác, thì 90% trong số đó vẫn sẽ truy cập vào Amazon.com để so sánh giá cả và tiến hành “cân đo đong đếm” các lựa chọn trước khi thực hiện mua hàng.

Kết quả của cuộc khảo sát này, cùng với việc đầu tháng 10 vừa qua tạp chí Forbes vinh danh CEO của Amazon - Jeff Bezos chính thức trở thành người giàu thứ hai ở nước Mỹ, với số tài sản ước tính 67 tỉ USD, một lần nữa khẳng định sự “màu mỡ” của thị trường thương mại điện tử trong tương lai cũng như tái khẳng định sự thành công của một trong những công ty được mệnh danh là “bền vững nhất thế giới” (nhận định của Chamath Palihapitiya, hiện là CEO của công ty đầu tư mạo hiểm Social Capital; Chamath Palihapitiya cũng tin rằng chỉ 10 năm nữa, mảng bán lẻ của Amazon sẽ đạt giá trị 1.000 tỉ USD).

Lý giải cho nhận định này của Chamath Palihapitiya, hãy cùng nhìn lại con đường thành công của Amazon:

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, rất khó tạo ra khác biệt...

Đó là vì hầu như các doanh nghiệp đều có chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng tương tự nhau. Jack Trout và Steve Rivkin từng đề cập trong quyển Khác biệt hay là chết, rằng chất lượng và định hướng vào dịch vụ khách hàng hiếm khi là những ý tưởng khác biệt. Điều này đặc biệt đúng trong những ngành kinh doanh dịch vụ như thương mại điện tử, những ngành không trực tiếp tạo ra sản phẩm.

Trong một cuộc phỏng vấn tại chương trình Four Peaks TV show, Jeff Bezos từng tiết lộ, Amazon thực sự không quan tâm về việc bị các đối thủ cạnh tranh. Bởi không giống như Apple tạo ra iPhone làm thay đổi thế giới, Facebook tạo ra mạng xã hội lừng danh cùng tên, Microsoft tạo ra hệ điều hành Windows, thì trong ngành thương mại điện tử, nơi Amazon tồn tại, mọi thứ rất dễ bị các đối thủ “sao chép”.

Cụ thể, mô hình hoạt động của các đối thủ và của Amazon đều tương đối “na ná” nhau: Một website để bán hàng, khách hàng chọn lựa rồi đặt hàng qua mạng, sau đó Amazon hay bất kỳ đối thủ của họ sẽ tiến hành xác nhận đơn hàng, giao hàng, thu phí vận chuyển với những đơn hàng dưới hạn mức cụ thể.

Song song đó là đẩy mạnh chương trình affiliate marketing (tiếp thị liên kết), đẩy mạnh quảng cáo, truyền thông, PR… Còn về sản phẩm thì chỉ khác nhau đôi chút về cách miêu tả sản phẩm, hình ảnh, giá…, trong đó chênh lệnh giá thường không lớn, tùy thuộc vào việc Amazon hay các đối thủ của họ thỏa thuận với nhà sản xuất.

Đây cũng chính là lý do mà theo công bố của CNBC.com, dù Amazon là trang thương mại điện tử khổng lồ, thì cứ năm người được khảo sát sẽ có một người cho biết “sản phẩm nhái và sợ bị lừa” là điều khiến họ lo lắng nhất khi mua hàng trên web này.

… Vì vậy, càng to lớn, có "đuôi dài", Amazon càng mạnh và khó bị đánh bại

Kinh doanh trong lĩnh vực khó tạo được sự khác biệt rõ ràng như vậy, Amazon đã thực hiện xuất sắc chiến thuật “Cái đuôi dài” để biến mình thành gã khổng lồ lớn nhất, “nuốt” gần hết thị trường..

Chris Anderson, tác giả của Cái đuôi dài, một trong những quyển sách nằm trong danh mục Best seller (sách bán chạy nhất) của tờ The New York Times đồng thời nhận giải Gerald Loeb, giải thưởng dành cho quyển sách kinh doanh hay nhất năm, thì lý thuyết Cái đuôi dài, được hiểu đơn giản là thực chất, gần như mọi sản phẩm trên thị trường đều có người mua, dù sức mua chỉ là một vài lần mỗi năm. Khác với những sản phẩm “hot”, sản phẩm đại chúng, những sản phẩm “ngách” này dù có sức mua kém đều đặn như vậy, nhưng nếu tập hợp tất cả doanh thu của những sản phẩm ấy lại, thì nó có thể chiếm tới… 98% doanh thu của một doanh nghiệp.

Và đây chính là chiến thuật của Amazon, họ không ngừng mở rộng số lượng và quy mô sản phẩm của mình, tạo ra một thị trường ngách rộng lớn với hàng triệu sản phẩm khác nhau. Có thể nhìn thấy điều này qua quy mô kho hàng mà Amazon sở hữu.

Theo tiết lộ của Amazon vào cuối năm 2015, hãng đã sở hữu tổng cộng hơn 80 kho hàng khác nhau trên khắp thế giới, trong đó có những kho hàng như ở Phoenix, Arizona (Mỹ) có diện tích bằng 12 sân bóng đá. Trung bình một nhân viên làm việc trong kho hàng ở Amazon phải di chuyển từ 7 dặm đến 15 dặm (khoảng 12km đến 24km) một ngày. Đi kèm với đó là một đội ngũ nhân viên khổng lồ, hơn 100.000 người cùng 10.000 robot hỗ trợ.

Ngoài ra, Amazon còn sở hữu một hệ sinh thái khổng lồ, tập hợp những con người ăn, ngủ, cũng như “thu – chi” cùng Amazon. Đó không chỉ là một lượng lớn khách hàng trung thành, thường xuyên nhận xét, đánh giá các sản phẩm trực tiếp trên website, mà còn là những freelancer (người làm việc tự do), những cộng tác viên… khi họ thường phát triển một website, một trang blog, một ứng dụng… sau đó liên kết với Amazon, bán hàng và nhận hoa hồng.

Theo Venkatash Rao, một cây bút người Mỹ, từng viết về mạng lưới này của Amazon (bài viết đã được đăng trên trang Forbes) thì: “Trong hàng thập niên qua, cuộc sống của tôi đã bị gắn chặt với Amazon. Tôi không chỉ chi hàng ngàn USD vào trang web mà còn đưa blog của mình (ribbonfarm.com) tham gia chương trình affiliate marketing của Amazon và bán sách của mình trên đó. Mười năm trước, tôi từng là một biên tập viên cho nhiều đầu sách, nhưng giống như hàng ngàn freelancer khác, hiện giờ nguồn thu nhập và mọi hoạt động chính của tôi đều chỉ xoay quanh Amazon”.

Phạm Tú (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.