Ông từng hội kiến Nữ hoàng Anh Elizabeth vào năm 1998, hai lần chơi tennis với Tổng thống Mỹ George Bush và đều thắng.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko Shoda trên đường đón tàu về dinh thự. Ảnh: AP
Nhà vua Akihito của Nhật Bản sinh năm 1933 tại Cung điện Hoàng gia ở Tokyo, ngài là trưởng nam và là người con thứ năm của Nhật hoàng Chiêu Hòa (Hirohito) và Hoàng hậu Hương Thuần (Kuni Nagako).
Hoàng thái tử Akihito gặp người vợ tương lai Michiko Shoda tại một trận đấu tennis ở Karuizawa gần Nagano vào mùa hè năm 1957. Michiko Shoda là con gái cả trong một gia đình nổi danh về cả kinh doanh và học thuật.
Theo truyền thống của Nhật Bản, các thái tử thường chọn bạn đời là những tiểu thư có xuất thân quý tộc hoặc hoàng gia. Đến năm 1958, thậm chí thiên triều đã chọn lọc được một danh sách 800 “ứng viên thích hợp” cho đám cưới hoàng gia sau 8 năm.
Tuy nhiên Hoàng thái tử Akihito đã gây bất ngờ khi quyết định chọn Michiko Shoda làm cô dâu, không chỉ phá vỡ truyền thống hoàng gia khi tự mình chọn người bạn đời, mà còn trở thành vị vua đầu tiên kết hôn với một thường dân trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản.
Thêm vào đó, hai người còn tiếp tục đi lệch khỏi truyền thống hàng thế kỷ của hoàng gia Nhật Bản khi chọn tự tay giáo dục con cái. Hoàng thái tử Naruhito, hoàng tử Akishino và công chúa Sayako được tận tay nhà vua và hoàng hậu chăm sóc, thay vì cận thần trong hoàng gia như thông thường.
Gia phả hoàng tộc Nhật Bản.
Năm 1989, Vua Akihito lên ngôi, trở thành Nhà vua thứ 125 của Nhật Bản sau khi Nhật hoàng Chiêu Hòa băng hà.
Hiến pháp Nhật Bản mô tả Nhà vua là “biểu tượng của Nhà nước và sự đoàn kết của nhân dân”, Nhà vua có được vị thế này là nhờ vào “ý nguyện của nhân dân, người thực sự có quyền lực tối thượng”.
Một trong những nhiệm vụ tối thượng của hoàng gia là bảo tồn truyền thống. Hàng năm, Nhật hoàng Akihito đều làm lễ tịch điền trong khuôn viên của cung điện và tham gia lễ Thần Đạo.
Mặc khác, ngài cũng là một nhà vua hiện đại, khi soạn thảo bài phát biểu trên laptop và thường xuyên sinh hoạt gần gũi cùng dân chúng.
Ngoài niềm đam mê với thể thao, Nhà vua Akihito cũng là nhà hoạt động vì môi trường và nhà nghiên cứu khoa học có tiếng với nhiều nghiên cứu được công bố trong lĩnh vực thuế.
Dưới đây là 8 câu chuyện thú vị về Nhật hoàng.
1. 2.600 lịch sử dòng tộc
Theo phả hệ, hoàng tộc Nhật Bản có lịch sử bắt đầu từ hơn 2.600 năm trước. Do đó, đây là nền quân chủ cha truyền con nối liên tục có lịch sử lâu đời nhất thế giới.
2. Ngai vàng hoa cúc
“Ngai vàng hoa cúc” được nhắc tới như một biểu tượng của dòng dõi quý tộc tại Nhật Bản. Nhưng trên thực tế, có một ngai vàng hoa cúc thật. Đó là một chiếc ghế được trang trí công phu, gọi là takamikura, được các hoàng đế ngồi trong lễ đăng quang.
Nhật hoàng Chiêu Hòa qua đời năm 1989, tuy nhiên phải hai năm sau, lễ đăng quang của Nhà vua Akihito lên Ngai vàng hoa cúc mới được hoàn thiện, bao gồm nghi lễ tại Đền Ise thờ nữ thần Mặt trời Amaterasu. Theo sự tích của Nhật Bản, Nhật hoàng chính là là hậu duệ Mặt trời.
3. Nhà vua không phải thánh nhân
Nhật hoàng Chiêu Hòa đã công khai từ bỏ tước vị thánh nhân vào cuối Thế chiến II, khi Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh.
Tuy nhiên, Hoàng gia Nhật Bản vẫn coi ông là “biểu tượng của nhà nước”, theo hiến pháp nước này. Nhiều người dân Nhật Bản thì vẫn cho rằng ông là một vị thần, hoặc ít nhất nên được tôn thờ như thần.
4. Chơi tennis với Tổng thống Mỹ Bush
Nhật hoàng Akihito đi nhiều nơi và gặp nhiều nhà lãnh đạo thế giới hơn bất cứ người tiền nhiệm nào.
Ông từng hội kiến Nữ hoàng Anh Elizabeth vào năm 1998, hai lần chơi tennis với Tổng thống Mỹ George Bush và đều thắng. Thú vị là vào năm 1992, sau trận song đấu thì ông Bush đã ngã bệnh trong bữa quốc yến, nôn cả vào người Thủ tướng Nhật Bản Kiichi Miyazawa.
5. Cho nữ sinh chụp ảnh và đăng trên mạng xã hội
Nhật hoàng Akihito có phong cách sống hiện đại, thân thiện và gần gũi dân chúng hơn so với các nhà vua trước đây. Ông thường vi hành khắp Nhật Bản, trao đổi trực tiếp với người dân.
Một lần, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã cho phép một nữ sinh chụp ảnh và đăng trên Twitter trong chuyến thăm tỉnh quê của cô bé.
Trong khi những người cao tuổi cho đây là hành động bất kính, thì tầng lớp thanh niên Nhật Bản coi đó là chuyện bình thường.
6. Vai trò quan trọng sau thảm họa kép
Nhật hoàng Akihito có bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình sau trận động đất - sóng thần năm 2011 khiến 20.000 người thiệt mạng. Ngài sử dụng thứ ngôn ngữ Nhật Bản hiện đại, ngắn gọn nhưng lịch sự, thay vì các sáo ngữ phức tạp mà ít người dân hiểu.
“Từ đáy lòng mình, tôi hy vọng mọi người sẽ tay nắm tay, đối xử với nhau trong tình yêu thương và cùng vượt qua thời điểm khó khăn này”, ngài nói.
Một tháng sau thảm họa kép, ngài và Hoàng hậu đã đến thăm hiện trường, ống kính ghi lại hình ảnh hai người cúi mình trước với những người dân sơ tán. Hành động này được công chúng coi như biểu tượng của sự đồng cảm với dân chúng.
7. Đưa Nhật Bản đi tới
Mặc dù Nhật Bản đã thua cuộc trong Thế chiến II dưới sự dẫn dắt của phụ thân, Nhật hoàng Akihito đã quyết định đưa đất nước vào kỷ nguyên hòa bình, không đối đầu.
“Nhìn lại quá khứ, cùng với sự hối tiếc sâu sắc về cuộc chiến, tôi cầu mong thảm kịch chiến tranh này sẽ không lặp lại, tôi bày tỏ sự tiếc thương vô hạn với những chiến sĩ đã ngã xuống trong chiến tranh”, ngài từng nói.
8. Tên ông được đặt cho cá
Nhật hoàng Akihito đặc biệt đam mê sinh học biển và ông là chuyên gia về loài cá bống. Một giống cá bống đã được đặt theo tên ông là cá Exyrias Akihito. Ông thường viết bài cho tạp chí Ngư học Nhật Bản và một số báo khác.
Báo chí đưa tin nhà vua có một khu sinh thái hoang dã trong khuôn viên cung điện, nơi ngài thường lui tới quan sát các sinh vật và ghi chép về chúng.
Thảo Mai (Bizlive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.