Những cảnh báo được đưa ra từ 7 chuyên gia tài chính cho thấy chúng ta cần bắt tay vào tiết kiệm cho tuổi già càng sớm càng tốt.

Tiết kiệm quá ít cho tuổi về hưu không gây ra những hậu quả quá khủng khiếp nhưng vẫn ảnh hưởng đến những năm tháng bình yên khi về già của con người. Ở Mỹ, đây là một tình trạng xảy ra khá phổ biến.

Theo Forbes, nếu không tính đến lương hưu xã hội, gần 45% hộ gia đình ở quốc gia này trong độ tuổi lao động không hề có khoản tiết kiệm hưu trí.

Không chỉ vậy, những người đang tiết kiệm trên thực tế cũng không có đủ số tiền họ cần. Một cuộc khảo sát của công ty dịch vụ tài chính PwC cho thấy 50% những người ở độ tuổi 50-60 ở Mỹ có tiền tiết kiệm ít hơn 100.000 USD, điều đó đồng nghĩa với việc họ không còn nhiều thời gian để đầu tư hay tiết kiệm nữa.

7 chuyên gia tài chính đã chỉ ra các hậu quả nhãn tiền của việc không nghiêm túc với vấn đề tài chính khi về già.

1. Phải làm việc đến cuối đời

Chuyên gia tư vấn tài chính Tom Diem của Diem Wealth Manegemen cho biết thay vì để dành một khoản tiền mỗi tháng để tiết kiệm, nhiều người cứ tiêu hết số tiền mình có và nghĩ rằng mình có thể kiếm thêm trong tương lai. Ông cho rằng đây là một quan điểm sai lầm và cần phải điều chỉnh lối tư duy này.

Nhiều người già vẫn phải làm việc vì lương hưu không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Ảnh: The Straits Times.

"Không ít người ở độ tuổi 60 vẫn đang phải lao động toàn thời gian, trong khi đây là lúc họ có thể nghỉ ngơi và tận hưởng thời gian hưu trí của mình", ông Tom Diem nói.

2. Chìm trong nợ nần thay vì lên kế hoạch cho tương lai

"Tôi từng có một cặp vợ chồng khách hàng không có đủ tiền để nghỉ hưu chỉ vì chi tiêu quá nhiều và vay mượn chỉ vì muốn phô trương", cố vấn tài chính của Seattle, ông Josh Brein kể lại.

Nhiều người đã bước vào thời gian hưu trí của mình với tài khoản tín dụng nợ lên đến hàng chục nghìn USD. Trong khi con cái họ vẫn đang tiết kiệm cho tương lai và cố cân đối cho cuộc sống thì cha mẹ vẫn vật lộn để làm việc và tìm cách chi trả khối nợ nần chồng chất.

3. Gia đình gánh chịu những áp lực về tài chính và tinh thần

Đối với trường hợp của một số doanh nghiệp gia đình, việc người điều hành kinh doanh nghỉ hưu như thế nào sẽ tác động rất nhiều đến những người còn lại.

"Tony sở hữu một doanh nghiệp gia đình 6 người và ông nghĩ rằng với tốc độ phát triển này mình có thể bán cơ ngơi khi về già để lấy về một khoản tiền. Tuy nhiên kế hoạch của ông đổ bể do một cơn đau tim, buộc Tony phải nghỉ hưu sớm hơn dự định - khi mà công ty không có đủ tiền để hỗ trợ cho ông và vợ trong những năm tháng cuối đời, đẩy họ vào cảnh chịu sức ép về tài chính lẫn tinh thần", chuyên gia Don Roork của AsDoperics Wealth Management kể lại câu chuyện của một khách hàng.

Trong khi con cái cũng đang chật vật với tài chính của chính họ, nhiều người không đủ tiền khi về hưu phải nhận sự trợ cấp của con mình. Ảnh: Bigstock.

4. Để con cái trợ cấp khi về già

Nhiều trường hợp cha mẹ không có đủ tiền cho kỳ hưu trí hoặc nhận được khoản tiền quá ít ỏi từ an sinh xã hội đã buộc con cái phải thay đổi kế hoạch tài chính để chăm sóc và trợ cấp cho đấng sinh thành.

"Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống tài chính mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch tiết kiệm hưu trí của con cái", nhà hoạch định tài chính Clint Haynes nhận xét.

5. Đổi nhà lấy một căn hộ chật chội

Đây là câu chuyện đã xảy ra với khách hàng của chuyên gia Taylor Schulte ở San Diego. Một cặp vợ chồng già đã phải bán ngôi nhà sống trong suốt hơn 20 của mình cùng với đồ đạc để chuyển đến một căn chung cư nhỏ cách xa nhà cũ.

Taylor Schulte cho biết họ đã làm việc chăm chỉ, kiếm được nhiều tiền, vấn đề là gia đình này luôn chi tiêu vượt quá mức sống của mình. Đây không phải là trường hợp hiếm gặp khi nhiều người đã bỏ bê kế hoạch tiết kiệm để rồi buộc phải bán nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác để trang trải.

6. Tiết kiệm lại hay sống ít hơn?

Mặc dù nhiều người đã lên kế hoạch cho mình chi tiết với việc nghỉ hưu ở tuổi 68, tuy nhiên chỉ với một sự thay đổi "nhỏ" như quyết định nghỉ hưu sớm vào năm 65 tuổi, kế hoạch chi tiêu trong những năm tháng cuối đời của họ sẽ hoàn toàn thay đổi.

Nhiều người già ở Hongkong phải sống trong những khu nhà xuống cấp, chật chội. Ảnh: Chanel News Asia.

Theo tính toán của chuyên gia tài chính Joseph Carbone, "Họ đáng lẽ sẽ có thể sống trong ngôi nhà thân yêu của mình đến cuối đời nếu không đột ngột thay đổi kế hoạch nghỉ hưu, trong khi tiền tiết kiệm hiện tại của họ chỉ đủ chi trả đến năm 72 tuổi. Nếu sống thọ hơn, họ buộc phải chuyển đến một thành phố khác với chi phí nhà cửa và sinh hoạt rẻ hơn dự tính".

7. Nghỉ hưu với chỉ số tiền ít ỏi trong tài khoản

Không hiếm các trường hợp "hồn nhiên" nghỉ hưu trong khi vẫn đang nợ nần chồng chất hoặc chỉ có một khoản tiền nhỏ trong tài khoản. Họ nghĩ đơn giản những tài sản sẵn có đủ để giúp họ chi trả trong tương lai.

Cố vấn tài chính Alex Whitehouse đã gặp một cặp vợ chồng như vậy. "Ở tuổi 59 và 47, họ chỉ tiết kiệm được 5.000 USD, không có lương hưu, nợ 10.000 USD tiền mua xe, tài sản thế chấp khoảng 250.000 USD và chỉ có 300 USD trong ngân hàng.

Tôi đã giúp họ để ra một khoản và khuyên người vợ tìm một công việc lương cao hơn. Tuy nhiên thói quen chi tiêu bừa bãi và không nghĩ đến tiết kiệm trong nhiều năm sẽ buộc họ phải làm việc rất lâu nữa mới có thể nghỉ hưu trong an toàn", Alex nói.

Hải Tuệ (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.