Ông Phạm Văn Hồng, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Ý: Những nhà đầu tư Việt kiều như chúng tôi mong muốn nhất là chính sách kinh tế vĩ mô ổn định.

Bà Helena Văn, Việt kiều Thụy Điển; Tổng Giám đốc Công ty Scandia Villa & Resort (Phú Yên)

Làm sao để thu hút doanh nhân Việt kiều về Việt Nam đầu tư? Các doanh nhân Việt kiều đã chia sẻ với NCĐT những gợi ý để giải đáp câu hỏi này, tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai tổ chức vào ngày 27-29.9.

Bà Helena Văn, Việt kiều Thụy Điển; Tổng Giám đốc Công ty Scandia Villa & Resort (Phú Yên): Theo tôi, để thu hút doanh nhân Việt kiều về nước đầu tư, Nhà nước cần phải đảm bảo 4 điều kiện: Cải cách hành chính hơn nữa, ví dụ tổng cộng thời gian giải quyết là 20 ngày + 10 ngày (nếu phải bổ sung), chỉ được yêu cầu bổ sung sửa chữa 1 lần; Có văn bản về các ngành mới, như bất động sản du lịch để thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án; Minh bạch và công bằng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như trong việc giao đất giải phóng mặt bằng; Hiểu được đóng góp và nhiệt huyết của doanh nhân Việt kiều trong công cuộc hiện đại hóa đất nước.

Ông David Ho, Chi Hội trưởng Chi hội Mỹ của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài, Giám đốc Khoa học Công ty Hermemics Biotechnologies Inc (Mỹ): Nhiều doanh nhân Mỹ gốc Việt có nguyện vọng đầu tư về nước trực tiếp hoặc tìm kiếm đối tác hợp tác nhưng do ở xa quê hương nên nhiều vấn đề họ còn e ngại như thủ tục pháp lý, môi trường đầu tư... Hy vọng những ý kiến liên quan tới việc hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nhân Việt kiều được lãnh đạo của các bộ ngành liên quan đề xuất tại Hội nghị sẽ sớm được thực thi.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Việt kiều Canada; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh): Là một doanh nhân Việt kiều đã về nước đầu tư từ nhiều năm trước trong lĩnh vực in ấn, tôi nhận thấy các cơ chế chính sách thu hút đầu tư dành cho kiều bào vẫn còn nhiều bất cập, không đồng nhất tại nhiều địa phương, chính sách kinh tế vĩ mô lại không ổn định.

Ông Hoàng Xuân Bình, Việt kiều Ba Lan; Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Vina: Trước đây, tôi và một số bạn bè tại Đông Âu đã hợp tác triển khai 2 dự án tại Việt Nam nhằm tạo tiền đề thu hút về nước đầu tư của cộng đồng kiều bào tại các nước ở nhiều địa phương khác nhau nhưng vì nhiều lý do đã không thành công.

Nguyên nhân là chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa rõ ràng và phù hợp. Hiện nay, công ty tôi đang liên kết với một số đối tác trong nước xây dựng Khu Thương mại và Xúc tiến Đầu tư Quốc tế IPP (Biên Hòa, Đồng Nai). Hy vọng lần đầu tư này sẽ thành công. Từ kinh nghiệm bản thân, theo tôi ngoài chính sách thông thoáng, hằng năm Nhà nước nên tổ chức các buổi giao lưu giữa doanh nghiệp Việt kiều và doanh nghiệp trong nước để hợp tác làm ăn.

Bà Lê Thị Lượng, Việt kiều Lào; Chủ tịch Tập đoàn Dao-Heuang: Theo tôi, Nhà nước và Chính phủ cần phải cụ thể hóa, hiện thực hóa hơn nữa các chính sách ưu đãi dành cho giới doanh nhân Việt kiều. Đặc biệt là mở rộng cánh cửa về thủ tục pháp lý để kiều bào ở mọi nơi trên thế giới có thể trở về quê hương làm ăn được dễ dàng, thuận lợi hơn.

Nhiều khi các cấp lãnh đạo cứ đưa ra chỉ thị này, nghị quyết kia, hoặc hứa với chúng tôi rất nhiều điều khi chúng tôi ngỏ ý muốn về nước đầu tư nhưng thực tế cán bộ cấp dưới không phải ai cũng thực hiện đúng những điều đó.

Về phía Tập đoàn Dao-Heuang, dù rất muốn nhưng chưa về Việt Nam đầu tư vì lý do khách quan như thế. Chúng tôi đang đợi những chính sách ưu đãi cụ thể, nếu phù hợp chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư ngay. Mong Chính phủ hãy để chúng tôi chỉ phải gõ một cửa và cửa ấy phải có đủ năng lực giải quyết từ A đến Z mọi vấn đề chúng tôi cần.

Ông Phạm Văn Hồng, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Ý: Những nhà đầu tư Việt kiều như chúng tôi mong muốn nhất là chính sách kinh tế vĩ mô ổn định. Có ổn định, chúng tôi mới mạnh dạn về nước đầu tư. Hiện, tôi đang có một công ty về sản xuất hàng thời trang, phụ kiện và đồ trang trí nội thất tại Ý. Và trong tương lai tôi cũng có ý định về Việt Nam đầu tư nhưng còn e ngại nhiều thứ, nhất là thủ tục pháp lý vì chính sách chung thì khá thông thoáng nhưng tại các địa phương thì còn nhiều vướng mắc. Trước khi về Việt Nam lần này, tôi đã cùng đại sứ quán Việt Nam tại Ý gặp gỡ và đàm phán với một tập đoàn lớn của Ý, để đưa hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào bán tại hệ thống siêu thị của tập đoàn này thay vì gián tiếp, giúp các doanh nghiệp trong nước gia tăng giá trị sản phẩm. Mong Chính phủ hiểu rằng, doanh nhân Việt kiều như chúng tôi luôn hướng về đất nước.

Theo Mai Lan (Nhịp cầu Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • 4 việc phải làm để hút vốn Việt kiều

    4 việc phải làm để hút vốn Việt kiều

    12/10/2012 1:19 PM

    Ông Phạm Văn Hồng, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Ý: Những nhà đầu tư Việt kiều như chúng tôi mong muốn nhất là chính sách kinh tế vĩ mô ổn định.

  • Cánh chim không mỏi giữa trời Bắc Âu

    Cánh chim không mỏi giữa trời Bắc Âu

    11/07/2012 3:53 PM

    Đến giờ, sau 20 năm, Helena Văn vẫn thường được nhiều người nhắc tới như một hình ảnh về quyết tâm lập nghiệp nơi xứ người. Đó là hình ảnh một cô giáo người Việt hằng ngày đi khoảng 50-60 km, dạy học ở 2-3 trường trong tuyết lạnh; buổi tối đi học tiếng Thụy Điển, vi tính, kế toán, luật; cuối tuần đi học lấy chứng chỉ phiên dịch.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.