Xuất thân từ những gia đình gốc Trung Quốc, ba vị tỷ phú này đã thâu tóm thành công ngành bán lẻ Thái Lan và tiếp tục tham vọng tương tự ở thị trường Việt Nam.

1. Charoen Sirivadhanabhakdi

Ông Charoen Sirivadhanabhakdi sinh năm 1944, là người gốc Quảng Đông, Trung Quốc. Trong bảng xếp hạng của Forbes hồi tháng 6, Charoen Sirivadhanabhakdi là người giàu thứ ba Thái Lan với tổng tài sản 11,3 tỷ USD.

Danh tính của ông được được xuất hiện trong danh sách Hội đồng quản trị của 8 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, bất động sản, bán lẻ...

Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi được biết đến nhiều hơn sau khi BJC mua lại Metro Việt Nam. Ảnh: Forbes

Tại Việt Nam, vị tỷ phú này được biết đến nhiều hơn sau thương vụ mua lại chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry Việt Nam đầu tháng với giá gần 880 triệu USD, thông qua Công ty Berli Jucker (BJC) - đơn vị mà ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 2001.

Berli Jucker đã chuẩn bị cho kế hoạch chiếm lĩnh thị trường Việt Nam từ năm 2012, với việc mở một nhà máy sản xuất chai thủy tinh, lon đựng đồ uống. Hãng cũng nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An - nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam; hãng giấy Cellox; công ty sản xuất đậu phụ Ichiban và hợp tác với hệ thống bán lẻ Family Mart, hiện đã đổi tên thành B’mart - thương hiệu lâu đời của BJC.

Theo báo cáo tài chính năm 2013, doanh thu của Berli Jucker khoảng 42,8 tỷ bath (1,3 tỷ USD), lợi nhuận ròng 2,4 tỷ bath (70 triệu USD). Trong đó, hai công ty tại Việt Nam Thái An và Ichiban mang lại khoản doanh thu khoảng 2,8 tỷ bath (87 triệu USD).

Ngoài BJC, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi còn là Chủ tịch của Fraser & Neave và hãng sản xuất đồ uống có cồn ThaiBev. Trong đó, Fraser & Neave hiện là cổ đông lớn của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) với tỷ lệ sở hữu 9,5%.

Không chỉ hiện diện mảng bán lẻ và hàng tiêu dùng, vị tỷ phú Thái Lan này còn đầu tư bất động sản từ những năm 2000, thông qua công ty mang tên TCC Land sở hữu nhiều khách sạn, khu đất lớn ở Mỹ, Anh, Autralia, Nhật Bản, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Riêng tại Việt Nam, công ty này nắm cổ phần chi phối của khách sạn Melia, một công trình 5 sao ở thủ đô Hà Nội.

2. Dhani Chearavanont

Sinh năm 1938, theo xếp hạng của Forbes, ông Dhani Chearavanont sở hữu khối tài sản 11,5 tỷ USD tính đến tháng 6/2014, đứng thứ hai trong danh sách những người giàu nhất Thái Lan. Ông có nguồn gốc tổ tiên ở Sán Đầu (Quảng Đông, Trung Quốc).

Tỷ phú Dhani Chearavanont được mệnh danh là ông vua thức ăn gia cầm. Ảnh: Forbes

Vị tỷ phú này hiện là Chủ tịch của Charoen Pokhphand Group (CP Group), tập đoàn đa ngành hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, viễn thông, tiếp thị, phân phối, xuất nhập khẩu, hóa dầu, bất động sản, bảo hiểm, ô tô, và thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, ông Chearavanont còn là thành viên Hội đồng quản trị của 11 tổ chức trong 15 lĩnh vực khác nhau.

Tại Việt Nam, CP Group bắt đầu có mặt từ năm 1990 với văn phòng đại diện tại TP HCM, và nay đã có công ty mang tên Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Biên Hòa, Đồng Nai.

Theo thông tin trên website công ty, C.P Việt Nam nắm giữ 7% thị phần thịt heo, 16% thị phần trứng gà công nghiệp và khoảng 22% thịt gà công nghiệp tại Việt Nam. Trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, theo Báo Đầu tư cho biết năm 2012, C.P Việt Nam chiếm khoảng 18% thị phần và cùng một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khác chiếm tới 60% thị phần thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại Việt Nam.

Với lĩnh vực bán lẻ, tập đoàn này đang sở hữu thương hiệu 7-Eleven tại Thái Lan, một mô hình cửa hàng hoạt động 24/24 giờ, cung cấp mọi nhu cầu của người tiêu dùng từ thực phẩm, mỹ phẩm đến văn hóa giải trí. Hiện hệ thống 7-Eleven Thái Lan đã có trên 3.000 cửa hàng, đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Cuối năm 2013, lãnh đạo của CP All - đơn vị điều hành 7-Eleven đánh tiếng sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM.

Theo Forbes, trong năm qua, cổ phiếu của các thương hiệu do CP Group nắm luôn tăng trưởng hai con số, như tăng 44% tại 7-Eleven, Charoen Pokphand Foods tăng 28%. Điều này đã hỗ trợ cho khối tài sản của tỷ phú Dhani Chearavanont phát triển.

Trong thương vụ mua lại Metro, theo thông tin trên báo chí quốc tế, vị tỷ phú này cũng đã ngỏ ý mua lại chuỗi bán sỉ tại Việt Nam với giá 500 triệu USD, song đã bị từ chối.

3. Gia đình Chirathivat

Cũng giống như hai vị tỷ phú trên, Chirathivat là gia đình người Thái Lan gốc Trung Quốc. Năm 1927, ông Tiang Chirathivat đã di cư từ đảo Hải Nam đến định cư ở Bangkok, sau đó lập nên Tập đoàn Central Group. Hiện tập đoàn này được điều hành bởi cháu trai của ông Tiang - Tos Chirathivat.

Tos Chirathivat hiện là người đứng đầu hoạt động kinh doanh của gia đình giàu nhất Thái Lan. Ảnh: Forbes

Gia đình Chirathivat sở hữu nhiều công ty trong lĩnh vực bán lẻ, bất động sản, khách sạn và nhà hàng. Trong đó, nổi bật là Central Pattana, công ty sở hữu chuỗi trung tâm mua sắm lớn ở Thái Lan, Central Plaza.

Theo xếp hạng của Forbes hồi tháng 6/2014, tổng tài sản của gia đình Chirathivat lên tới 12,7 tỷ USD, trở thành những người giàu nhất Thái Lan, Trong năm qua, doanh thu của Central Group cũng tăng tới 27%, leo lên mốc 7 tỷ USD.

Tại Việt Nam, gia đình Chirathivat đã có sự hiện diện đầu tiên thông qua trung tâm mua sắm Robins mới khai trương tại Hà Nội tháng 4/2014. Tháng 11 tới đây, tập đoàn này sẽ mở thêm một trung tâm mới tại TP HCM.

Huyền Thư (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.