Theo Forbes, người giàu nhất Ấn Độ là ông Mukesh Ambani, với tổng tài sản trị giá 36,8 tỷ USD. 9 người còn lại trong danh sách 10 tỷ phú giàu nhất Ấn Độ đều là nam giới.

10. Azim Premji (6,1 tỷ USD, đứng thứ 253 thế giới): Năm 1966 khi cha qua đời, Premji đã bỏ học ở Stanford để lo cho công việc kinh doanh dầu ăn của gia đình. Sau đó, ông mở rộng thành công ty phần mềm và gặt hái nhiều thành công. Mới đây, quỹ Azim Premji của ông cũng đã cam kết đóng góp 134 triệu USD ủng hộ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Ảnh: The Economics Times.

9. Lakshmi Mittal (7,4 tỷ USD, đứng thứ 196 thế giới): Ông là chủ tịch kiêm CEO của Arcelor Mittal, doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới với 70,6 tỷ USD doanh thu. Tuy nhiên năm 2019, công ty báo cáo khoản lỗ ròng 2,5 tỷ USD do giá nguyên vật liệu đầu vào quá cao. Cũng trong năm này, Arcelor và Nippon Steel đã hoàn tất thương vụ mua lại Essar Steel với giá 5,9 tỷ USD. Ảnh: DNA India.

8. Kumar Bilar (7,6 tỷ USD, đứng thứ 185 thế giới): Bilar (ngồi bên phải) thừa kế đế chế của gia đình ở tuổi 28 khi cha ông qua đời năm 1995. Hiện tại, ông là người đứng đầu Aditya Birla với 48,3 tỷ USD doanh thu. Tập đoàn này kinh doanh đa ngành nghề từ xi măng, nhôm cho đến các dịch vụ viễn thông, tài chính. Năm 2018, sau khi hợp nhất Idea Cellular và Vodafone Ấn Độ, công ty viễn thông Vodafone Idea của Bilar được thành lập. Ảnh: The Economics Times.

7. Cyrus Poonawalla (8,2 tỷ USD, đứng thứ 165 thế giới): Ông thành lập Viện Huyết thanh Ấn Độ năm 1966 và sau đó trở thành một trong những nơi sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới. Con trai ông là Adar làm CEO và giúp ông điều hành công ty. Hiện tại, Viện Huyết thanh Ấn Độ đang phối hợp cùng các đối tác phát triển hai loại vắc xin phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: LA POLO.

6. Sunil Mittal (8,8 tỷ USD, đứng thứ 157 thế giới): Sunil Mittal là nhà sáng lập và chủ tịch của Bharti Enterprises, một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề. Tập đoàn này sở hữu Bharti Airtel, công ty viễn thông lớn thứ hai Ấn Độ, hoạt động tại 18 quốc gia ở châu Á và châu Phi. Mittal cũng là chủ Ngân hàng Airtel Payments. Ngân hàng này liên doanh với Ngân hàng Kodak Mahindra của tỷ phú Uday Kodak. Ảnh: DNA India.

5. Gautam Adani (8,9 tỷ USD, đứng thứ 155 thế giới): Gautam Adani kiểm soát cảng Mundra, cảng lớn nhất Ấn Độ. Tháng 6/2019, dự án khai thác than ở mỏ than Carmichael tại Australia của ông cũng bắt đầu đi vào hoạt động. Gần đây, tỷ phú sinh năm 1962 còn mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới như sân bay và trung tâm dữ liệu. Ảnh: DNA India.

4. Uday Kotak (10,4 tỷ USD, đứng thứ 129 thế giới): Từ bỏ công việc kinh doanh cùng gia đình, Uday Kotak bắt đầu thành lập một công ty tài chính vào năm 1985, sau đó chuyển thành ngân hàng vào năm 2003. Ngân hàng Kotak Mahindra của ông hiện là một trong bốn ngân hàng hàng đầu của Ấn Độ ở khu vực tư nhân. Tháng 1 vừa qua, ngân hàng này đạt được thỏa thuận với Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ về giảm cổ phần của Kotak xuống 26%. Ảnh: The Economics Times.

3. Shiv Nadar (11,9 tỷ USD, đứng thứ 103 thế giới): Ông được coi là nhà tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Ấn Độ khi đồng sáng lập HCL Technologies. Hiện tại, công ty được định giá 9,7 tỷ USD và có 149.000 nhân viên từ 45 quốc gia trên toàn thế giới. Shiv Nadar cũng là nhà từ thiện có tiếng, đã đóng góp 662 triệu USD nhằm ủng hộ các hoạt động liên quan đến giáo dục.

2. Radhakishan Damani (13,8 tỷ USD, đứng thứ 78 thế giới): Nhà đầu tư kỳ cựu Mumbai Radhakishan Damani trở thành ông vua bán lẻ của Ấn Độ sau đợt IPO chuỗi siêu thị DMart vào tháng 3 năm 2017. Ông cũng nắm giữ cổ phần của hàng loạt công ty, từ kinh doanh thuốc lá đến sản xuất bia. Ngoài ra, danh mục tài sản của tỷ phú 65 tuổi này còn có khu nghỉ dưỡng Radisson Blu ở Alibag, gần Mumbai. Ảnh: businesstoday.in.

1. Mukesh Ambani (36,8 tỷ USD, đứng thứ 21 thế giới): Ông Mukesh Ambani, Chủ tịch Tập đoàn Reliance Industries, đứng đầu danh sách những người giàu nhất Ấn Độ. Thậm chí, có thời điểm ông vượt qua Jack Ma để vươn lên giàu nhất châu Á. Tuy nhiên, nhà sáng lập Alibaba đã lấy lại vị thế của mình hồi đầu tháng 3 khi cổ phiếu của Reliance Industries liên tục giảm mạnh. Trong năm vừa qua, tài sản của Ambani đã giảm tới 13,2 tỷ USD. Ảnh: siasat.com.

Văn Hưng (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.