Những người lần đầu làm sếp thường gặp khó khăn trong việc phát triển các kỹ năng lãnh đạo cơ bản.
Theo huấn luyện viên, diễn giả, nhà văn Charles Edge, thời gian đầu làm lãnh đạo có thể là một hành trình gian khổ và nhiều cạm bẫy. Nhưng dần dà, nhiều người sẽ nhận ra đó là một công việc đầy thú vị khi là nơi giao thoa giữa nghệ thuật, khoa học lẫn chút tính toán mưu mẹo trong đó.
Với kinh nghiệm nhiều năm huấn luyện và làm việc với các nhà quản lý, đặc biệt là những nhà quản lý mới, Charles đã rút ra những bí quyết giúp họ tránh khỏi thất bại và sớm thành công. Dưới đây là 10 điều giúp các nhà quản lý mới làm tốt công việc:
1. Đừng quản lý chi li mọi thứ
Cố gắng quản lý chi li mọi thứ là sai lầm điển hình mà rất nhiều sếp mới mắc phải.
Thực tế nhà quản lý chỉ cần hướng dẫn nhân viên sau đó để họ tự do làm việc, thành công hay thất bại tùy thuộc vào khả năng họ. Hãy tin tưởng đúng người và trao quyền.
2. Thay đổi tư duy
Những người mới làm sếp đa phần từng là nhân viên có cống hiến đặc biệt cho công ty sau đó được cất nhắc lên làm quản lý. Tuy nhiên, khi chuyển lên chức vụ mới, ưu tiên hàng đầu đối với họ lại là phát triển năng lực của một nhân viên (như đã từng là) thay vì cho vai trò mới (người quản lý).
Ngoài ra, nhà quản lý cũng cần công nhận sự nỗ lực của nhân viên một cách công khai và thường xuyên trước tập thể. Đó không chỉ là chuyện của riêng cá nhân họ mà còn tác động đến người khác.
3. Đừng lạm quyền
Khi mới lên làm sếp, bạn có thể dễ say với "hơi men" quyền lực. Bạn sẽ nhận ra quyền lực là thứ có thể khiến rất nhiều người sẵn sàng làm mọi việc vì bạn. Đừng rơi vào sự cám dỗ đó!
Tùy vào từng trường hợp, bạn nên giải thích rõ trước mọi người lý do tại sao họ phải làm công việc đó hoặc lý do bạn nên làm như vậy. Điều này giúp loại bỏ những cảm giác tiêu cực mà họ có thể có nếu cảm thấy bị ép phải làm việc không muốn hoặc họ nghĩ bạn đang lạm quyền.
4. Đảm bảo lợi ích đôi bên
Nếu bộ phận của bạn được rót nhiều tiền hơn, được quan tâm định hướng tốt hơn hoặc bổ sung nhiều người tài hơn, khả năng cao là bạn sẽ đối mặt với những thách thức lâu dài phía trước.
Theo Charles, giải pháp ở đây là đảm bảo chia sẻ lợi ích cho các bên, bao gồm bên ngoài lẫn nội bộ nhóm. Các mâu thuẫn phát sinh có thể được xoa dịu bằng cách chia sẻ lợi ích hoặc cùng phát triển.
5. Đón nhận ý tưởng của người khác
Nhóm sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhờ những ý tưởng xuất sắc không chỉ của riêng bạn mà còn từ thành viên nhóm. Việc nhà quản lý cần làm là làm việc chặt chẽ với nhân viên và tạo điều kiện giúp ý tưởng của họ có cơ hội được tỏa sáng.
Khi nhân viên cảm thấy những đóng góp của họ tạo ra sự khác biệt, sự gắn kết của họ với công ty sẽ tăng lên, và công ty sẽ phát triển hơn.
6. "Quản lý lên" đúng cách
Quản lý lên (manage up) là việc nghiên cứu xem cấp trên quan tâm điều gì nhất và cứ thế tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu ấy. Một trong những áp lực đi kèm trong việc trở thành lãnh đạo là chứng minh cho ban quản trị công ty thấy quyết định bổ nhiệm bạn là hoàn toàn đúng đắn, đồng thời công ty đang thu được lợi nhuận từ khoản đầu tư (là bạn) này.
Là một nhà quản lý, bạn được kỳ vọng giải quyết vấn đề thay vì đùn đẩy cho người khác. Điều người khác mong chờ ở bạn là kết quả thành công chứ không phải những hành vi chứng tỏ quyền lực. Do đó, hãy thận trọng khi nói đến thành công của sản phẩm và hiệu quả hoạt động của cả nhóm.
7. Đào tạo người kế vị
Mục tiêu của nhà lãnh đạo mới nên là phát huy hết năng lực mà các thành viên trong nhóm có được. Điều này đồng nghĩa với việc cùng làm việc với nhân viên để hiểu hơn về những thứ họ làm đồng thời xác định người đủ khả năng kế vị bạn trong tương lai.
Đây là một điều tốt cho tổ chức và cho sự nghiệp của riêng bạn.
8. Dành hết thời gian cho nhóm
Họp hành liên miên khiến bạn không có đủ thời gian cho nhóm? Hãy thay đổi tình trạng này.
Đôi lúc, mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi trong công việc nhưng hãy để nhóm bạn thấy họ là những người quan trọng đối với bạn. Một trong những ưu tiên hàng đầu của bạn chính là phát triển sự nghiệp của nhân viên và hãy thể hiện cho họ biết điều đó.
Việc thường xuyên hủy họp với nhân viên sẽ gửi đi thông điệp sai lầm rằng bạn còn có những thứ khác cần ưu tiên hơn họ.
9. Xác định mục tiêu
Trong những lần gặp gỡ, trò chuyện với các thành viên nhóm, bạn nên cân nhắc cách để nhân viên luôn theo sát theo mục tiêu họ đề ra. Và khi họ hoàn thành mục tiêu hiện tại, hãy giúp họ thiết lập một mục tiêu mới lớn hơn.
Tuy nhiên, đừng lạm dụng việc đặt mục tiêu để gây sức ép với mọi người. Dù vậy, bạn cũng nên dùng chúng để thúc đẩy họ ít nhiều trong công việc, để nhóm không rơi vào trì trệ.
10. Dành thời gian học hỏi
Đôi khi, một người sếp mới không thể làm hết được những việc mà các thành viên trong nhóm đang làm. Nếu đó là bạn, hãy dành thời gian học hỏi.
Bạn không nhất thiết phải biết chuyên môn đồ họa hay viết code, nhưng việc hiểu những kiến thức cơ bản cũng phần nào giúp bạn hiểu công việc của mọi người, từ đó dễ thông cảm với họ hơn.
Vân Thảo (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.