Mời một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè làm đối tác kinh doanh có vẻ là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, mối quan hệ này có thể gây khó khăn trong việc định hướng kinh doanh và cũng khó chấm dứt, nếu mọi thứ không diễn ra suôn sẻ.

Điều đó có nghĩa là bạn nên suy nghĩ thật kỹ trước khi hợp tác với một người bạn hoặc người thân. Sau đây là 10 câu hỏi bạn nên xem xét:

1. Bạn và họ có cùng mục đích trong công việc?

Bạn nên biết rõ mục đích của mình là gì. Bạn có muốn mở rộng công ty của mình rồi sau đó lại bán nó đi hoặc tạo nên một cái gì đó mà gia đình bạn không thể quản lý được? David Ransburg, chuyên gia tư vấn của tập đoàn Family Business Consulting Group tại Chicago cho biết: “Vấn đề ở chỗ là bạn không rõ ràng về những dự định sắp tới của mình”. Nếu bạn và người thân không có cùng mục đích kinh doanh, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch hoặc không thể đồng thuận với nhau trong những quyết định lớn lao.

2. Họ sẽ đem đến những gì cho việc kinh doanh?

Đừng để mối quan hệ chi phối bạn khi xem xét phía đối tác có phù hợp hoặc đủ tiêu chuẩn hợp tác. Hãy xem xét kỹ lưỡng các thông tin và mức độ hợp tác mà bạn mong chờ từ bất cứ đối tác nào, vì họ sẽ là người nắm giữ vị trí quan trọng trong công ty. Theo Rivers, cũng tương tự như những người xin việc khác, bạn cần lập một bản mô tả và yêu cầu công việc, đồng thời cũng kiểm tra kinh nghiệm của người bạn hoặc người thân đó như thế nào.

3. Có nên giao cho họ một cổ phần trong công ty?

Bên cạnh đó, bạn cũng cần xem xét có nên trao cho người thân hoặc bạn bè một phần vốn sở hữu của công ty, nếu có thì bao nhiêu và khi nào. Theo John Davids, Lãnh đạo chương trình “gia đình trong kinh doanh” thuộc Học viện Kinh doanh Harvard, ngoài mong muốn giá trị mà người mới có thể thêm vào công ty của mình, bạn cũng nên xem xét việc trao cho họ một cổ phần của công ty. Hơn nữa, bạn không nên trao số cổ phần này chỉ trong một lần, nhưng chia nhỏ ra và trao dần trong một giai đoạn cụ thể, ví dụ 5 năm. Đối với bạn bè và người thân, việc này cũng không cần quá trịnh trọng, nhưng bạn vẫn phải yêu cầu ký thỏa thuận cổ đông với các điều khoản rõ ràng.

4. Điều gì sẽ xảy ra nếu có bất đồng quan điểm?

Đặc biệt, giải quyết mâu thuẫn với người thân hoặc bạn thân là một thách thức rất lớn vì lúc đó, các cảm xúc cá nhân sẽ xen lẫn với quyết định kinh doanh. Ira Bryck, Giám đốc Trung tâm UMass Family Business Center tại Amherst, Massachusetts, Mỹ trình bày quan điểm: “Đối với gia đình và bạn bè,… bạn sẽ nhún nhường hơn. Bạn cần phải tìm cách để duy trì phong thái chuyên nghiệp bằng cách loại bỏ các cảm xúc cá nhân ra khỏi việc quyết định, đồng thời phải tập trung vào các chuẩn mực và tiêu chuẩn khách quan”.

5. Mức độ chấp nhận rủi ro của bạn, bạn bè và người thân như thế nào?

Cho dù bạn bè hoặc người thân luôn có những điều giống nhau, nhưng cách mà bạn và họ cảm nhận về việc chấp nhận rủi ro rất khác nhau. Theo một ví dụ của Bryck, người làm anh hoặc chị thấy rằng cha mẹ mình chịu quá nhiều rủi ro trong kinh doanh, sẽ đứng ra lãnh trách nhiệm, trong khi người em không thấy như vậy và sẽ tham gia kinh doanh khi công ty đã ổn định hơn. Bạn cũng cần xác định xem mình ở mức độ nào trong những quyết định quan trọng như ra mắt sản phẩm mới hay thử nghiệm hình thức quảng cáo mới. Bạn có thể bất đồng ý kiến hết lần này đến lần khác, nhưng chắc chắn bạn không muốn đối đầu với người thân cả đời. Do đó, bạn cũng cần xem xét điều này trước khi kinh doanh theo cách này.

6. Vai trò của mỗi người là gì?

Trong nghiên cứu "FamilyPreneurship" về 518 doanh nghiệp gia đình vào năm 2010, Tracy Shaw, trợ lý Phó Chủ tịch phát triển thị trường của tập đoàn MassMutual Financial Group giám sát nghiên cứu này cho biết những doanh nghiệp thành công nhất thường phân biệt rõ vai trò của từng thành viên. Đương cử là Lidia Fluhme và Uli Fluhme, những nhà thành lập sự kiện đua xe đạp 177 km hàng năm Gran Fondo NY, họ phân chia lao động rất rõ ràng ngay từ lúc mới bắt đầu. Trong đó, Lidia Fluhme chịu trách nhiệm về mảng hậu cầu và chồng cô, Uli Fluhme đảm nhận việc liên hệ với các tay đua, marketing và các vần đề pháp lý. Lidia chia sẽ: “Anh ấy là người đưa ra tầm nhìn và tôi là người thực hiện tầm nhìn đó”.

7. Tách biệt đời sống riêng tư và công việc như thế nào?

Khi làm việc với gia đình hoặc bạn thân, ranh giới giữa đời sống riêng tư và công việc trở nên mờ dần. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể duy trì cân bằng giữa đời sống và công việc nếu biết cách thiết lập những quy luật mới. Ví dụ, bạn có thể thỏa thuận sẽ không bàn chuyện công việc trong bữa cơm gia đình hoặc không nói về các vấn đề cá nhân khi làm việc trừ trường hợp khẩn cấp.

8. Đánh giá bạn bè hoặc người thân như thế nào?

Theo Rivers, gia đình và bạn bè thường có khuynh hướng cho qua nhiều việc thay vì giải quyết chúng. Tuy nhiên, bạn phải biết rằng mỗi người cần có trách nhiệm với công việc và tìm cách đánh giá hiệu quả làm việc của nhau thường xuyên. Đưa ra một phản hồi, đặc biệt là phê bình dường như rất khó cho mối quan hệ của bạn, vậy hãy tìm một người thứ ba để làm việc này.

9. Nếu chuyện không thành, bạn sẽ làm gì?

Thông thường thì bạn sẽ nghỉ việc, nhưng đây là vấn đề làm việc với bạn bè và người thân, bạn sẽ cảm thấy mình không thể nghỉ vì sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ này. Vì vậy, trước khi mời một người thân hay bạn bè cùng kinh doanh, bạn cũng nên xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu một trong hai hoặc cả hai đều muốn nghỉ việc. Bạn sẽ giải quyết những cổ phần của họ như thế nào? Ai sẽ thế chỗ cho người ra đi? Điều này sẽ ảnh hưởng gì đến mối quan hệ cá nhân của bạn?

10. Lên kế hoạch thừa kế như thế nào?

Thậm chí khi bạn và người đồng sự thân thuộc kia có ý định làm việc với nhau lâu dài, bạn vẫn phải nghĩ về người thừa kế của cả hai. Phương diện tiêu cực ở đây là việc lên kế hoạch thừa kế thường gây phản cảm vì nó gắn với cái chết, bệnh tật hoặc những sự việc không hay trong cuộc sống, nên khó có thể bàn đến. Tuy nhiên, Bryck cho rằng: “Nếu không lên kế hoạch này, tình huống của bạn sẽ giống như lên một chuyến bay mà phi công không biết cách đáp xuống. Dù không muốn bạn vẫn phải ngồi lại bàn về vấn đề khó nói này”.

Theo Doanhnhanthanhdat.net/NĐT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Khi nào nên tìm đối tác mới?

    Khi nào nên tìm đối tác mới?

    04/07/2013 8:23 PM

    Có được quan hệ với những khách hàng lớn thì doanh nghiệp nào chẳng muốn hướng đến? Tiếc rằng đôi khi vì mải chạy theo những “đại gia” mà doanh nghiệp lại tự chui vào cái bẫy của sự lệ thuộc. Trong một số trường hợp, việc lệ thuộc vào những công ty lớn sẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ khó có thể phát triển bền vững.

  • 10 điều cần xem xét trước khi cùng bạn bè hoặc người thân kinh doanh

    10 điều cần xem xét trước khi cùng bạn bè hoặc người thân kinh doanh

    05/03/2013 11:17 AM

    Mời một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè làm đối tác kinh doanh có vẻ là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, mối quan hệ này có thể gây khó khăn trong việc định hướng kinh doanh và cũng khó chấm dứt, nếu mọi thứ không diễn ra suôn sẻ.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.