Vừa qua, một số trang mạng nước ngoài đưa thông tin "Việt Nam có thể phải xin IMF cứu trợ”, dẫn báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố, cho biết Việt Nam có thể sẽ phải vay vốn cứu trợ từ 250.000-300.000 tỷ đồng (12 – 14 tỷ USD). Với nhận định, Việt Nam cần hành động thật nhanh để giải quyết khối nợ xấu, bài viết cho rằng "Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ phải xin cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giải quyết nợ xấu”. Sự thực ra sao?
Ảnh: Hoàng Long
Thông tin trên có thể gây ra tác động tâm lý khá lớn nếu người ta tin rằng đó là những gì sắp diễn ra. Một nền kinh tế tới mức phải "xin cứu trợ” nghĩa là đã gần như suy sụp, nguy cơ vỡ nợ cận kề. Và đi liền với đó là những hệ quả khó lường về biến động kinh tế vĩ mô, các nhà đầu tư tháo chạy… Nhưng với thực tế về con số nợ xấu, và những gì đang diễn ra trong giải quyết nợ xấu ở Việt Nam, nhận định Việt Nam phải "xin cứu trợ” quả thật nực cười. Theo số liệu chính thức của Ngân hàng Nhà nước dựa trên kết quả giám sát, đến ngày 31-3-2012 nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) là hơn 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ tín dụng. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nhiều lần khẳng định, đây là con số "đáng tin cậy và có căn cứ khoa học nhất”. Vậy nợ xấu ở mức này có đến mức Việt Nam phải "xin cứu trợ”?
Bản chất của nợ xấu ngân hàng là do khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay không hiệu quả, và nó thường phát sinh sau một chu kỳ vay vốn, thậm chí sau một thời gian dài. Khái niệm "nợ xấu” xuất hiện ở Việt Nam có vẻ đã hàm oan cho những khoản nợ này, bởi thực tế đây không phải là những khoản nợ mất trắng, mà hiểu theo thuật ngữ quốc tế thường dùng đó là những khoản nợ không sinh lời. Nghĩa là nợ xấu vẫn có thể xử lý được nếu có những giải pháp phù hợp. Con số nợ xấu 8,6% được NHNN tổng hợp tại thời điểm 31-3-2012, nhưng từ đó đến nay cơ quan này cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm nợ xấu, hoặc chí ít cũng không làm nợ xấu tăng lên.
Cách đây ít lâu, từng xuất hiện thông tin Chính phủ sẽ xúc tiến thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia thuộc NHNN để xử lý nợ xấu với số vốn khoảng 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo NHNN cũng như các chuyên gia kinh tế, để xử lý nợ xấu cũng không cần tới con số 100.000 tỷ đồng. Và nếu có, số vốn để xử lý nợ xấu có thể được hình thành bằng các công cụ tài chính chứ không nhất thiết phải lấy từ ngân sách. Hơn nữa, giải quyết nợ xấu có rất nhiều biện pháp, không có nghĩa là tất cả các khoản nợ xấu phải giải quyết bằng một giải pháp duy nhất là lập công ty mua bán nợ. Bằng chứng hiện nay là công ty đó chưa được lập nhưng nợ xấu đã từng bước được giải quyết.
Một vấn đề nữa là nguồn thông tin mà bài báo trên viện dẫn chỉ là một phần nhỏ của một tác giả trong báo cáo chung của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ngay lời mở đầu, báo cáo đã ghi rõ: "Nhận định, phân tích và đánh giá trong báo cáo thể hiện quan điểm của các tác giả, mà không phản ánh quan điểm của Ủy ban Kinh tế”. Nhìn lại báo cáo, cũng thấy rằng tác giả không hề đưa ra nhận định hay đề xuất gì về việc "xin cứu trợ”. Cụ thể, nguyên văn báo cáo có đoạn: "Để thực hiện việc làm sạch các khoản nợ xấu và nợ quá hạn của hệ thống các tổ chức tín dụng, rõ ràng Việt Nam cần phải có một dòng vốn ‘sạch' tương đối lớn từ bên ngoài bơm vào, ước tính lên đến 250-300 nghìn tỷ đồng. Dòng vốn này có thể đến từ nước ngoài hoặc từ ngân sách nhà nước”.
Như vậy, rõ ràng các trang mạng nước ngoài trên dẫn lại đưa thông tin thiếu trung thực về hướng giải quyết nợ xấu của Việt Nam, chưa nói tới đó mới chỉ là nhận định của một tác giả chứ không phản ánh quan điểm từ phía Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm củng cố kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, chưa rõ các hãng tin nước ngoài đưa ra nhận định trên mang dụng ý gì. Nhưng rõ ràng tác động của thông tin này là tiêu cực, và cách đưa tin thì khá giống một câu tục ngữ của Việt Nam: "Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”.
Trước việc một số trang mạng nước ngoài nhận định "Việt Nam có thể phải xin IMF cứu trợ”, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã lên tiếng khẳng định: "Không có việc Việt Nam vay hay có ý định vay vốn của IMF để xử lý nợ xấu”. Theo Phó Thống đốc Lê Minh Hưng, trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn duy trì quan hệ chặt chẽ, tốt đẹp với IMF thông qua các hoạt động đối thoại, tư vấn chính sách và chưa từng thảo luận với IMF liên quan đến việc tiếp cận nguồn tín dụng của IMF.
Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết "Việt Nam đối mặt với nguy cơ phải xin cứu trợ từ IMF để giải quyết nợ xấu” là hoàn toàn không chính xác vì 3 lý do. Thứ nhất, mục đích cho vay của IMF là cấp tín dụng cho các nước có khó khăn tạm thời đối với cán cân thanh toán, tức là khi một nước không có đủ nguồn tài trợ cho thanh toán quốc tế và duy trì đủ dự trữ ngoại hối cho tương lai. Thứ hai, theo đánh giá của Chính phủ và IMF, tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện nay đã có nhiều chuyển biến rất tích cực theo hướng ổn định, đặc biệt là cán cân thương mại, vãng lai và cán cân tổng thể đạt mức thặng dư cao, dự trữ quốc tế tăng mạnh, lòng tin của thị trường và công chúng được củng cố mạnh mẽ. Thứ ba, trên thực tế, từ trước tới nay, IMF và Chính phủ Việt Nam chưa từng bàn tới, hoặc có ý định thảo luận về kế hoạch IMF cấp tín dụng cho Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định và xuất phát từ những nội dung nêu trên, NHNN khẳng định không có lý do gì Việt Nam cần phải tiếp cận tín dụng của IMF.
Theo Nguyên Quân (ĐĐK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.