Tập đoàn Berjaya được biết đến như một “siêu” Cty, chuyên đầu tư những dự án tỷ USD. Tại TP.HCM, chỉ với hai dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam và KĐT ĐH Quốc tế Việt Nam, số vốn đăng ký của Berjaya đã lên đến 4,5 tỷ USD, chưa kể hàng loạt những dự án khác như KĐTM Hanoi Garden City, Bien Hoa City Square, Trung tâm TP mới Nhơn Trạch - Đồng Nai, Berjaya Long Beach Resort tại đảo Phú Quốc… Đăng ký vốn là thế, song thực tế thì lại khác.

Từ dự án tỷ USD

Dự án đầu tư Trung tâm tài chính Việt Nam (Vietnam Financial Center - VFC) do Cty Berjaya Land Berhad (thuộc Tập đoàn Berjaya - cấp giấy chứng nhận (GCN) đầu tư tháng 02/2008 với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD), là khu đất rộng hơn 8,1ha, nằm giữa 3 trục đường Cao Thắng (nối dài), đường 3/2 và Lê Hồng Phong. Theo dự kiến sẽ khởi công năm 2010 sau khi GPMB. Vốn đầu tư lớn, quy mô “hoành tráng” gồm khu Trung tâm Tài chính 5 khối tháp, cao 44 - 48 tầng, khu khách sạn Kỳ Hòa cao 30 tầng, khu công viên và hồ nước. Toàn bộ dự án được 3 quảng trường lớn bao quanh.

Cũng trong năm 2008, UBND TP.HCM tiếp tục trao thêm GCN đầu tư dự án “KĐT - Đại học quốc tế Berjaya” (VIUT) cho Cty Berjaya Land Berhad. Dự án có tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD, tọa lạc trên khu đất rộng 925ha tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, thuộc KĐT Tây Bắc TP.HCM. Theo thiết kế, Cty Berjaya Việt Nam dành trên 100ha phát triển VIUT thành một trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Ngoài các trường đại học, KĐT này sẽ cung cấp thêm 20 trường ở bậc đào tạo mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở. Đối với phần diện tích đất còn lại, KĐT phức hợp bao gồm: Khu thương mại, khu dân cư (bao gồm chung cư mặt tiền sông, nhà vườn, căn hộ mặt tiền kênh và nhà gần công viên), trung tâm hành chính văn hóa, trung tâm y tế quy mô 15ha phục vụ chữa bệnh và hoạt động chuyên khoa của các trường đại học, câu lạc bộ thể dục thể thao và giải trí, công viên cây xanh.

Đến bãi đất trống

Sau dự án VFC gần 5 năm, tính từ ngày có giấy phép, cả 2 dự án tỷ USD này vẫn không có gì hơn ngoài một khu đất trống. Với những gì thể hiện trong thực tế cả 2 dự án này có nguy cơ trở thành dự án “thiếu khả thi” và “buông màn” bất kỳ lúc nào. Sự chậm trễ tiến độ dự án đã khiến lãnh đạo TP phải lên tiếng “nhắc nhở”, và khuyến cáo nếu tiếp tục trì hoãn, không hoàn thành các thủ tục đầu tư theo cam kết của mình, TP sẽ xem xét thu hồi GCN đầu tư.

Tại dự án VIUT được chia thành 8 giai đoạn trong khoảng thời gian từ 8 - 10 năm, giai đoạn 1 (55ha) sẽ được triển khai xây dựng trong 3 năm, chủ yếu là 2 nghìn căn hộ, 255 căn nhà liên kế. Đồng thời tận dụng sông rạch tại KĐT Tây Bắc TP để phát triển những khu nhà ở ven sông (chỗ ở cho 75 nghìn người). Quy mô lớn là thế, nhưng cũng sau một thời gian dài, đến con đường vào dự án cũng chưa được hình thành. Tuyến đường vào dự án lầy lội đến mức xe di chuyển thường xuyên bị sa lầy. Cả dự án chưa có bất kỳ căn nhà nào được xây dựng.

Trả lời cho sự chậm trễ của dự án, ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng giám đốc Cty Berjaya Land Berhad, cho biết “ách tắc” chính nằm trong khâu thủ tục hành chính, mất quá nhiều thời gian để điều chỉnh 14 lần cho quy hoạch chi tiết 1/500 nên chưa thể khởi công như đã công bố! Đồ án QHCT xây dựng đô thị TL1/2000 được phê duyệt tháng 4/2012, tuy nhiên cái khó là khu đại học 300ha mục đích để di dời các trường đại học trong nước nên chủ đầu tư không có cơ sở pháp lý để kêu gọi các trường quốc tế đầu tư vào. Việc này làm thay đổi tính chất và chức năng của KĐT đại học quốc tế.

Theo Mạnh Cường - Đức Thiện (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.