Việc thông tuyến đường đại lộ Thăng Long đã không làm cho các dự án bất động sản tại đây đắt hàng như kỳ vọng, bởi giao thông đi lại đang cực kỳ bất tiện do không có lối rẽ sang ngang thẳng vào khu dự án mà phải chui xuống đường gom chật chội. Điều này đã làm giảm giá trị các dự án xung quanh đó.
Một phần khu đất dự án Nam An Khánh Ảnh: Anh Đào

Cùng nằm trên trục phía Tây, nhưng sau khi tuyến đường Lê Văn Lương thông xe, hàng loạt dự án bất động sản dọc hai ven đường như An Hưng, Văn Khê,… tiếp tục tăng giá khá mạnh. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng nay, giá đất các dự án tăng 5-10 triệu đồng/m2. Thậm chí, ngay cả các dự án chung cư vốn dĩ giao dịch vẫn èo uột cũng nhúc nhích tăng.
Cùng nằm trên trục phía Tây, nhưng sau khi tuyến đường Lê Văn Lương thông xe, hàng loạt dự án bất động sản dọc hai ven đường như An Hưng, Văn Khê,… tiếp tục tăng giá khá mạnh. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng nay, giá đất các dự án tăng 5-10 triệu đồng/m2. Thậm chí, ngay cả các dự án chung cư vốn dĩ giao dịch vẫn èo uột cũng nhúc nhích tăng.

Trái ngược hẳn với sự sôi động các dự án dọc đường Lê Văn Lương, tại các dự án dọc Đại Lộ Thăng Long, mặc dù đường đã được thông nhưng giá đất tại Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Geleximco… lại án binh bất động, giá không tăng và ít giao dịch. Trong khi, hơn một năm trước giá các lô đất liền kề và biệt thự tại các dự án này đã tăng mạnh bởi nhiều nhà đầu tư bất động sản đã đặt kỳ vọng lớn khi tuyến đường cao tốc này được thông xe.

Đáng chú ý, trong cơn sốt cục bộ ở các dự án phía Tây mà đỉnh điểm là hồi cuối năm 2008, giá đất liền kề, biệt thự tại Bắc An Khánh đạt kỷ lục với mức chênh lệch ngoài lên đến 7-8 tỉ đồng/căn, Nam An Khánh tăng từ 16 triệu đồng/m2 lên mức 22 – 24 triệu đồng/m2.
Mặc dù đường được thông xe nhưng giá trị dự án không tăng nhiều như kỳ vọng của nhà đầu tư.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ giá đất tại các dự án này không tăng là do không có đường dẫn trực tiếp vào khu đô thị. Để có thể đi sang tuyến đường dẫn vào phía dự án Nam An Khanh, từ luồng đường bên phải (đi từ phía đường Trần Duy Hưng xuống) mọi người phải rẽ vào đoạn hầm nhỏ ở phía dưới đường cao tốc thì mới có thể sang được làn đường bên trái. Thậm chí, phải đi rất xa khoảng 1-2 km mới có thể đến được hầm dẫn đó nếu muốn quay ngược trở lại.

Nhiều văn phòng môi giới cho biết, chính vì phải đi đường gom nên dự án Nam An Khánh, Bắc An Khánh… hầu như không tăng giá. Hiện tại, giá đất biệt thự ở Nam An Khánh chỉ dao động khoảng 28-29 triệu đồng/m2. Giá liền kề khoảng 30-31 triệu đồng/m2. Tại dự án Splendora, giá mua chênh lệch các suất liền kề cũng giảm hơn 1 tỉ đồng/căn, hiện mức vênh chỉ còn khoảng 6 tỉ đồng/căn.
Một phần hạ tầng dự án Nam An Khánh đang còn ngổn ngang. Ảnh Anh Đào
“Việc phải đi đường gom là điều rất bất tiện và làm mất đi giá trị của toàn bộ dự án hai bên đường Đại lộ Thăng Long. Tuy nhiên, về phía dự án Nam An Khánh còn có các tuyến đường khác nối từ quận Hà Đông sang nên có phần thuận lợi hơn các dự án phía bên phải đường. Tại dự án Geleximco khu C và D do nằm trên trục đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) kéo dài nên giá đất tăng hơn hơn và lượng khách hỏi mua cũng nhiều hơn so với khu A (nằm sát phía ngoài sát đại lộ Thăng Long -PV)”, chị Nguyễn Thị Ngoan - chủ văn phòng nhà đất Tín Nghĩa (xã An Thọ- An Khánh) cho biết.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân quan trọng góp phần ảnh hưởng đến giá trị dự án là do chủ đầu tư chậm triển khai vì vậy hầu hết các dự án tại đây đều vẫn chỉ là bãi đất hoang. Như khu đô thị Bắc An Khánh mặc dù chính thức khởi công từ tháng 4/2007 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn diện tích Dự án vẫn chưa hoàn thành việc san lấp mặt bằng. Ngay cả trung tâm marketing và diện tích 50 ha trong giai đoạn I của dự án hiện vẫn trong quá trình xây dựng và san lấp mặt bằng.

Khu đô thị Nam An Khánh với diện tích gần 300 ha nhưng phần lớn diện tích đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và đã có đường giao thông, nhưng rất ít công trình nhà ở được triển khai theo tiến độ đã cam kết. Theo giải thích của ông Phan Ngọc Diệp - Chủ tịch hội đồng quản trị công ty CP Đầu tư phát triển Đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), sở dĩ dự án chậm triển khai so với tiến độ là do phải điều chỉnh quy hoạch và phân chia lại diện tích các khu đất trong dự án.

Thông thường, khi mua dự án án bất động sản các nhà đầu tư đều đặt kỳ vọng vào những thay đổi đột biến đặc biệt về hạ tầng giao thông xung quanh các khu dự án. Bởi, nó góp phần tạo nên vẻ đẹp cho toàn bộ dự án cũng như tạo được những thuận lợi về giao thông... Sự cộng hưởng của các yếu tố này góp phần gia tăng giá trị cho các dự án. Tuy nhiên, điều này lại chưa xảy ra đối với các dự án dọc đại lộ Thăng Long

Đại lộ Thăng Long (trục đường Láng - Hòa Lạc trước đây) bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng, đi qua qua địa bàn các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất đến ngã tư giao với Quốc lộ 21A (km 31 + 64, điểm đầu của đường Hồ Chí Minh). Dự án có tổng mức đầu tư dự án là 7.527 tỷ đồng, đã được chính thức thông xe từ 3/10.

Cafeland.vn- Theo Vnmedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland