Việc toà tháp Keangnam, một dự án hỗn hợp đồ sộ, tầm cỡ trong khu vực có bãi đỗ trực thăng là một điều đáng mừng và rất đáng tự hào. Thế nhưng...

Cách đây ít hôm, nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin toà nhà Keangnam, Hà Nội sẽ có bãi đỗ máy bay trên nóc toà nhà. Thông tin này ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả.



Ông Lê Đình Tri
Thế nhưng, khi biết bãi đỗ sân bay chỉ là hạng mục bổ sung, không hề có trong thiết kế ban đầu của toà nhà, không ít người đã đặt câu hỏi: Việc bổ sung thêm chức năng bãi đỗ máy bay trên nóc toà nhà có phải là một sự “cơi nới”. Và việc “cơi nới” này có làm công trình bị biến dạng, có bị thay đổi kết cấu và có ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình cũng như cư dân sống trong khu vực?...

Theo ông Lê Đình Tri, Vụ phó Vụ Quy hoạch và Kiến trúc (Bộ Xây dựng), thì mới đây, ngày 2 tháng 11 năm 2010, chủ đầu tư toà nhà Keangnam đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng kiến nghị điều chỉnh một số nội dung liên quan đến ngôi nhà.

Theo đó, chủ đầu tư muốn được điều chỉnh thiết kế cơ sở đối với 2 khối nhà 48 tầng, tăng số căn hộ từ 918 căn lên 922 căn và giảm chiều cao (phần trang trí bên trên) từ 212m xuống 210,7m.

Đặc biệt, chủ đầu tư cũng kiến nghị được lắp đặt, chuyển đổi công năng đỉnh tháp làm bãi đỗ máy bay trực thăng.

Việc toà tháp Keangnam, một dự án hỗn hợp đồ sộ, tầm cỡ trong khu vực có bãi đỗ trực thăng là một điều đáng mừng và rất đáng tự hào.

Thế nhưng, cho đến hiện tại, dự án Keangnam (vốn được khởi công từ Quý 1 năm 2007) đã gần như hoàn tất thì việc bổ sung một hạng mục rất quan trọng là bãi đỗ máy bay trên nóc toà nhà lại khiến nhiều người nghi ngại, lo sợ sẽ có những tác động tiêu cực đến kết cấu và sự an toàn của công trình.

Ông Lê Đình Tri cũng thừa nhận việc dự án Keangnam gần như hoàn tất, chủ dự án mới kiến nghị bổ sung làm thêm bãi đậu sân bay là một việc làm hi hữu. Bởi, việc thiết kế bãi đỗ máy bay trên toà nhà thường được chủ đầu tư nêu ra ngay từ đầu và được thiết kế đồng bộ.

Chẳng hạn dự án toà tháp Bitexco tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ ban đầu, chủ đầu tư đã đề cập việc làm bãi đỗ máy bay trực thăng trên tầng thứ 50 của toà tháp. Ngay cả việc thiết kế bãi đỗ máy bay tại toà tháp này, chủ đầu tư cũng không đặt trên nóc, mà chỉ đặt ở tầng thứ 50, nơi có được sự che chắn từ chính toà nhà.

Còn với dự án Keangnam, khi dự án đã gần như xong xuôi, việc bổ sung thêm bất kỳ bộ phận kiến trúc nào, theo ông Tri, cũng khiến công trình chịu thêm tải trọng, chịu sự cộng hưởng của sức gió và tác động đến kết cấu công trình.

Cũng theo ông Tri, việc toà nhà Keangnam kiến nghị bổ sung chức năng bãi đỗ máy bay trên nóc toà tháp, song về chức năng, Bộ Xây dựng không có quyền cấp phép.

Trong trường hợp này, Bộ chỉ góp ý kiến trên một số nội dung điều chỉnh. Vì vậy, đến ngày 8 tháng 12, Bộ Xây dựng đã có công văn số 146 trả lời kiến nghị của chủ đầu tư công kình Keangnam.


Tòa nhà Keangnam - Ảnh: TBKTVN

Theo nội dung công văn số 146, nếu chủ đầu tư công trình Keangnam sử dụng thiết bị và sân bay tực thăng trên mái công trình phải tuân thủ các điều kiện trong văn bản số 970-TM-Tg1 ngày 3 tháng 6 năm 2008 của Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam.

Như vậy, đơn vị quyết định chủ đầu tư toà nhà Keangnam có được lắp đặt thiết bị sân bay trên nóc toà nhà hay không không phải Bộ Xây dựng, mà là Bộ Tổng tham mưu QĐND.

Mặc dù, cho tới thời điểm hiện tại, chưa biết chủ toà nhà Keangnam đã được các cơ quan chức năng chính thức cho phép việc sử dụng nóc toà tháp làm sân bay trực thăng hay chưa. Nhưng, dưới góc nhìn của một kiến trúc sư, ông Lê Đình Tri cho rằng: việc toà nhà Keangnam bổ sung thêm bãi đỗ máy bay trên nóc toà nhà chắc chắn ảnh hưởng đến kết cấu công trình.

Cafeland.vn - Theo Vietnamnet
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland