Sau gần 1 năm gỡ vướng trong việc cho vay vốn xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, Sở Giao dịch I (Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB) đã đặt bút ký hợp đồng tín dụng trị giá 391 tỷ đồng (chiếm 63% tổng mức đầu tư) xây dựng Khu đô thị mới Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội của chủ đầu tư Viglacera.
Hợp đồng này chính thức mở đường cho các chi nhánh của VDB trên toàn quốc thực hiện cho vay với dự án nhà ở cho người thu nhập thấp.

Giám đốc Sở Giao dịch I, ông Lê Minh Trọng cho biết, sau Dự án Khu đô thị mới Đặng Xá, VDB sẽ tiếp tục phối hợp với các chủ đầu tư triển khai ký kết hợp đồng tín dụng với 6 dự án tương tự trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc. Trong số này, hai dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Sài Đồng và Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư 336 tỷ đồng/dự án đang được chủ đầu tư đề nghị vay 180 tỷ đồng. Đối với 4 dự án còn lại (Lô No11 và Lô No12 tại Khu đô thị mới Sài Đồng, Hà Đông, Việt Hưng và Đại Mỗ), Sở Giao dịch I đang hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ vay vốn.

Theo quy chế mới của VDB, với các dự án được chấp thuận cho vay theo diện này, chủ đầu tư chỉ cần cam kết trong hợp đồng tín dụng là bán đúng đối tượng. Nếu bị VDB phát hiện người mua nhà không đúng đối tượng thì toàn bộ số tiền cho vay được coi là sử dụng sai mục đích. Khi đó, chủ đầu tư buộc phải hoàn trả ngay cho VDB cả gốc lẫn lãi theo thị trường.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay sau khi Chính phủ có chủ trương triển khai một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội (nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê, nhà ở sinh viên và nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị), vào trung tuần tháng 1/2010, VDB đã ban hành chính sách cho vay vốn tín dụng nhà nước để xây dựng nhà ở xã hội. Hơn thế, VDB cũng đã chuẩn bị trên 6.000 tỷ đồng cho các khoản vay phục vụ chủ trương này.

Tuy nhiên, trong suốt 11 tháng qua, trước thời điểm hợp đồng tín dụng vừa được ký với Viglacera, không một đồng vốn nào được giải ngân.

Trong khi đó, chủ đầu tư các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp bức xúc vì phải vay thương mại với lãi suất cao nhưng sản phẩm bán ra bị khống chế giá. Theo ông Nguyễn Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Sơn An, nếu kênh vốn từ VDB không thông được, thì không chủ đầu tư nào dám xây dựng nhà ở xã hội với lãi suất vay thương mại lên tới trên 20%/năm (rất cao so với lãi suất tín dụng nhà nước hiện tại là 9,6%/năm và sẽ tăng lên 11,4%/năm kể từ tháng 2/2011). Thậm chí, ông Bùi Đức Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính và bất động sản Vincon còn cho rằng, nếu VDB không cho vay thì họ chỉ hoàn thành những dự án dang dở và trả lại tất cả dự án đã được chính quyền địa phương giao đầu tư.

Tuy nhiên, khi hợp đồng tín dụng đầu tiên đã được Sở giao dịch I cùng với Viglacera ký kết, các vướng mắc về khung khổ pháp lý vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện tại, Bộ Xây dựng vẫn chưa xác định tỷ lệ diện tích kinh doanh thương mại/diện tích nhà ở xã hội, cơ sở để xác định mức vốn được vay từ nguồn tín dụng nhà nước. Việc quản lý tài sản bảo đảm tiền vay, quản lý nguồn vốn vay, quản lý dòng tiền quá phức tạp vì liên quan đến nhiều văn bản quy phạm khác nhau.

Trong thời gian này, để tháo gỡ khó khăn về việc thẩm định giá bán, VDB căn cứ vào giá bán căn hộ do chủ đầu tư xây dựng để tính toán hiệu quả và khả năng trả nợ. Đặc biệt, VDB yêu cầu chủ đầu tư cam kết trong hợp đồng tín dụng về việc mở tài khoản tại VDB và mọi giao dịch mua bán căn hộ phải được thực hiện thông qua tài khoản này.

Cafeland.vn - Theo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland