Trong Báo cáo chiến lược tháng 12, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã đưa ra kịch bản có xác suất cao nhất về khả năng thị trường chứng khoán sẽ “Tăng trưởng ổn định”. Trong kịch bản được SSI cho là có xác suất cao nhất này, Công ty đưa ra những giả định cơ bản chính dựa trên kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế 2011 đã được Quốc hội thông qua.


Thứ nhất, Việt Nam sẽ có khả năng đạt tăng trưởng GDP khoảng 7% vào năm 2011, với sự hỗ trợ bởi sự tăng trưởng ổn định của các nền kinh tế thế giới và châu Á. Xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức độ tương tự như năm 2010 và thâm hụt thương mại sẽ ổn định. Tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng tốt và đầu tư sẽ dần quay trở lại.

Thứ hai, CPI nhiều khả năng xuống lại quanh mức 7% đến 9%, nếu biến động của thành phần lương thực, thực phẩm trong CPI sẽ ổn định lại sau khi đã tăng mạnh trong năm 2010.


Bên cạnh đó, SSI cũng đưa ra 3 giả định sau: Trong năm 2011, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể tiếp tục giảm giá đồng Việt Nam khoảng 5% cho cả năm. Tỷ giá VND/USD niêm yiết sẽ có khả năng ở mức 20.500 cùng với sự phục hồi của đồng USD. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thành công trong việc tìm ra cách thức thu hẹp chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và tỷ giá chợ đen. Vinashin đang đàm phán về việc thanh toán các khoản vay với chủ nợ và có khả năng đi tới một phương án thu xếp giữa hai bên. Lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố sẽ duy trì ở mức 9%, tuy nhiên hệ thống liên ngân hàng vẫn sẽ còn có nhiều thách thức, vì nhiều ngân hàng nhỏ vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về mức vốn pháp định.


Căn cứ trên những giả định đó, SSI dự báo P/E forward sẽ tăng nhẹ lên khoảng 11x trong nửa sau năm 2011 (từ mức hiện tại khoảng 10x) với giả định mặt bằng lãi suất thấp hơn và CPI ổn định hơn. Bên cạnh đó, lợi nhuận của các công ty niêm yết (trên sàn HSX) sẽ tăng trung bình khoảng 10-20%. VN-Index sẽ tiếp tục biến động nhưng sẽ hồi phục và tăng khoảng 20-25% trong năm 2011.


Tuy nhiên, có một số rủi ro có thể khiến kịch bản chính nêu trên sẽ không xảy ra, bao gồm các rủi ro như sau: Kinh tế thế giới và Châu Á có thể sẽ quay trở lại cuộc suy thoái kép, trong trường hợp ngân hàng trung ương Trung Quốc và Mỹ quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ để kiếm soát lạm phán và hạn chế đầu cơ. Nếu những sự kiện trên xảy ra, kinh tế thế giới yếu kém có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng xuất khẩu từ Việt Nam và thâm hụt thương mại của Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng. Trường hợp thâm hụt thương mại tăng khiến cán cân thương mại bị ảnh hưởng và việc nhà đầu tư nước ngoài quan tâm ít hơn đến Việt Nam sẽ buộc NHNN giám giá đồng VND nhiều hơn 5%. Điều kiện khí hậu khó khăn ở những nước nông nghiệp lớn dẫn đến tăng
giá lương thực thực phẩm của Việt Nam, khiến CPI lên mức 10-11%. Để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước sẽ thắt chặt tiền tệ bằng cách duy trì mức lãi suất cao và hạn chế tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng có thể sẽ tăng. Chính phủ và các chủ nợ của Vinashin có thể sẽ không thống nhất được cách giải quyết thoả đáng cho khoản nợ của Vinashin khi các khoản nợ này đáo hạn. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lo ngại về khả năng vỡ nợ của các công ty nhà nước, và việc này có thể sẽ có ảnh hường xấu đến niềm tin thị trường.

“Trong trường hợp những sự kiện trên xảy ra, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ tiếp tục giảm” - SSI cho biết.

Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland