Thị trường bất động sản (BĐS) trong những ngày cuối năm 2010 vẫn duy trì được đà phục hồi bắt nhịp với xu thế tăng trưởng trở lại của nền kinh tế. Đáng chú ý, thị trường BĐS đã có bước chuyển biến, dịch chuyển về vị trí đầu tư khi nhiều dự án, khu nghỉ dưỡng đang ra khỏi địa phận thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, hình thành ở nhiều địa phương khác.


Các nhà đầu tư đã chuyển hướng đầu tư vào nhiều địa phương khác
để đáp ứng nhu cầu thật của thị trường. ( Ảnh: Hoàng Long)

Phát triển vùng BĐS theo định hướng vùng đô thị đa cực

Bộ Xây dựng cho biết: Năm 2010, thị trường BĐS vẫn tiếp tục được thụ hưởng kết quả của các chính sách chống suy giảm kinh tế, kích thích tăng trưởng do Chính phủ đã kịp thời ban hành các cơ chế chính sách và chỉ đạo điều hành quyết liệt, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển. Môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng cũng đem lại thuận lợi cho cả nhà đầu tư nội và ngoại.

Thay đổi rõ nét nhất trên thị trường BĐS chính là vị trí đầu tư. Các nhà đầu tư đã chuyển hướng đầu tư vào nhiều địa phương khác để đáp ứng nhu cầu thật của thị trường. Các dự án bất động sản đồ sộ liên tiếp mọc lên ở Nghệ An, Nha Trang, Khánh Hòa, Bình Thuận. Trong bối cảnh thị trường Hà Nội đang chững lại, đặc biệt, nhà ở hướng tới khu vực ngoại thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia.

Khu vực phía Bắc, Hải Phòng cũng tạo bước đột phá với 260 dự án kinh doanh phát triển đô thị, quy mô gần 2.600 ha; trong đó có 100 dự án đã và đang triển khai đầu tư, tạo ra khoảng gần 700.000m2 sàn. Tại khu vực miền Trung, Đà Nẵng cũng dành trên 2.300 ha đất cho hơn 120 dự án đầu tư KĐTM, văn phòng, khu thương mại, khu nhà ở...

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cần phát triển vùng bất động sản theo định hướng vùng đô thị đa cực, tập trung liên kết không gian giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh xung quanh. Vùng động lực phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ tập trung trên trục kinh tế giữa đô thị hạt nhân thành phố Hà Nội với Hải Phòng, trong đó, Hải Dương đóng vai trò đô thị trung tâm cấp vùng, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến.

Một nhân viên, quản lí cấp cao Phòng nghiên cứu thị trường Công ty tư vấn dịch vụ bất động sản CBRE nhận định, việc sở hữu những khu đất vàng ở các thành phố khác tạo tiền đề để phát triển nhiều loại hình bất động sản. Chẳng hạn miền Trung với lợi thế về biển đã phát triển loại hình bất động sản nghỉ dưỡng. Trong khi đó, với địa hình đa dạng, gần gũi với thiên nhiên của vùng núi phía Bắc, là đặc điểm nổi bật bất động sản sinh thái.

Vẫn song hành những rủi ro

Nguyên nhân sự dịch chuyển đầu tư bất động sản ở đâu? Theo bà Kim Chung, Giám đốc công ty BĐS Kim Chung: Tại các thành phố khác, quỹ đất còn nhiều, do đó các nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn. Bây giờ, các địa phương, thành phố cũng đang tạo những ưu đãi về đất đai, thuế khuyến khích nhà đầu tư, do đó thu hút phát triển bất động sản.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Việt Nam nhận định, nhiều địa phương đang tiên phong tạo ra thị trường nhà giá rẻ, chất lượng tốt.

Một chuyên gia trong ngành BĐS phân tích, tại Hà Nội, “bong bóng” nhà đất tiềm ẩn rủi ro lớn, giới đầu tư tìm đến những thành phố mới. Thêm vào đó, giá BĐS cũng biến động không đồng đều giữa các địa phương. Trong khi hai trung tâm lớn của cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phải chịu tác động mạnh do thăng trầm của giá BĐS thì thị trường này tại các thành phố khác vẫn “phẳng lặng“. Ngay cả sự biến động của thị trường BĐS giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng khác nhau. Do vậy, để an toàn giới đầu tư tìm đến nhiều địa chỉ mới để giảm thiểu rủi ro.

Sự táo bạo mở rộng thị trường BĐS vượt ra khỏi phạm vi Hà Nội, Hồ Chí Minh được đánh giá là tốt, tạo ra cạnh tranh đồng đều nhưng bên cạnh đó, chính các chuyên gia cũng dự báo “vẫn tiềm ẩn bất an”. Cái khó nhất để phát triển thị trường bất động sản bền vững là tìm ra nguồn vốn ổn định, dù dự án ở nơi đâu, ở thời điểm nào. Trong Hội thảo quốc tế “Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản-kinh nghiệm thế giới và sự lựa chọn cho Việt Nam”, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã cảnh báo: “Nhiều địa phương phát triển BĐS tràn lan, tự phát, thiếu định hướng. Điều này dẫn đến tình trạng “đóng băng” cục bộ của thị trường tại một số địa phương”.

Hiện nay giá nhà ở Việt Nam đang ở mức khá cao và đang trong xu hướng vẫn tiếp tục tăng với diễn biến phức tạp. Đặc biệt, giá nhà tại các đô thị lớn quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân và vượt xa giá trị thực của BĐS.
Cafeland.vn - Theo ĐĐK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland