Sở giao dịch vàng Quốc gia của Việt Nam sẽ là nơi giao dịch vàng tập trung và chính thức của cả nước. Việc hình thành một thị trường chung được kỳ vọng sẽ tạo lập sân chơi có tổ chức, minh bạch, chấm dứt tình trạng lộn xộn hiện nay trên thị trường.

Vàng giao dịch như chứng khoán

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Sở giao dịch vàng Quốc gia. Theo đề xuất, cơ quan này sẽ thuộc sở hữu Nhà nước, được thành lập dưới dạng một công ty TNHH một thành viên nhà nước, với mặt hàng đặc biệt là vàng. Những cá nhân, DN có vàng, có nhu cầu mua bán vàng sẽ đăng ký lưu ký vàng trên tài khoản của Sở giao dịch và đặt các lệnh mua bán thông qua hệ thống giao dịch tại Sở.

Sở giao dịch chỉ là nơi cung cấp địa điểm, dịch vụ cho hoạt động thanh toán và giao nhận vàng, không tham gia giao dịch trên sàn. Các thành viên tham gia thị trường gồm hai loại tự doanh và môi giới. Đây là các ngân hàng hoặc DN kinh doanh vàng có uy tín và danh tiếng tốt, minh bạch trong kinh doanh.

Sàn sẽ xây dựng hệ thống và quy định về giao dịch, hệ thống thanh toán cũng như các vấn đề về lưu trữ, vận chuyển và đảm bảo chất lượng vàng. Các vấn đề về quản lý rủi ro, đảm bảo minh bạch trên thị trường cũng sẽ được tuân thủ các quy định rõ ràng.


Tại Sở giao dịch cũng sẽ có dịch vụ mua bán có kỳ hạn và thực hiện các công cụ phái sinh để phòng ngừa các rủi ro khi thị trường vàng thế giới biến động bất thường. Nhà đầu tư sẽ được tính giá mua, giá bán trên cơ sở khớp giá hàng ngày của nhiều người mua, nhiều người bán. Nếu lượng khách giao dịch càng lớn sẽ phản ánh giá mua và giá bán càng khách quan hơn.

Theo các chuyên gia BIDV, đề án này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu cấu trúc thị trường nội địa và các nước. Vấn đề kết nối với thị trường vàng quốc tế, và đặc biệt là mô hình hoạt động, quản lý 5 sở giao dịch vàng có doanh số lớn trên thế giới như: COMEX của Mỹ, TOCOM của Nhật, MCX của Ấn Độ, DGCX của Dubai, SGE của Trung Quốc. Trong đó, lưu ý thị trường Trung Quốc vì nới đây có những đặc điểm giống Việt Nam như: tâm lý tích trữ, giao dịch vàng vật chất lớn...

Theo các chuyên gia BIDV, đây là đề xuất từ một định chế tài chính, có kinh nghiệm nhiều năm trong kinh doanh ngoại tệ và càng, có kinh nghiệm trong tham gai phát triển thị trường chứng khoán ở Việt Nam với vai trò là ngân hàng thanh toán. Đối với việc thành lập Sở giao dịch vàng, nếu được Chính phủ chấp thuận thì việc hiện thực ý tưởng này cần có sự thống nhất và vào cuộc của các bộ ngành cùng tham gia đề từng bước thực hiện.

Chuẩn hóa thị trường

Theo ông Nguyễn Mạnh, Trưởng Ban vốn và kinh doanh vốn BIDV, đã đến lúc thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia vì nhiều lý do. Hiện Việt Nam đã trở thành quốc gia có số người tham gia đầu tư vàng đứng hàng nhất nhì thế giới. Nếu tiếp tục để thị trường giao dịch tự do thì chắc chắn nhà đầu tư cũng như thị trường vàng trong nước sẽ gặp nhiều rủi ro như thời gian qua.


Qua đây, cơ quan quản lý cũng nắm được lượng cung, cầu của thị trường vàng, cung cầu ngoại tệ liên quan đến vàng cũng như lượng tiền giao dịch trên thị trường vàng một cách chính xác, chủ động hơn, để có những điều tiết kịp thời khi biến động xảy ra.

Giá vàng sẽ do cung cầu xã hội quyết định, nhờ đó sẽ giảm được lũng đoạn thị trường và thao túng giá, góp phần tạo trật tự khách quan cho công bằng trên thị trường. Giảm nhu cầu nhập khẩu và hạn chế xuất nhập khẩu lậu vàng.

Khác với thực tế thị trường hiện nay, các DN và cơ sở kinh doanh vàng độc lập với nhau. Sở giai dịch vàng Quốc gia sẽ vận hành trong mối quan hệ tổng hợp với các chủ thể là cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân, do đó sản xuất sẽ gắn kết chặt chẽ hơn thị trường vàng với hệ thống tài chính quốc gia.

Đặc biệt, Sở giao dịch vàng Quốc gia sẽ là nơi để cơ quan quản lý có thể thực hiện, giám sát và điều tiết thị trường vàng, có thể can thiệp thị trường thông qua giao dịch của Sở.

Thực tế, vàng luôn là tài sản không chỉ của người dân mà còn của ngân hàng. Đối với người Việt Nam, vàng luôn được coi là một công cụ bảo đảm tài sản, là nhu cầu tích trữ và thói quen đầu tư của người Việt Nam. Theo thống kê năm 2009 của Hội đồng Vàng thế giới, trong các năm từ 2006-2008, mỗi năm Việt Nam chênh lệch giữa mua vào và bán ra của Việt Nam khoảng 30 tấn vàng. Trong khi đó, môt con số cho thấy, khối lượng mua bán trên sàn giao dịch vàng Sài Gòn trước đây có ngày lên mức lịch sử: 400.000 lượng/ngày.

Gần đây, khi có hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản, số đầu tư cũng lên đến hàng chục ngàn lượng. Từ những cơn sốt vàng vừa qua, nhu cầu mua bán vàng mỗi ngày cũng rất lớn. Đây là nhu cầu cần được đáp ứng qua một Sở giao dịch. Và việc thành lập Sở giao dịch vàng có nhiều cơ sở hơn khi Việt Nam đã hình thành thị trường chứng khoán.

Cafeland.vn - Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland