Dù 31/12 tới đây là hết hạn mà TP.HCM yêu cầu một số chung cư cũ phải di dời xong. Tuy nhiên đến nay, người dân tại các chung cư này vẫn ở yên trong những căn nhà nát. Đang báo động đỏ về tình trạng mất an toàn.

Phập phồng với chung cư cũ.

Đánh trống bỏ dùi

Chiều 20/12, có mặt tại khu chung cư Cô Giang, chung cư mà 1 tháng trước, TP đã yêu cầu UBND Q.1 có phương án di dời khẩn cấp, chúng tôi thấy sinh hoạt của người dân vẫn bình thường. Nhiều người khẳng định, kế hoạch di dời của thành phố, họ biết qua... báo chí, chưa nhận được thông báo nào của thành phố hay phường, quận.

Bác Lương Văn Lượng, Phó Ban quản trị chung cư Cô Giang, cho biết: “Thành phố nói là di dời khẩn, nhưng thời gian nào, giá cả, phương án di dời ra sao, thì người dân không biết”. Cũng theo bác Lượng, tháng 3/2008, dân ở đây có nhận phương án di dời, với mức giá bồi thường cao nhất ở mặt tiền đường Cô Giang là gần 97 triệu đồng/m2, tầng 5 chỉ hơn 12 triệu đồng/m2. Giá này hiện nay, người dân không mua nổi nơi ở mới.

Ông Nguyễn Văn Quảng, chủ căn hộ 206 lô D, cho biết căn hộ của ông chỉ 20m2, với giá đền bù 15 triệu đồng/m2, gia đình sẽ nhận được 300 triệu đồng. Số tiền này không mua nổi 10 m2 để tái định cư. Đó là chưa kể nhiều căn hộ chỉ 12m2, làm sao mua được chỗ ở mới. "Hai năm trước, phường có kêu dân lên họp bàn. Dân không chịu, thế là im đến nay. Nay thành phố lại đưa thông báo xuống, mà không có kế hoạch cụ thể, khiến dân hoang mang. Chúng tôi muốn thành phố tính mức giá phù hợp, chứ áp dụng giá từ năm 2008, giữa lúc giá đất đã tăng cao như hiện nay, làm sao dân chịu”, bác Lượng đề xuất.

Tại chung cư 727 Trần Hưng Đạo, Q.5, mặc dù UBND TP.HCM đã có thông báo phải di dời trước 30/4/2008, tuy nhiên, nay vẫn còn rất đông hộ dân chưa di dời, cũng vì giá đền bù và phương án tái định cư chưa hợp lý.

Còn tại hai lô IV và VI cư xá Thanh Đa (P.27, Q.Bình Thạnh), mặc dù đã có chủ trương tháo dỡ hơn 10 năm trước, song người dân vẫn sống với tòa nhà đã... nhìn thấy độ nghiên.

Đi không được, ở không xong

Tại chung cư Cô Giang, có gần 900 căn hộ phải giải tỏa hoàn toàn, bởi chung cư xuống cấp nghiêm trọng, trong đó lô C có nguy cơ sập cao nhất. Giữa tháng 11, UBND P.Cô Giang thông báo về nguy cơ sụp đổ chung cư này khi xuất hiện các vết nứt lớn trên tường nhà, nhất là tại các khu vực tường tiếp giáp với đà, cột. Nhiều nơi còn xuất hiện âm thanh… răng rắc, có dấu hiệu nghiêng, võng. Phường đã kêu gọi người dân có nhu cầu di dời khẩn trương liên hệ với ban giải phóng mặt bằng quận, để đăng ký, sắp xếp nơi ở tạm. Tuy nhiên, người dân lên quận thì không gặp được người có trách nhiệm, và quận cũng chưa có phương án di dời, tạm cư cho dân. “Dân muốn đi nhưng cũng đâu có chỗ mà đi”, ông Quãng nói.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện thành phố có khoảng 100 chung cư cũ, trong đó, nhiều chung cư đã hư hỏng nặng. Theo kế hoạch, năm 2010, TP.HCM phải di dời hơn 2.000 hộ dân, tháo dỡ 7 chung cư cũ nát, có nguy cơ sập tại các quận nội ô.

Song đến nay, Sở mới di dời, tháo dỡ và xây dựng lại được 46 chung cư. Nguyên nhân khiến chương trình cải tạo chung cư cũ ì ạch, là chính sách đền bù, tái định cư nhiều bất cập. Ngoài ra, quỹ nhà phục vụ tái định cư còn thiếu trầm trọng.

Bộ Xây dựng mới đưa ra lấy ý kiến dự thảo về cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ. Người bị giải tỏa, được bố trí tái định cư tại chỗ, thì được bồi thường bằng một căn hộ mới, với diện tích tối đa bằng 1,5 lần diện tích căn hộ bị thu hồi, và không nhỏ hơn 30m2. Phần diện tích chênh giữa căn hộ cũ và căn hộ mới sẽ được thanh toán bằng tiền theo giá bán nhà ở thương mại tại thời điểm bồi thường.

Cafeland.vn - Theo Đất Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland