Việc cho phép áp dụng một cơ chế mua bán ngoại tệ thỏa thuận giữa người dân và ngân hàng sẽ giải quyết được nguồn.

Làm thế nào mua được ngoại tệ để đi du lịch, du học, chữa bệnh, hỗ trợ người thân ở nước ngoài và những nhu cầu chính đáng khác, khi thị trường tự do không còn hoạt động, đang là vấn đề bức xúc với nhiều người. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói rằng việc đáp ứng đòi hỏi nói trên của người dân phụ thuộc vào cung cầu ngoại tệ của các ngân hàng.

Cách thức tháo gỡ một vấn đề thiết thực như thế với đời sống người dân khó được chấp nhận trong điều kiện vẫn có thể tìm thấy lối ra, chỉ cần cơ quan quản lý nhìn nhận việc bán ngoại tệ cho người dân một cách thực tế hơn.

Trước hết, chỉ có mua đô la Mỹ bị ách tắc chứ không phải tất cả các loại ngoại tệ. Người dân có nhu cầu có thể mua các ngoại tệ khác ở ngân hàng không gặp bất cứ khó khăn gì. Nhiều người đi châu Âu, Úc, Nhật… vẫn xin mua đô la Mỹ, trong khi các quốc gia này sử dụng đồng euro, đô la Úc hay yen. Do đó, cần có ngay một sự tuyên truyền sâu rộng, cũng như một quy định rõ ràng: người Việt Nam đi đến nước nào hoặc gửi tiền cho người thân ở nước nào, thì có quyền mua đồng tiền của nước đó tương đương 7.000 đô la Mỹ (hoặc nhiều hơn nếu được NHNN cho phép) và các ngân hàng có nghĩa vụ đáp ứng đầy đủ. Điều này có tác dụng giải tỏa tâm lý người dân.

Tuy nhiên, khi đi Mỹ hay các nước mà đồng tiền của họ không được các ngân hàng Việt Nam mua bán như châu Phi, châu Mỹ Latinh, một số nước châu Á, thì việc mua đô la Mỹ là chính đáng. Một số người, thay vì mua đô la Mỹ, đã chọn giải pháp sử dụng thẻ tín dụng quốc tế. Khi thanh toán thẻ, hầu hết các ngân hàng áp dụng một tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng “linh hoạt”, có cộng thêm một số phí, thành ra tỷ giá thực mà chủ thẻ phải trả luôn cao hơn tỷ giá niêm yết. Khách hàng rõ ràng không ưa thích điều đó.

Nút thắt của câu chuyện bán đô la Mỹ cho người dân chính là ở tỷ giá. Nếu chênh lệch tỷ giá niêm yết của ngân hàng và thị trường tự do bằng không, chắc chắn nhiều ngân hàng sẵn sàng bán đô la Mỹ cho người có nhu cầu. Bởi lúc ấy những người có ngoại tệ cũng sẵn sàng bán đô la Mỹ cho ngân hàng. Trong khi chờ đợi sự chênh lệch bằng không giữa hai tỷ giá chính thức và phi chính thức, NHNN nên chăng có sự can thiệp ở mức độ hợp lý để tạo dựng lòng tin nơi người dân.

Sự can thiệp nên bắt đầu bằng việc nhanh chóng thống kê nhu cầu thực của người dân ở mức độ thế nào. Trên cơ sở đó, Nhà nước có thể can thiệp, bảo đảm đáp ứng 10%, 20% hay 30% nhu cầu. Chẳng hạn người đi du lịch, công tác dài ngày (từ vài tuần trở lên) ở Mỹ có thể được mua 3.000/7.000 đô la Mỹ. Những người đi du lịch ngắn ngày (3-5 ngày) có thể được mua ít hơn, dưới 1.000 đô la Mỹ. Việc bán nhiều hay ít còn tùy khả năng của từng ngân hàng, nhưng ít nhất người dân phải mua được một tỷ lệ nhỏ nào đó so với nhu cầu thực. Anh muốn mua 3.000 đô la Mỹ, mà tôi chỉ bán được 1.000 đô la Mỹ, thậm chí 500 đô la Mỹ, cũng là tốt rồi. Hoặc tôi bán cho anh một phần nhu cầu bằng đô la Mỹ, một phần bằng ngoại tệ khác. Ở đây NHNN và các tổ chức tín dụng phải tạo cho người có nhu cầu ngoại tệ một lối đi, dù đó là lối đi hẹp hay đường vòng.

Nguồn ở đâu để NHNN và các ngân hàng bán cho người dân? Việc cho phép áp dụng một cơ chế mua bán ngoại tệ thỏa thuận giữa người dân và ngân hàng sẽ giải quyết được nguồn. NHNN phải tính toán sự linh hoạt thật sự của cơ chế đó và các ngân hàng chỉ được áp dụng trong khuôn khổ một biểu phí linh hoạt nhất định. Các ngân hàng sẽ không dại gì nâng giá mua đô la Mỹ của người dân quá cao, vì khi bán lại giá quá cao cũng không khách hàng nào mua. Một mức giá hợp lý sẽ giúp người mua kẻ bán gặp nhau. Việc mua bán này đang diễn ra với các ngoại tệ khác và nhiều người đã bán các ngoại tệ khác họ có cho ngân hàng thay vì đến các tiệm vàng.

Các giải pháp gợi ý nói trên chỉ mang tính tình thế, ngắn hạn. Về lâu dài chính sách ngoại hối cần tính đến nhu cầu của cá nhân người dân. Lâu nay chúng ta chỉ quan tâm đến nhập siêu, thâm hụt thương mại mà quên tính toán nhu cầu của người dân ra sao. Nhiều năm nay nhu cầu của người dân được “giao phó” cho thị trường tự do trong khi lượng kiều hối chuyển về nước ngày càng lớn, nhưng lại không chảy vào kênh thương mại của ngân hàng. Phần lớn kiều hối được giao dịch trên thị trường tự do. Tại sao không có một cơ chế thông thoáng để biến luồng kiều hối thành nguồn cung ứng cho người dân có nhu cầu ngoại tệ?

Cafeland.vn - Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland