Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển (VDB) trong tổng số 44 dự án nhà thu nhập thấp trên cả nước với tổng mức đầu tư 6.600 tỷ đồng, chưa có bất kỳ dự án nào vay được vốn từ VDB theo chính sách ưu đãi của chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Phát triển nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm thực hiện an sinh xã hội. Mới triển khai chưa đầy 2 năm và được hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi nhưng vẫn phát sinh nhiều vấn đề liên quan. Để đạt được mục tiêu đặt ra, vấn đề vốn, cơ chế tài chính cần phải được tính toán cụ thể và phải có sự chuẩn bị. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vẫn rất khó để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Nếu không tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn và giá thành sản phẩm có thể sẽ bị đẩy lên cao.

Chưa tiếp cận được vốn do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Hiện có 8 doanh nghiệp tham gia xây dựng 11 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn TP Hà Nội. Một số dự án chuẩn bị được đưa vào sử dụng như dự án tại phố Ngô Thì Nhậm (Hà Đông), dự án xây dựng nhà ở xã hội tại khu đô thị Việt Hưng (Long Biên). Bên cạnh đó, nhiều dự án khác cũng đang trong quá trình triển khai xây dựng như dự án xây dựng 10 tòa nhà chung cư cao 12 tầng tại khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm), dự kiến hoàn thành trong quý II-2012; dự án tại khu tái định cư Kiến Hưng, phường Kiến Hưng (Hà Đông), dự kiến hoàn thành trong quý II-2012; dự án tại khu đô thị Sài Đồng (Long Biên) cũng dự kiến hoàn thành trong quý III-2012…

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển (VDB) thì hiện mới chỉ có rất ít dự án nhà thu nhập thấp tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi. Cả TP Hà Nội có 11 dự án thì mới chỉ có duy nhất một dự án tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi. Điều này diễn ra không chỉ riêng với Hà Nội. Trong tổng số 44 dự án nhà thu nhập thấp trên cả nước với tổng mức đầu tư 6.600 tỷ đồng, chưa có bất kỳ dự án nào vay được vốn từ VDB theo chính sách ưu đãi của chương trình phát triển nhà ở xã hội.


Nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi.

Do không tiếp cận được vốn vay ưu đãi, rất nhiều chủ đầu tư dự án đã tự đầu tư bằng nhiều nguồn khác nhau, trong đó có việc vay tại các ngân hàng thương mại với lãi suất cao. Nguyên nhân, các doanh nghiệp không tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi theo VDB là chủ đầu tư các dự án nhà xã hội không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể dùng làm tài sản thế chấp để cho vay, không đăng ký được giao dịch đảm bảo.

Giá nhà thu nhập thấp không thấp

Bộ Xây dựng đã từng khẳng định, giá của nhà thu nhập thấp chỉ dao động khoảng 5-7 triệu đồng/m2 khi bắt đầu triển khai chương trình nhà ở xã hội vào năm 2009. Để có giá đó, theo tính toán của Bộ Xây dựng đã bao gồm những chính sách ưu đãi của Nhà nước như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án, được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng ở mức cao nhất... trong đó có cả việc doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi khi triển khai dự án. Những ưu đãi đó, theo quy định, doanh nghiệp không được tính vào giá bán căn hộ.

Vậy nhưng khi dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đầu tiên được bán ở dự án tại phố Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) của Vinaconex Xuân Mai giá thành đã bị đội lên 8,8 triệu đồng/m2. Đây có thể vẫn là mức giá "mơ ước" trong bối cảnh giá nhà đang leo thang như hiện nay. Tuy vậy mức giá này đã có sự chênh lệch khá nhiều so với tính toán của Bộ Xây dựng.

Lý giải điều này, ông Đặng Hoàng Huy, Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai cho hay, để có được giá bán này cũng đã là một sự cố gắng tối đa của doanh nghiệp, không tính các ưu đãi của Nhà nước theo quy định. Doanh nghiệp đã huy động mọi nguồn lực tự có của mình. Nếu phải đi vay các ngân hàng thương mại với mức lãi suất cao như hiện nay, có thể giá thành căn hộ sẽ phải cao hơn nữa.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội, mới đây, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các Sở, ngành chức năng tập hợp những kiến nghị của các chủ đầu tư, nếu doanh nghiệp nào cần cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để có thể vay vốn ngân hàng thì trình UBND TP Hà Nội xem xét giải quyết. Đồng thời yêu cầu các dự án đang triển khai đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương xác định giá bán sau khi làm xong phần móng để tổ chức huy động vốn.

Về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Xây dựng sẽ sớm làm việc với Bộ Tư pháp để ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn theo hướng cho một số cơ chế linh hoạt để doanh nghiệp có thể thế chấp tài sản trên đất. Phương án nữa được tính đến là Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị với Chính phủ ban hành một cơ chế riêng cho chương trình phát triển nhà ở xã hội để VDB có cơ sở pháp lý giải quyết vốn vay cho các dự án.

Các cơ quan quản lý đang nỗ lực để nhà ở xã hội đạt được ý nghĩa xã hội cao nhất. Hy vọng các dự án nhà thu nhập thấp sẽ nhanh chóng tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi. Nhà ở xã hội đang là cơ hội, hy vọng duy nhất đối với nhiều hộ nghèo đô thị về một chốn an cư. Nếu để doanh nghiệp phải "gồng mình" với mức lãi suất thương mại như hiện nay thì chắc chắn sẽ không thể có nhà giá rẻ
Cafeland.vn - Theo CAND
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland