Mặc dù đã có những chính sách khuyến khích, ưu đãi để DN xây nhà ở cho công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) nhưng việc thực hiện vẫn khó trăm bề. Trong khi đó, cuộc sống khó khăn do giá cả tăng cao khiến giấc mơ an cư của công nhân càng thêm xa vời.

Chê sang, chấp nhận… khó!

TP Hồ Chí Minh hiện có 15 KCN - KCX với hơn 250.000 công nhân. Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý các KCN - KCX TP (Hepza) cho biết, khoảng 70% công nhân có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Họ phải thuê nhà trọ xung quanh nơi làm việc, thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt, an ninh trật tự không bảo đảm, giá điện nước rất đắt… Theo UBND quận 7, chỉ riêng khu vực gần KCX Tân Thuận đã có gần 2.000 hộ kinh doanh nhà trọ với hơn 13.000 phòng cho khoảng 40.000 công nhân thuê trọ. Đông như thế, địa phương khó có thể quản lý hết, vì vậy sự thiệt thòi luôn thuộc về người ở trọ. Tình hình cũng tương tự ở các khu vực xung quanh nơi tập trung nhiều DN sản xuất.


Công nhân phải ở trong những khu nhà trọ không đạt chuẩn.

Hiện mới chỉ có một số ít KCN - KCX có nhà lưu trú cho công nhân như KCX Linh Trung I, Tân Thuận; các KCN Tân Tạo, Tân Bình… nhưng số phòng chỉ đủ cho chưa tới 10% nhu cầu. Tuy nhiên, có một nghịch lý là dù các nhà lưu trú gần chỗ làm việc, giá rẻ chỉ bằng 1/2 giá nhà trọ bên ngoài, lại có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như máy giặt, tủ lạnh… nhưng công nhân vẫn không chịu vào ở. Theo thống kê của Hepza, khoảng 50% số phòng phải bỏ trống. Lý do, theo các công nhân là ở nhà lưu trú dù "sang" nhưng không tiện lợi, như chỉ mở cửa đến 22 giờ, không cho tiếp khách trong phòng. Bất tiện nhất là các nhà lưu trú không cho phép nấu ăn trong phòng, mà công nhân thì rất cần được nấu ăn để tiết kiệm chi phí.

Các tỉnh lân cận cũng có chung tình trạng. Tỉnh Bình Dương hiện có 24 KCN với hơn 200.000 công nhân. Các DN của tỉnh này cũng chỉ mới bảo đảm được chỗ ở cho khoảng 13% lượng người lao động. Số nhà lưu trú của tỉnh cũng được xây rất ít, nhưng có đến 60-70% số phòng bỏ trống vì công nhân không vào ở. Sức ép về nhu cầu nhà trọ đã làm cho các phòng cho thuê do người dân xây dựng càng chật chội, lộn xộn, nhếch nhác… Tại Đồng Nai, ông Nguyễn Mạnh Văn, Phó ban Quản lý KCN - KCX tỉnh cho biết, cả tỉnh có 30 KCN và khoảng 420.000 công nhân đang làm việc và cũng đang có những vấn đề về nhà ở như trên. Tỉnh Long An thì ít hơn, mới chỉ có 11 KCN đi vào hoạt động với 48.000 công nhân. Tuy nhiên đến năm 2015-2020 thì số lao động của tỉnh này dự kiến sẽ lên đến 400.000 người…


Khó trăm bề


Tại cuộc họp giao ban thường kỳ ban quản lý các KCN-KCX các tỉnh phía Nam mới đây, tất cả các tỉnh đều "kêu" là rất khó xây nhà cho công nhân. Ông Vũ Văn Hòa cho biết, trước kia, khi các KCN-KCX mới được xây dựng thì chưa có quy định dành ra phần đất để xây nhà ở cho công nhân. Sau này, Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 có lưu ý các KCN phải xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhà ở và các dịch vụ tiện ích cho người lao động. Tuy nhiên, cũng chưa có quy định cụ thể bắt buộc nhà đầu tư cơ sở hạ tầng KCN phải đầu tư đồng thời dự án khu dân cư; mặt khác cũng chưa phân công rõ ràng trách nhiệm cho cơ quan hoặc đơn vị nào xây dựng. Trong khi đó, hiệu quả đầu tư xây nhà ở cho công nhân không cao, thời gian thu hồi vốn lại kéo dài đến 20-30 năm nên nhà đầu tư không mặn mà. "Chúng tôi chỉ vận động, tùy vào sự quan tâm của DN đối với công nhân của mình chứ không thể ép họ xây nhà ở cho công nhân được", ông Hòa than.


Trong nỗ lực để công nhân có chỗ ở tốt hơn, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quy chế cho vay đối với hộ cá nhân, gia đình xây mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho công nhân. Theo đó, người dân có thể vay đến 2,5 tỷ đồng trong thời hạn 7 năm để xây mới; hoặc 1,5 tỷ đồng trong 5 năm để sửa chữa nhà cho công nhân thuê. Còn theo Hepza, trong năm 2011 các KCN-KCX của TP sẽ xây dựng thêm 6 block nhà lưu trú, tạo thêm chỗ ở cho hơn 1.000 công nhân. Tuy nhiên, số lượng này là quá nhỏ so với nhu cầu của công nhân.

tag: nha o cong dan, chinh sach, khuyen khich, xay nha,...

Cafeland.vn - Theo Hà Nội mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland