Năm 2010, lãi suất ngân hàng thị trường tiền tệ chứng kiến cuộc đua lãi suất công khai và lãi suất đã được đẩy lên cao kỷ lục. Năm 20011 tới, lãi suất có giảm và thị trường tiền tệ có ổn định không?
PV có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội về vấn đề này.


TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội

Thưa ông, thời gian qua, lãi suất huy động đã tăng lên rất cao, thậm chí các ngân hàng cũng đã công khai cuộc đua lãi suất. Theo ông, vì sao có hiện trạng này và hệ quả của nó là gì?

- Lãi suất huy động thời gian qua được đẩy lên cao là bởi chỉ số lạm phát cao, khoảng trên dưới 10%. Thứ hai là chịu sức ép của việc tái cấu trúc và hạn chế từ thanh khoản của các ngân hàng.

Cuộc đua lãi suất gây thiệt hại cho tất cả. Ngân hàng chịu chi phí vốn lớn hơn, sức ép cho vay cao hơn, thậm chí có những ngân hàng buộc phải xem lại kế hoạch huy động vốn vì vốn bị rút ra nhiều, gây nên những biến động trong quá trình kinh doanh vốn.

DN thì chắc chắn là thiệt hại nhất, vì khó tiếp cận vốn lại chịu lãi cao. Đối với xã hội, gây ra sự bất an. Người gửi sẽ phải lo nghĩ số tiền mình gửi có nguy hiểm không, bị thiệt hại không, ngân hàng có sập không?... Rõ ràng cuộc đua lãi suất là cuộc đua lợi ít, hại nhiều.

Một giải pháp được lựa chọn thực hiện là kêu gọi sự đồng thuận giảm lãi suất từ các ngân hàng. Ông có cho rằng đây là biện pháp hợp lý?


- Nếu mà nói về lý thì việc kêu gọi đồng thuận không hợp lý lắm. Nhưng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay thì điều đó là cần thiết.

Vì người gửi tiền không biết cơ quan nào đáng tin cậy, cứ thấy lãi suất cao là lao vào. Các ngân hàng, các DN kể cả doanh nghiệp lớn mang tiền đi làm giá, gửi ở các nơi, mặc cả để lấy lãi suất cao.

Tình trạng này không được xử lý sẽ gây ra buôn bán vốn lòng vòng. Thậm chí ngân hàng cũng vào cuộc, không còn là người huy động vốn xã hội cho vay nữa. Nó tạo ra một cái vòng xoáy và đến lúc sẽ đổ vỡ. Điều này rất nguy hiểm cho nên đồng thuận trong bối cảnh Việt Nam hiện nay là cần thiết.

Thưa ông, nhìn lại 3 cuộc đồng thuận đã diến ra, thì có đến 2 lần đầu có thể nói là đã không thành công? Vậy làn thứ 3 này ông có đặt niềm tin?

- Việc 2 lần đầu không thành công có thể lý giải là, thứ nhất, mức đồng thuận áp đặt hơi bị cưỡng bức quá. Thứ hai, tính cam kết chưa cao, vì chỉ là đại diện ngân hàng thôi chứ chưa phải là Tổng giám đốc đứng ra cam kết.

Lần đồng thuận thứ 3 này có 3 rút kinh nghiệm rất tốt. Mức đồng thuận khá phù hợp. Với lạm phát trên dưới 10% hiện nay thì lãi suất 14% là phù hợp.

Thứ hai là đích thân ông Tổng giám đốc ký cam kết. Thứ ba, NHNN thực hiện 2 điều, đó là chứng giám và sẽ xử lý nếu sai cam kết và quan trọng hơn là giãn tái cấu trúc vốn điều lệ cho các ngân hàng nhỏ để bớt đi sức ép thị trường.

Những động tác này làm cho sức ép về mặt huy động vốn, về nguyên tắc không còn nhiều.

Vậy liệu có khả năng các ngân hàng sẽ “phá rào” lãi suất huy động nữa không, thưa ông?

- Ngay bản thân các ngân hàng cũng không dại gì mà huy động với lãi suất cao. Bởi vì ngân hàng huy động cao thì phải cho vay cao, thì thu hồi vốn sẽ khó. Đó là lợi ích sát sườn của họ.

Có thể có những trường hợp nào đấy, họ đẩy lãi suất cao nhưng không phải mục đích huy động vốn mà vì mục tiêu khác, ngoài kinh tế.

Thì trong việc này, NHNN cần có các công cụ bổ sung, buộc các NHTM phải giải trình nhiều hơn, và gắn lãi suất huy động với vốn điều lệ, với tỷ lệ dự trữ của ngân hàng đó. Không để các ngân hàng tùy tiện tăng lãi suất.

Việc đồng thuận dẫu sao cũng là giải pháp tình thế. Vậy còn giải pháp lâu dài? Làm sao để ổn định thị trường và để cuộc đua lãi suất không diễn ra?

- Thứ nhất, trước đây ngân hàng đã từng làm là đưa ra một lượng tín dụng rẻ, tái cấp vốn thông qua thị trường mở. Các ngân hàng tiếp cận nguồn vốn rẻ sẽ bớt đi nhu cầu huy động bên ngoài.

Tiếp nữa, NHNN nên thực hiện chính sách hạn chế cho vay tín dụng. Hiện nay, có những ngân hàng cho vay nhiều hơn mức huy động.

Thực hiện chính sách dự trữ gắn với cho vay, gắn với lãi suất huy động, quy mô huy động để nó bảo đảm sự tương thích. Tiếp nữa, thực hiện các công cụ hành chính đơn giản như giải trình, bên vay thì vay nhiều thế để làm gì? Yêu cầu họ trình bày phương án, xem có lành mạnh hay không?...

Ông có cho rằng năm 2011, lãi suất sẽ giảm?

- Chưa thể thấp được. Vì nhu cầu vốn của DN và nhu cầu của các ngân hàng còn rất lớn. Trong khi đó, nguồn cung trong thị trường không nhiều, và mức lạm phát năm tới cũng chưa hẳn sẽ thấp.

Năm sau thậm chí thị trường tiền tệ còn còn căng thẳng hơn vì năm nay ngân hàng cho vay lãi suất cao, năm sau rất khó để thu hồi.

Xin cảm ơn ông!
Cafeland.vn - Theo Tầm nhìn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland