Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu thông báo: từ đầu năm 2011, khi lạm phát giảm, sẽ triển khai các biện pháp mạnh để kéo lãi suất giảm.
Kết thúc năm 2010, kinh tế vĩ mô đã bộc lộ nhiều bất ổn, với tỷ lệ lạm phát lên tới 11,75%. Để khắc phục tình trạng này, Tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương, diễn ra ngày 30 – 31/12, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, Chính phủ đã phát đi thông điệp dồn sức ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2011.

Vàng không phải phương tiện thanh toán
Để kiểm soát giá vàng, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng đề án quản lý thị trường vàng theo tinh thần chỉ đạo điều hành của Thủ tướng “coi vàng như tài sản, vật trang sức của dân, chứ không phải phương tiện thanh toán”, để sớm trình Chính phủ xem xét, thông qua.

Thắt chặt chính sách tiền tệ

Ngay từ đầu năm 2011 phải xác định cơ chế điều hành chính sách tiền tệ rõ ràng, công khai, minh bạch và thực hiện xuyên suốt trong cả năm, nhằm kiểm soát tốt lạm phát. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, hiện Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng phương án điều hành lãi suất, tỷ giá, theo hướng linh hoạt hơn. Nếu được Thủ tướng đồng ý, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố định hướng điều hành lãi suất cả năm.


Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, biện pháp kéo lạm phát năm 2011 xuống dưới hai con số. Ảnh : TNLinh.

Ông Giàu cũng cho biết, lúc lạm phát cao sẽ đảm bảo tỷ lệ lãi suất thực dương thấp, khoảng 0,5%; còn khi thị trường ổn định, nâng tỷ lệ thực dương cao hơn - có thể trên 1% , để không tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước còn tập trung thực hiện mục tiêu đạt tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán là 21 - 24%, tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế khoảng 23%; tỷ giá ở mức cân bằng, đảm bảo khả năng an toàn thanh toán của hệ thống tín dụng và ổn định thị trường tiền tệ.

Kiềm chế lạm phát không quá 7%

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước kiến nghị, để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát không quá 7% trong năm 2011và ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ rất cần nhận được sự phối hợp đồng bộ của chính sách tài khoá. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cam kết, trong quá trình triển khai các chính sách tài khóa, sẽ phối hợp sát với Ngân hàng Nhà nước và bộ ngành liên quan. Bộ Tài chính sẽ tập trung kiểm soát tiết kiệm chi tiêu ngân sách, tăng cường quản lý nợ công, nợ của doanh nghiệp nhà nước. Việc huy động các nguồn vốn vay của Chính phủ sẽ được tiến hành trên cơ sở tiến độ giải ngân, tránh đọng vốn.

Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc đề xuất giải pháp mạnh: từ đầu năm, cần phấn đấu giảm bội chi ngân sách bằng cách cắt giảm chi, nhất là giảm chi đầu tư, xuống 3 - 3,5% GDP. Chi ngân sách theo đúng dự toán đã được Quốc hội thông qua. Tất cả các khoản chi vượt thu ngân sách so với dự toán, phải đưa vào Quỹ dự phòng; không phân bổ, tăng các khoản chi cao hơn dự toán đã phê duyệt. “Đặc biệt, không phân bổ đầu tư Nhà nước vào các ngành mà tư nhân trong nước có thể kinh doanh, như dịch vụ thương mại, nhà hàng, khách sạn; đồng thời, cổ phần hoá hoặc bán các cơ sở kinh doanh thuộc sở hữu Nhà nước cho tư nhân trong nước, theo quy định có liên quan về cải cách doanh nghiệp nhà nước”, ông Phúc nhấn mạnh.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cắt giảm đầu tư Nhà nước cần đi liền với nâng cao hiệu quả đầu tư, nhằm giảm hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn). Đây là giải pháp căn cơ để giảm nhu cầu vốn, giải tỏa áp lực tăng cung tiền phục vụ đầu tư, cũng như nền kinh tế, nhằm chủ động ngăn ngừa lạm phát.

Khống chế nhập siêu dưới 20%

Đây là nhận định của Thứ trưởng Công thương Nguyễn Thành Biên, tại cuộc họp giao ban xuất nhập khẩu chiều 30/12. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009; nhập khẩu tăng tới 20,1%, đạt 84 tỷ USD. Nhập siêu cả năm 2010 khoảng 12,3 tỷ USD, với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu khoảng 17,3%, đạt chỉ tiêu Chính phủ đặt ra, là không quá 20%. Hai mặt hàng thuộc nhóm không khuyến khích nhập khẩu giảm về kim ngạch trong năm nay là ô tô và xe máy nguyên chiếc. Nhập khẩu xăng dầu cũng giảm, một phần do trong nước đã đáp ứng được nhờ Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. ( Thu Hoài ).

Cafeland.vn - Theo Đất Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland